09:36 19/08/2019

Sốt xuất huyết: tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen

Hoài Phương

Sốt xuất huyết nếu chẩn đoán đúng và được điều trị đúng phác đồ sẽ khỏi bệnh và không để lại di chứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Sốt xuất huyết có các biểu hiện đặc trưng là sốt kèm với xuất huyết. Sốt thường kéo dài từ 2 - 7 ngày, trong những ngày đầu thường sốt rất cao, đến ngày thứ 5, thứ 6 sẽ giảm dần và hết sốt.Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng vì sốt xuất huyết gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu.Thực tế cho thấy, aspirin có tác dụng để hạ sốt và giảm đau (mức độ nhẹ và vừa) nhưng chỉ an toàn khi sử dụng ở người khỏe mạnh, bình thường, không có các bệnh lý như hen, dị ứng, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận, người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu...
Sốt xuất huyết: tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen - Ảnh 1.
Trong bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ bị rối loạn đông máu khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu (xuất huyết) và giảm tiểu cầu (hai tình trạng này đều nằm trong chống chỉ định của thuốc).  Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen.Trong khi đó, aspirin lại ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu (nên sẽ chống lại quá trình cơ thể tự cầm máu khi bị chảy máu do sốt xuất huyết), gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày… làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra kéo dài hơn và không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh sốt xuất huyết trầm trọng thêm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Điều nguy hiểm là các triệu chứng của sốt xuất huyết dễ bị nhầm lẫn với các ca sốt virus thông thường nên nhiều người đã tự ý mua aspirin về dùng mà không biết mình đang bị sốt xuất huyết, nên đã xảy ra tai biến… Vì vậy, khi bị những triệu chứng trên (nhất là trong mùa dịch) mà chưa loại trừ được sốt xuất huyết thì tuyệt đối không được dùng aspirin để hạ sốt. Người bệnh cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.Ngoài aspirin thì tất cả các kháng viêm không steroid đều có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu (tuy mức độ không mạnh như aspirin) nhưng cũng không có lợi trong bệnh sốt xuất huyết. Do vậy không dùng chúng trong điều trị sốt xuất huyết. Một số loại thuốc kháng viêm steroid thường được dùng để chữa cảm cúm, giảm đau là: Ibuprofen, diclofenac...ư
Sốt xuất huyết: tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen - Ảnh 2.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, người bệnh phải dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ. Paracetamol (Acetaminophen) là một thuốc được khuyến cáo sử dụng tương đối an toàn để hạ sốt trong sốt xuất huyết nhưng liều lượng cũng phải được tính toán kỹ theo lứa tuổi, không được sử dụng quá liều. Tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ. Bên cạnh đó, số lần uống là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm…