11:17 18/10/2019

Thận trọng với kính áp tròng không rõ nguồn gốc

Hoài Phương

Với nhiều người trẻ ưa thích vẻ đẹp thời trang, sành điệu, kính áp tròng là vật "bất li thân" với màu sắc tròng mắt biến đổi theo ngày.


Ở Việt Nam số người chọn kính áp tròng thay cho kính thông thường chữa tật khúc xạ chiếm tỷ lệ rất thấp. Các shop bán kính chủ yếu bán các loại kính áp tròng có màu, có hình và không độ dành cho mục đích thời trang. Trên các mạng, khá nhiều loại kính giãn tròng được rao bán, với nhiều loại hình khác nhau: kính áp tròng thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng…Theo quảng cáo của người bán online thì đa số là kính "xách tay" có xuất sứ từ Hàn Quốc, giá từ 200.000 – 350.000đ/cặp, đủ màu sắc, có độ và không độ. Các cửa hàng mắt kính thì có các loại xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Indonesia… giá từ 260.000 – 500.000đ/cặp. Bên cạnh đó có nhiều loại kính giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ khác.
Thận trọng với kính áp tròng không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.
Theo Bệnh viện mắt Trung ương: Hiện nay, kính áp tròng được bán rất nhiều trên thị trường, người dùng mua được dễ dàng nhưng chất lượng và nguồn gốc các loại kính này thường không rõ ràng, dễ gây hại cho mắt. Đặc biệt, ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với những người sử dụng kính áp tròng.Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi và bể bơi. Chúng có thể tự vỗ béo bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong mắt kính áp tròng bị nhiễm bẩn. Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được đặt vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả là mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phù mí và đau mắt.Ai cũng có thể bị loại ký sinh trùng này tấn công nhưng nguy cơ ở người đeo kính áp tròng cao hơn. Nếu thấy nhóm triệu chứng gồm đau mắt, tấy đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ thì người dân phải đến ngay cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thận trọng với kính áp tròng không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.
Ngoài ra, kính giãn tròng là một loại kính đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay những người bình thường không có bệnh mà vẫn dùng để thoả mãn thú chơi không được giới Y khoa khuyến khích. Nhiều trường hợp đeo kính thường xuyên, liên tục và dùng đi dùng lại nhiều lần quá lâu so với tuổi thọ của kính. Nhiều trường hợp lười tháo lắp, lười vệ sinh kính, lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt.Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến như: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virút hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật.Theo các bác sĩ, nếu mang kính quá 16 giờ mỗi ngày sẽ gây kém hấp thu nước trên giác mạc dễ gây viêm và loét giác mạc, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đặt kính sai vị trí sẽ làm trầy giác mạc, dễ gây mù. Một số người bị dị ứng với kính sẽ bị đỏ mắt. Hiện nay có khoảng 15 – 20% bệnh nhân bị viêm giác mạc do sử dụng kính áp tròng không đúng cách.
Thận trọng với kính áp tròng không rõ nguồn gốc - Ảnh 3.
Nếu sử dụng kính áp tròng quá 3 năm có thể gây tổn thương ở mắt, khiến mắt dễ viêm nhiễm. Một số bệnh thường gặp do đeo kính áp tròng như viêm biểu mô giác mạc, nhiễm ký sinh trùng giác mạc, nhiễm các vi sinh vật… Hơn nữa, bản chất kính áp tròng là 1 hợp chất, nó có thể gây dị ứng, kích ứng với từng người, không phải ai cũng có thể đeo được kính áp tròng.