15:16 04/12/2019

Xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm

Vũ Khuê

Từ đầu năm tới nay, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật độc hại, tồn dư hóa chất vượt ngưỡng, các hoá chất không được phép sử dụng nhưng vẫn được sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến... Ngoài ra, phải kể tới ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng còn chưa cao.

Phát biểu tại "Chương trình hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2019", ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường (KHCNMT) Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua nhất là từ khi có sự giám sát tối cao của Quốc hội tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2017 và thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được các bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội quan tâm và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được đề cao. Các công cụ, công nghệ trợ giúp người tiêu dùng trong đánh giá, nhận diện hệ thực phẩm an toàn và hệ thống các phòng kiểm nghiệm đã được phát triển nhanh chóng.Có được kết quả tích cực này, theo ông Dũng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, với nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ. Đồng thời, đã triển khai cơ chế quản lý theo chuỗi, chuyển mạnh sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích nguy cơ theo thông lệ quốc tế. Trách nhiệm quản lý của các cơ quan trung ương và các cấp chính quyền ở tại các địa phương đã được phân định rõ ràng hơn.Mặc dù đã có nhiều tiến bộ tích cực, nhưng ông Dũng vẫn cho rằng, chúng ta đang đứng trước một thực tế đó là quy mô, chủng loại hàng hóa, mức độ trao đổi thương mại ngày càng lớn đã khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp và khó khăn. "Do đó, đã đến lúc phải có những phương thức quản lý mới, thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn để tất cả người dân Việt Nam đều được tiêu dùng thực phẩm an toàn", ông Dũng nhấn mạnh.Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội cho rằng, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho hơn 90 triệu người tiêu dùng trong nước là không dễ dàng, nhưng chúng ta đã có những thuận lợi hết sức cơ bản. Đó là nhu cầu sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn đã trở nên cấp thiết, các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin đã cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm... Do vậy, điều cần làm ngay, theo ông Dũng, đó là xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm. "Cộng đồng này sẽ ngày càng phát triển và có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cùng chung ước nguyện, sẵn sàng hành động vì an toàn thực phẩm, vì sự phát triển bền vững của dân tộc", ông Dũng khẳng định.Đồng tình trước các đề xuất trên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài. Vì thế, nền tảng căn bản vẫn phải là huy động được mọi thành phần trong cộng đồng chung tay hành động vì an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình triển khai chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong các năm 2017 và 2018, ngành công thương đã phát động chương trình truyền thông "Hành động vì an toàn thực phẩm". Kết quả đã có gần 1,2 triệu chữ ký của các tầng lớp nhân dân trong cả nước cam kết hành động vì an toàn thực phẩm. Tiếp nối, năm 2019, Bộ Công Thương công bố chương trình với 2 thông điệp "Tôi hành động vì an toàn thực phẩm" và "Xây dựng cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm". Chương trình đã thu hút sự tham gia của 150 nghìn tình nguyện viên, đặc biệt gần 60 tỉnh, thành phố đã hưởng ứng.Bên cạnh chiến dịch truyền thông, trong thời gian tới, theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan tới an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cộng đồng sẵn sàng hành động vì an toàn thực phẩm, thuyết phục nhân dân cam kết không tiếp tay cho hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.Đặc biệt, ông Hải cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng mạng quản lý trực tuyến về an toàn thực phẩm, cung cấp các thông tin đầy đủ, nhanh chóng nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về các sản phẩm thực phẩm an toàn.