10:56 12/11/2019

Thực dưỡng chữa bệnh theo "hướng dẫn trên mạng", nhiều người nguy kịch

Hoài Phương

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia đã chia sẻ một trong rất nhiều trường hợp tự chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng gây hậu quả nặng nề.


Tham khảo trên mạng, người phụ nữ 61 tuổi áp dụng liệu trình ăn chay 49 ngày điều trị tăng huyết áp. Đến ngày thứ 41, người phụ nữ 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu do ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali. Được chuyển đến Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ngay lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải. Sau đó bác sĩ phát hiện thêm biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân.Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được xuất viện. Song chỉ được một ngày, gia đình tiếp tục đưa bà quay lại cấp cứu vì bị đau tim dữ dội. Lần này bà được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent. "Bệnh nhân bị bệnh mạch vành, khi áp dụng chế độ ăn chay đã làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim", Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Quốc gia, nói."Bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân tim mạch giảm tối đa tinh bột chế biến sẵn, thay vào đó ăn các loại hạt chế biến thô như gạo lứt. Song vẫn cần đảm bảo chế độ ăn phải cân đối, ăn nhiều cá, rau củ quả, hạn chế mỡ động vật, phủ tạng động vật, không khuyên ăn chay", PGS Hùng nhấn mạnh.
Thực dưỡng chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng, nhiều người nguy kịch - Ảnh 1.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mới đây cũng cấp cứu nữ bệnh nhân 57 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội nhập viện sau khi ăn chay theo độ được hướng dẫn trên mạng trong 45 ngày. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị.  Trong quá trình điều trị cấp cứu, bệnh nhân có tới 5 lần ngừng tuần hoàn với tình trạng rất nặng, hạ kali, suy thận cấp không cải thiện nên được lọc máu liên tục, nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi thở máy, tiêu cơ vân, suy tim… Rất may sau đó bệnh nhân đã có thể xuất viện.GS-TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân theo phương pháp "thực dưỡng Ohsawa" trên mạng xã hội để tự chữa ung thư. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da bọc xương và việc thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng khiến họ bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, bệnh nặng hơn, sức khỏe suy sụp.Theo GS Hương, người khỏe ăn chay trong thời gian dài còn bị thiếu chất huống hồ người ốm yếu chỉ ăn có cơm gạo lứt với muối vừng, đến rau xanh, hoa quả cũng kiêng thì sức nào chịu được. "Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng "thực dưỡng" chữa được bệnh ung thư" - GS Bình nói.
Thực dưỡng chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng, nhiều người nguy kịch - Ảnh 2.
Còn PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cũng cho biết, Bệnh viện K cũng có không ít bệnh nhân sau khi phát hiện bị ung thư đã không điều trị mà về nhà ăn theo chế độ "thực dưỡng Ohsawa" hoặc các loại lá, thuốc theo lời mách bảo, truyền miệng. Sau một thời gian, cơ thể kiệt quệ, bệnh nặng hơn, đến lúc vào viện để điều trị thì bệnh ung thư đã ở giai đoạn muộn, rất khó điều trị hoặc điều trị tốn kém.Thống kê tại Mỹ cho thấy cứ 5 người mắc bệnh thì có 2 người tự tìm kiếm thông tin trên trang tìm kiếm Google và áp dụng, dẫn đến chẩn đoán sai bệnh cho bản thân, làm bệnh tình nặng hơn. Tại Việt Nam, theo PTS Phạm Mạnh Hùng, tỷ lệ "tin bác sĩ Google" này còn nhiều hơn mặc dù chưa có thống kê chính thức. Thông tin về các bệnh trên Internet rất đa dạng, lẫn lộn giữa thông tin khoa học hàn lâm và thông tin thường thức. Thông tin hàn lâm thường chuyên ngành, khó hiểu, thông tin thường thức dễ hiểu nhưng được viết bởi những người không có chuyên môn đầy đủ, chưa kể nhiều quảng cáo, nhiều câu chuyện giật gân nên người đọc dễ tin theo.