16:00 19/09/2019

Vì sao gọi bụi mịn PM2.5 là "sát thủ thầm lặng"?

Hoài Phương

Hà Nội đang trong một đợt ô nhiễm không khí kéo dài liên tục nhiều ngày. Chất lượng không khí kém và ô nhiễm bụi mịn xuất hiện ở nhiều khu vực.


Bụi PM2.5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2.5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2.5 tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.Theo một nghiên cứu của GS Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2.5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp.
Vì sao gọi bụi mịn PM2.5 là sát thủ thầm lặng? - Ảnh 1.
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Trung Quốc được trang Tài Tân đăng tải, những hạt bụi cực nhỏ (bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn) có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào. Các nhà khoa học đã dùng hạt carbon đen siêu nhỏ và ion kim loại để mô phỏng bụi mịn PM2.5 trong thí nghiệm, họ phát hiện ra hạt carbon đen có thể hấp thụ và mang theo ion kim loại đi vào tổ chức của phổi, chứng minh PM2.5 là có độc tính đối với hệ hô hấp.
Còn tài liệu của Học viện y tế cộng đồng thuộc đại học Harvard đã chứng minh những chất độc hại có trong bụi không chỉ gây nhồi máu cơ tim mà còn dẫn đến thiếu máu hoặc tổn thương cơ tim. Hoa Kỳ đã khảo sát 25.000 người bị bệnh tim hoặc tim không khỏe và phát hiện ra sau khi PM2.5 tăng lên 10 µg/m3 thì tỉ lệ thiệt mạng của người bệnh sẽ tăng 10% – 27%.Người dân sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên chủ động dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí. Với những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI kém, xấu đến nguy hại (thể hiện bằng màu cam, đỏ, tím, nâu) thì chúng ta nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm và nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM2.5. Những người nhạy cảm ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh hen, COPD, các bệnh tim mạch… thì càng cần đặc biệt chú ý hơn.
Vì sao gọi bụi mịn PM2.5 là sát thủ thầm lặng? - Ảnh 2.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ bị tác động bởi ô nhiễm không khí xung quanh mà ô nhiễm không khí trong nhà cũng rất đáng lo ngại. Phần lớn thời gian chúng ta ở trong nhà (tại gia đình và nơi làm việc), do đó để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khoẻ trước ô nhiễm không khí trong nhà, chúng ta nên thường xuyên mở cửa sổ để thông gió đảm bảo thoáng khí giúp giảm nồng độ bụi, chất ô nhiễm không khí tích tụ trong nhà và không hình thành nấm mốc.