13:19 18/07/2019

Tự ý chữa trị các bệnh cột sống: cẩn thận mang thêm bệnh

Hoài Phương

Cột sống vùng thắt lưng là nơi chịu áp lực cao, giúp chúng ta xoay trở và di chuyển thuận lợi. Trách nhiệm nặng nề như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ bị tổn thương cao.


Do áp lực công việc và sự thiếu an toàn của môi trường sống, giờ đây có nhiều người trẻ đã có hiện tượng đau mỏi lưng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là mỏi cơ, co cứng cơ vùng thắt lưng, đau tê, lan rộng xuống vùng xương cụt. Tùy tình trạng bệnh mà mức độ có thể nặng hay nhẹ, có người chỉ chớm đau thoáng qua, nhưng cũng có người bị đau rõ ràng, thậm chí không thể di chuyển được. Theo các bác sĩ, nguyên nhân đau vùng thắt lưng thì có nhiều, nhưng phổ biến nhất vẫn là do các vấn đề về đĩa đệm, cơ, cột sống, thần kinh, nội tạng.Đa số mọi người đều cho rằng thuốc giảm đau đường uống NSAID hay thuốc chứa steroid hoàn toàn có thể được dùng để chữa đau lưng tại nhà mà không cần đến bệnh viện thăm khám. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm bởi thuốc giảm đau không có khả năng điều trị bệnh dứt điểm. Đặc biệt, việc dùng thuốc giảm đau quá liều sẽ dễ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như: Xơ gan, bệnh thận, đau dạ dày…
Tự ý chữa trị các bệnh cột sống: cẩn thận mang thêm bệnh - Ảnh 1.
Việc sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài sẽ làm gan bị tổn thương, xuất hiện những triệu chứng như: Khó tiêu, buồn nôn, toát mồ hôi… nghiêm trọng hơn là tình trạng suy hô hấp, co giật… Chính vì có quá nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe mà người bệnh cần phải hết sức cân nhắc khi sử dụng nhóm thuốc giảm đau này. Tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra cũng như sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.Khi các thuốc giảm đau đường uống không còn hiệu quả, người ta thường tìm đến biện pháp tiêm steroid xung quanh tủy sống để điều trị đau lưng. Cách này giúp giảm đau lưng nhanh chóng. Tuy vậy, việc tiêm steroid có thể được thực hiện dễ dàng tại các phòng khám, do đó vấn đề lạm dụng thuốc là điều khó tránh khỏi. Biến chứng sau khi tiêm thuốc không đúng cách có thể gây chảy máu, nhiễm trùng vùng da bị tiêm. Nếu tiêm trúng gân có thể làm yếu, liệt vùng gân và các cơ. Thực tế, hiện tượng người bệnh bị đứt gân do tiêm thuốc steroid đã được báo cáo.
Tự ý chữa trị các bệnh cột sống: cẩn thận mang thêm bệnh - Ảnh 2.
Đó là chưa kể, khi người bệnh tự ý đi tiêm thuốc tại những cơ sở y tế không đảm bảo, thì việc tiêm chọc vào cột sống, lưng cổ vô cùng nguy hiểm. Nhiều "thầy lang" áp dụng biện pháp tiêm "mò", nghĩa là người tiêm "sờ sờ nắn nắn" lưng, cổ rồi tiêm thẳng vào đó mà không cần những xét nghiệm cận lâm sàng. Hậu quả của việc "tiêm mò" ấy chính là nhiễm trùng, áp- xe, thậm chí tiêm vào mạch máu, chọc vào thần kinh, tiêm  không đúng vào vị trí cần tiêm...
Ở những trung tâm y học lớn vẫn sử dụng phương pháp tiêm này, thường gọi là "phong bế", nhưng quy trình thực hiện vô cùng nghiêm ngặt và tiêu chuẩn vô trùng như một ca phẫu thuật. Người thầy thuốc luôn thực hiện mũi tiêm đó dưới sự "định vị chính xác" của máy chụp Xquang - siêu âm trong phòng mổ vô khuẩn. Nhờ đó, bệnh nhân được cải thiện được phần nào triệu chứng của bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác.Ngoài tiêm và uống thuốc, nhiều bệnh nhân cũng tìm đến các thầy lang để nắn trượt đốt sống khi thấy đau, khó vận động, Tuy nhiên, rất nhiều người không khỏi, tiền mất - tật mang. Để "nắn trượt" được đốt sống, các phẫu thuật viên phải phẫu thuật bộc lộ toàn bộ các đốt sống trượt, làm lỏng các tổ chức dây chằng - diện khớp, lấy bỏ đĩa đệm hỏng, bắt hệ thống ốc vít... rồi mới hy vọng nắn trượt các đốt sống về được ít nhiều. 
Tự ý chữa trị các bệnh cột sống: cẩn thận mang thêm bệnh - Ảnh 3.
Việc tác động bên ngoài da để "nắn trượt" được các đốt sống về vị trí bình thường là điều bất khả thi. Nhiều bệnh nhân sau khi nhờ các thầy lang nắn được một thời gian, bệnh nhân vẫn đau, khó sinh hoạt đã tìm đến bệnh viện để khám thì kết quả chụp phim: Các đốt trượt vẫn y nguyên, thậm chí một số bệnh nhân tình trạng trượt đốt sống còn nặng nề hơn.Vì thế, khi bị bệnh, nhất là bệnh về cột sống, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những trung tâm y học chính thống, nơi có trang thiết bị y tế đầy đủ và người thầy thuốc được đào tạo bài bản, chuyên ngành, tránh điều trị theo sự mách bảo hoặc ở những nơi kém tin cậy... Có như thế, sức khỏe của bản thân cũng như người nhà mới được đảm bảo.