09:40 27/10/2019

Mùa rươi xuống phố, khách sành ăn hào hứng săn lùng

Phương Thảo

Rươi thường có trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 11 âm lịch. Do chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, lại hiếm, nên rươi có giá bán khá đắt trên thị trường.


Thoạt nhìn, rươi có hình dáng bên ngoài khá đáng sợ. Thế nhưng, rươi lại là món ăn đặc sản nổi tiếng thơm ngon, đặc biệt chúng có giá trị dinh dưỡng cao, phòng ngừa được nhiều bệnh. Vì thế, đây được cho là loại thực phẩm quý hiếm.Theo thông tin từ Hải Dương – địa phương nổi tiếng với số lượng và chất lượng rươi – thì năng suất rươi đầu vụ năm nay khá cao, rươi thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, giá bán tại ruộng dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, tương đương vụ trước.Những ngày này, tùy vào đợt thủy triều, người dân Hải Dương có thể thu hoạch rươi nhiều đợt rươi, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày. Những mẻ rươi sau khi được nhấc từ dưới mặt nước lên sẽ đợi ráo nước và được cân, đóng thùng xốp hoặc cho vào từng hộp nhỏ để các thương lái vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận.
Mùa rươi xuống phố, khách sành ăn hào hứng săn lùng - Ảnh 1.
Kết quả khảo sát tại các chợ ở Hà Nội cho thấy rươi hiện có giá từ 500.000 -800.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng của từng mẻ rươi. Trong đó, rươi của vùng đất Tứ Kỳ (Hải Dương) luôn có giá bán cao, từ 650.000 đồng/kg trở lên.Ngoài rươi tươi, trên thị trường còn có các sản phẩm rươi đã chế sẵn để phục vụ khách hàng như nem rươi giá từ 150.000 đồng đến 200.000đồng/hộp 12 cái; chả rươi giá khoảng 350.000 đồng – 400.000 đồng/kg hoặc 25.000 đồng – 40.000 đồng/miếng; rươi kho niêu đất giá từ 320.000 đồng – 450.000 đồng/niêu, rươi cuốn lá lốt giá 350.000 đồng/kg; mắm rươi giá từ 350.000 đến 450.000 đồng/lít…Các bà nội trợ lưu ý, khi chọn mua, rươi còn tươi ngon là những con lớn, thân mập mạp, màu đỏ, còn ngọ nguậy. Kinh nghiệm mua rươi tươi, mới là chỉ lấy những con còn khỏe ở phía trên, vì đa số rươi phía dưới thường bị đè vỡ bụng, có mùi tanh. Rươi sắp chết là những con nhỏ, gầy, có màu xanh, bò yếu hoặc lâu lâu mới ngọ nguậy.
Mùa rươi xuống phố, khách sành ăn hào hứng săn lùng - Ảnh 2.
Để chế biến các món ăn từ rươi ngon và an toàn, khi rửa rươi chỉ cần thả rươi vào chậu nước, dùng tay đẩy nhẹ để rươi khỏi bị vỡ bụng. Rửa chừng ba lần cho sạch bớt bùn, rác. Rươi sạch vớt ra để ráo nước, chuẩn bị "làm lông" để khi ăn không bị ngứa rát cổ. Dùng nước nóng chừng 40 độ C, thả rươi vào, dùng đũa khuấy nhẹ. Khi thấy bùn, chân và lông rươi rụng, nổi lên thì vớt rươi ra và chế biến món ăn.Rươi giàu dinh dưỡng, rất nhiều đạm, nhưng có nhiều người ăn rươi bị ngộ độc là do chất đạm có trong rươi ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể bởi đạm trong rươi khác với đạm trong các thực phẩm như thịt bò, heo…Không chỉ rươi, mà các loài nhuyễn thể nói chung sống ở môi trường đáy nước, bùn cát, thường có nhược điểm là dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. Nhuyễn thể cũng là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách. Ngoài ra, khi sơ chế, cần phải loại bỏ những con rươi đã chết vì rươi chết dễ sinh độc tố, gây tiêu chảy cấp, đau đầu, choáng váng.
Mùa rươi xuống phố, khách sành ăn hào hứng săn lùng - Ảnh 3.
Việc cấp đông rươi để vận chuyển đi nhiều nơi cũng cần phải đảm bảo vệ sinh. Rươi được cấp đông phải là rươi còn sống. Trước khi chế biến, cần chuyển từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông dần, không dùng lò vi sóng hay nước lạnh hoặc nhiệt độ phòng để rã đông rươi. Ngoài ra, việc bảo quản rươi quá lâu trong ngăn đá cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.