15:35 12/04/2017

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa…

PV

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 1

Một “quả bom” phát nổ Trước khi nam kỹ sư người Pháp Louis Reard cho ra mắt bộ đồ tắm dành cho phụ nữ của ông thì các nhà thiết kế trong những năm 1930 và 1940 đã bắt đầu thử may những bộ đồ tắm hai mảnh. Tuy nhiên, lúc này những chiếc quần bơi đều thuộc loại cạp cao bao xung quanh bụng và che kín vùng rốn, có ống quần ôm dài đến ngang đùi. Thiết kế của Reard táo bạo hơn thế và tất nhiên là gợi cảm hơn rất nhiều. Khi được mặc lên, bộ bikini của Reard được ví von như một bộ khung tôn vinh những bộ phận “gây chết người” nhất trên cơ thể người phụ nữ, như phần ngực, eo, chân… Thiết kế này thể hiện sự thay đổi tư duy sâu sắc trong xã hội về quyền tự do của phụ nữ, họ được phép mặc và… khoe những gì họ muốn!  Bộ trang phục lập tức gây chấn động trên toàn cầu và được lấy tên theo hòn đảo Bikini Atoll - nơi tiến hành các cuộc thử hạt nhân của Mỹ. Chỉ qua cách đặt tên thôi, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được sức công phá mãnh liệt và đầy ghê gớm của bikini với nhận thức của công chúng phương Tây thời bấy giờ về việc phụ nữ được phép hở bao nhiêu cho vừa! 

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 2

Thế giới khi đó vẫn đang trong giai đoạn thoi thóp sau cuộc Đại Khủng hoảng và Thế chiến, nên thời trang cho phụ nữ cũng bị ép lại vào khuôn khổ cũ với váy luôn phải dài hơn đầu gối và lưng cao ôm sát eo. Việc trình làng một thiết kế táo bạo chỉ gồm một mảnh che ngực trên, một mảnh che điểm nhạy cảm và vòng 3, trong khi những khoảng thân thể khác để phơi trần của Réard đã gây một chấn động mạnh cho giới truyền thông và công chúng. Phải mất mười lăm năm bộ bikini mới được chấp nhận tại Hoa Kỳ. Năm 1957 bộ bikini của Brigitte Bardot trong phim Và Chúa đã tạo ra đàn bà đã mở ra một thị trường mới cho đồ tắm tại Hoa Kỳ. Trong năm 1960, bài hát nhạc pop Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka Dot Bikini của Brian Hyland đã gây nên một cao trào mua đồ bơi bikini. Cuối cùng bikini trở nên nổi tiếng và vào năm 1963, phim Beach Party, với diễn viên Annette Funicello (thật sự không mặc bikini, theo yêu cầu cá nhân của Walt Disney) và Frankie Avalon, đã dẫn tới một làn sóng phim đưa bikini lên làm biểu tượng của văn hóa pop. Sự thành công và nổi tiếng của bikini không lấy gì làm lạ bởi nó là biểu tượng cho sự tự do của phái nữ. Một người phụ nữ tự tin vào bản thân sẽ biết mình cần gì và muốn gì, tự lập và thành công và quan trọng là mạnh mẽ trong mọi quyết định, chính tinh thần đó đã giữ cho bộ bikini trở thành điều không thể thiếu trong bộ sưu tập của mọi phái đẹp.

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 3

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 4

Và hành trình… khoe những gì muốn khoe Dù Réard, trước đây đã diễn tả phát minh của mình là “áo bơi nhỏ đến nỗi không thể nhỏ hơn” nhưng mỗi năm qua đi, thiết kế của bikini đời sau bao giờ cũng được tiếp tục làm nhỏ hơn đời trước. Nếu Réard được chứng kiến, hẳn là ông sẽ… nghẹt thở khi nhìn thấy mẫu bikini của năm 1970. Đó là thiết kế gồm 4 mảnh vải nối nhau bằng những sợi dây mỏng, chỉ đủ che những gì cần thiết. Bộ bikini buộc dây này đã “vượt mặt” những bộ bikini của Breard để trở thành bộ đồ tắm mảnh nhất thời đó. Không thể phủ nhận bikini là món hàng quảng bá cực kỳ hiệu nghiệm cho những ngôi sao trẻ đang lên. Rita Hayworth đã từng chụp hình bìa cho tạp chí Life, mặc trên người độc mỗi một bộ bikini màu trắng. Jayne Mansfield tham dự một buổi khiêu vũ năm 1956 không mặc gì khác ngoài bộ bikini họa tiết da báo. Hình ảnh của Raquel Welch trong bộ bikini họa tiết động vật trong bộ phim One Million Years B.C (1966) và Bond Girl Ursula Andress trong Dr. No (1962) đã trở thành biểu tượng của thời đại. Và ngày nay, bạn sẽ chưa được công nhận là “siêu mẫu quốc tế” nếu chưa xuất hiện trên trang bìa tạp chí Sports Illustrated với bộ bikini không thể nhỏ hơn được nữa. Hơn thế, bikini đã trở thành một trang phục bắt buộc trong các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ, bởi người ta hiểu rõ tầm quan trọng của nó trong việc tôn vinh vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Đây thực sự là một bước tiến vượt bậc của bikini trong hành trình chinh phục thế giới của mình. Song hành cùng với sự đi lên của bikini, các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng cũng bắt đầu xâm nhập vào thị trường “béo bở” này. Bikini liên tục xuất hiện trên các sàn diễn thời trang với nhiều kiểu dáng đa dạng và độc đáo. Ngày nay, phụ nữ ở tất cả mọi lứa tuổi đều ưu ái bikini, và đã từ lâu họ không còn ngần ngại những khoảng hở của cơ thể khi mặc những thiết kế (đã từng được coi là) táo bạo ấy. Các hãng thời trang ngoài những BST Ready-to-wear định kỳ vẫn cho ra mắt những kiểu áo bơi hợp mùa. Những cái tên được phái đẹp ưu ái phải kể đến là AllSisters Responsible Swimwear, Ward Whillas, Matteau Swim, Bassike, Camp Cove Swim…

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 5

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 6

CÙNG NTK CHƯƠNG ĐẶNG HỌC CÁCH… MẶC BIKINI 1.    Gợi cảm và hở hang… 
Gợi cảm và hở hang không phải là một ranh giới mong manh. Nó rất rõ ràng và dễ dàng nhận thấy. Gợi cảm chỉ có được bởi sự gợi ý sâu sắc, tế nhị về mặt hình thể theo ý chủ quan của chủ thể. Không nhất thiết phải hở hang, đôi khi chỉ là cử chỉ vén tóc, xếp tà áo, một nụ cười vu vơ cũng có thể mang lại hiểu ứng gợi cảm. 
Hở hang một cách thiếu cẩn trọng là cấp độ thấp nhất của khiêu gợi; nó không được xếp vào gợi cảm, mà đó có thể là gợi dục. Mà gợi dục thì không nằm trong phạm trù có liên quan của thời trang. Điều ấy tế nhị và riêng tư nên không thể lạm bàn trong khuôn khổ thời trang. Để biết chắc rằng mình không hở hang, hãy mặc bộ trang phục và vận động ở mọi tư thế, chắc chắn rằng chúng không để lộ ra những phần nhạy cảm mà tự nhiên khi bị người khác nhìn thấy mình phải ngại ngùng. 2.    Bikini & những khuyết điểm của cơ thể 
Không có trang phục nào được tạo ra nhằm che dấu khiếm khuyết cơ thể cả. Việc lựa chọn một kiểu dáng vì nó tôn lên dáng vẻ, thần thái, hay một điểm nổi bật nào của cơ thể là đã tạm ổn rồi. Bạn chỉ cần cảm thấy tổng hòa không quá khiên cưỡng hay phản cảm là ổn. Hơn nữa, bikini chỉ đẹp, gợi cảm, quyến rũ khi người ta dùng nó gần nhất với công năng và mục đích sử dụng! Nghĩa là, hãy mặc bikini khi ở bãi biển, khi đi bơi, khi trình diễn trong cuộc thi nhan sắc… chứ đừng mặc khi… dạo phố.
3.    Tránh các “tai nạn” kém duyên
Khi mặc bikini, bạn đừng cố mặc đúp một trang phục lót nữa. Một bộ bikini hở hang và phần trang phục lót hở ra hay lằn lên thì không chỉ phản cảm mà còn cho cảm giác kém vệ sinh. 
Về cơ bản, bộ bikini cần che những phần nhạy cảm trên cơ thể người nữ vừa đạt đến độ hài lòng, an tâm của người mặc là ổn thỏa. Theo cách đó, mọi hoạt động, vận động của một cô gái cần ý tứ khả năng và biên độ xê dịch của những phần che chắn nhạy cảm.  Tuy nhiên, đã gọi là tai nạn thì không ai nên để ý hay soi mói… Vì dù cho bạn có mặc váy maxi mà gặp tai nạn kém duyên thì cũng đành là tai nạn, không nên vì lo lắng có thể xảy ra tai nạn mà không dám diện bikini.

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 7

BIKINI, hở bao nhiêu là vừa… - Ảnh 8

4.    Đâu là 1 mẫu bikini hợp mốt? 
Bikini không nhất thiết phải hợp mốt, mà quan trọng nhất là hợp tuổi! Gần đây, cuộc cạnh tranh về chất liệu mới là điều khiến tín đồ bikini phải phát sốt. Không chỉ giúp da thở tốt, bơi lội tránh được ma xát, độ cản nước thích hợp… mà còn giữ ấm cơ thể khi bơi ở vùng lạnh, hay chất liệu thông minh còn hấp thụ ánh sáng sau khi lọc bức xạ để da rám đều không có lằn ranh…
Vì bikini là một sản phẩm thời trang có thể ứng biến với lifestyle, nên bạn hãy chọn một concept đi biển và mặc bikini thích hợp từ phong cách hip hop, retro, hiện đại, màu sắc, ngọt ngào… và kết hợp mọi phụ kiện một cách khéo léo thì không cần phải quá lo lắng về xu hướng.   5.    Màu sắc & làn da 
Không cần quá quan trọng trong việc lựa chọn màu sắc và họa tiết cho bikini, vì tinh thần của một bộ bikini luôn là một chút tự do, phóng khoáng hòa vào không khí sôi động, thời tiết nắng nóng, sóng biển và gió trời… Cho nên, bạn chỉ cần một chút sặc sỡ đi với tinh thần tươi vui, một chút sắc lạnh hay màu pastel đi với make up chống nắng đậm đà, hay hoa văn sặc sỡ đi với sự hăng hái vận động các môn thể thao dưới nước… sẽ khiến tổng thể hài hòa, và phong cách thời trang rõ nét.
6. Điểm nhấn nào là cần thiết?
Tất cả! Dây buộc, ren, cut-out, họa tiết nhiệt đới… Mỗi điểm nhấn mang lại một hiệu ứng khác nhau: nữ tính khỏe mạnh, cô gái gợi cảm, khỏe và đẹp… Cái nào cũng cần thiết cả. Miễn sao bạn đừng chèn tất cả vào một bộ bikini thì e là hơi khó.
7. Phụ kiện phù hợp
Về cơ bản, bikini có thể đi được với tất cả các phụ kiện mà không kén chọn. Nhưng chính những phụ kiện đi kèm với nhau lại kén chọn. Chiếc nón ấy có thể hợp với bikini, cái khăn ấy, và mắt kính ấy cũng hợp với bộ bikini… nhưng khi mặc bộ bikini ấy với cả 3 món thì chúng trở nên… xung khắc! Quay lại cách lựa chọn một concept đi biển hoặc phơi nắng thiên về lifestyle thì dễ phối đồ phụ kiện hơn. Hãy hình dung về hình ảnh mà bạn muốn: sành điệu, thời trang; hippi; chấm bi; quyến rũ; quí cô… và lựa chọn phụ kiện cũng như bikini sao cho vừa đủ với hình ảnh đó mà thôi.

Phương Thảo