14:30 09/05/2017

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn?

PV

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 1

Đá cảnh mà đối tượng chính là những viên đá cảnh có hình dáng do thiên nhiên tạo thành và được thu lượm từ những con sông, đoạn suối mà có lẽ tập trung nhiều nhất ở vùng cao nguyên trung phần Việt Nam như Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… Tại Việt Nam, đá làm cảnh được gọi với nhiều tên gọi khác như đá cảnh nguyên bản, đá cảnh nghệ thuật, đá cảnh tự nhiên…

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 2

Thú chơi của quý tộc và thi nhân
Cũng như Bonsai, nghệ thuật chơi Đá cảnh xuất phát từ Trung Hoa, dưới triều nhà Tống. Vào năm 1117, khi Tống Huy Tông được triều cống những viên đá đẹp từ vùng núi Khánh Đá, thuộc huyện Từ Châu (nay là huyện Linh Bích), thì vị hoàng đế này bắt đầu say mê chơi đá và dân chúng cũng bắt đầu chú ý tới những viên đá đẹp.
Người chơi đá nổi tiếng nhất thời đó là Lý Dục với những sơn nghiên trứ danh, vốn là những viên đá đẹp có hình núi non, và được mài trũng ở giữa để đựng mực. Những nghiên đá đẹp này đã được truyền từ đời vua này qua đời vua khác. Sau đó, thi hào Tô Đông Pha về nhậm chức tại Từ Châu cũng ưa sưu tầm đá đẹp. Những bài thơ vịnh đá cùng với tiếng tăm của ông đã làm hưng khởi phong trào chơi đá cảnh. Năm 1086 Thái thú Mễ Nguyên Chương về trấn nhậm gần Linh Bích, ông đã cùng Tô Đông Pha đặt ra những nguyên tắc đầu tiên cho việc lựa chọn đá cảnh. 

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 3

Theo Mễ Nguyên Chương và Tô Đông Pha, thì đá đẹp phải là một trong 6 dạng sau đây:
- Thanh tú thạch: đá có hình dáng đẹp, màu sắc hài hòa, vân đá mạch lạc.
- Cô thuận thạch: trái với thanh tú thạch, đá loại này gầy guộc, cằn cỗi, tượng trưng cho sự khắc khổ.
- Thần lâu thạch: đá lồi lõm, có hang hay lỗ.
- Viên hược thạch: đá tròn, nhẵn với những đường vân tự nhiên kỳ lạ.
- Tượng hình thạch: đá có hình người, vật, đồ vật hay cảnh quan tự nhiên.
- Quái thạch: đá có hình thù kỳ dị.
Ngoài ra, dựa theo màu sắc người ta còn phân biệt ra các loại đá hoàng lạp (sáp vàng), kim qua (vỏ dưa), hắc đảm (đen như mật), ngũ sắc (nhiều màu), vân thạch (có vân), quy giáp (có khứa vằn như mai rùa)… Sau này, nghệ thuật chơi đá cảnh từ Trung Hoa du nhập và phát triển mạnh tại Triều Tiên rồi tới Nhật Bản, sau đó lan truyền qua các nước khác. Vì đất chật, dân đông, người Nhật tìm cách thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên qua cảnh vật thu nhỏ như bonsai và đá cảnh. Nghệ thuật sưu tầm, trưng bày và thưởng ngoạn những viên đá nhỏ ngay trong phòng, trên bàn trà… theo kiểu Nhật Bản ngày càng trở nên nổi tiếng, mà ngày nay giới chuyên môn gọi là Suiseki.

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 4

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 5

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 6

Đá vô ngôn nhưng nói lên nhiều điều…
Ở nước ta, đá cũng là đối tượng được phụng thờ rất sớm. Qua Việt Điện U Linh (thế kỷ XIII) ta được biết, Tục thờ đá là tín ngưỡng có từ thời An Vương Dương: Thần Cao Lỗ là một Thạch Thần. Đến khi đạo Phật du nhạp vào nước ta dung nạp rộng rãi nền văn hóa với tín ngưỡng tứ pháp: Vân - Vũ - Lôi - Điện thì đối tượng phụng thờ vẫn ghi đậm tục thờ đá: Thạch Quang Phật. Việc thờ đá vẫn còn duy trì đến nay, cho dù trải qua nhiều tác động biến thiên của lịch sử.
Truyền thuyết dân gian đã phổ biến khá rộng rãi trong quảng đại chúng về chuyện người hóa đá, điển hình chuyện Hòn Vọng Phu, Hòn Phụ Tử, Nàng Tô Thị hay như Núi Bà Đội Om ở Miền Thất Sơn An Giang… Bằng vào phương pháp trông mặt đặt tên chứng tỏ cổ nhân đã quan tâm đến hình dạng của núi đồi và đặc điểm tạo hình của đá để định danh là một trong những cách ngoạn thạch mang tính giản đơn. Gần đây, Bình Định là nơi cung cấp đá cho những người chơi đá cảnh trong nước rất dồi dào, các loại đá được chuộng, gồm sáp vàng (hoàng lạp), huyền vũ, vỏ lê, vỏ dưa, (kim qua), hóa thạch, trầm tích, mai rùa (qui giáp) vân thạch (đá có vân)…. Nhưng tóm lại, đá tự thân hàm chứa tính tịnh, do đó, người chơi đá phần lớn không thích loại sắc đá lộng lẫy. Màu đá được ưa thích là màu đen của hắc thạch, màu vàng của hoàng thạch, màu đỏ của hồng thạch.  Đặc điểm của đá cảnh là không có viên nào giống viên nào, vì qua sự xoi mòn của sóng gió, nắng mưa, địa chấn, hàng ngàn có khi hàng triệu năm, mỗi viên đá tùy theo địa chất, tùy theo hoàn cảnh thiên nhiên mà có một hình dáng, một sắc thái đặc thù, nhân loại không thể nào bắt chước được. Thường thì người ta để nguyên hình dáng sẵn có của đá để chiêm ngưỡng, nhưng đôi khi cũng khéo léo đục bỏ hay mài dũa bớt những mẩu đá dư thừa để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Những đá được mài bóng bởi máy móc không còn mấy giá trị. Đá vốn vô ngôn, nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ, tựa hồ quả núi hùng vĩ, kiên định, thể hiện cái linh khí của đất trời, cái lãng mạn hào phóng của hóa công, biểu hiện đường nét trầm tịnh và cương ngạnh, kiên trinh và phác thực. Vì thế nên người chơi đá mới nói rằng đá là vô ngôn, nhưng ngôn vô bất tận. Ngắm đá là một thú tiêu nhàn, dắt ta về tính bản nhiên tự tại.

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 7

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 8

Nghề chơi phải đi kèm hiểu biết
Ông Trần Phương Nam, một người chơi đá cảnh tại Hà Nội cho biết: “Chơi đá cảnh không phân biệt giàu nghèo cao thấp. Người trung lưu, công chức thì ngắm những viên đá nhỏ để bàn, người có tiền, có địa vị thì co thể bày những phiến đá to trong vườn cảnh hay dùng đá để tạc tượng Phật… Chơi tùy theo thu nhập nhưng cũng phải có hiểu biết mới chơi được”.
Để chơi được đá cảnh, trước hết người chơi phải có kiến thức về đá, gắn mình với thiên nhiên cùng trí tưởng tượng để tìm ra được những tác phẩm quý đang “ẩn mình” . Những người chơi đá cảnh chuyên nghiệp cho biết chơi đá cảnh giống như những thú chơi khác trước tiên phải có sự đam mê và 90% do yếu tố cảm nhận tự nhiên của con người thấy được viên đá nào đó đẹp. 
Như yếu tố đầu tiên của đá quý là nặng và mát, người có khả năng có thể cảm nhận được năng lượng trong đá. Việc tìm kiếm rất khó khăn, nhiều khi để có được những viên đá như mong muốn, người chơi đá cảnh phải trèo đèo lội suối hay chờ đợi hàng tháng trời để mang được tác phẩm về. Đá cảnh có 2 dạng là nguyên bản và qua chế tác. Với những viên đá sẽ chế tác, sau khi chọn được đá, người chơi mất khá nhiều công sức và thời gian để gia công. Một viên đá nặng khoảng 20 kg, người thợ lành nghề phải làm 2 tới 3 ngày mới hoàn thành. Hoặc những hòn non bộ được làm theo tích truyện, với chi tiết sắc sảo hang đá, ông tiên, đường núi… phải rất kỳ công.
Nhiều người chơi lại chọn chơi những viên đá thô chưa qua chế tác, tất nhiên với ngọc chưa qua chế tác chưa thể thành ngọc được, nhưng đối với nhiều người họ lại cho rằng có sự hấp dẫn riêng của nguyên bản, giúp họ tưởng tượng được nhiều hơn hay đơn giản chỉ là thích thú, khi mới chơi họ thích đá qua chế tác nhưng sau này chuyển qua đá chưa chế tác. Anh Nguyễn Long Khánh, một người chơi đá cảnh cho biết: “Ban đầu mới chơi tôi bị hấp dẫn bởi những viên đá được chế tác công phu tỉ mỉ, nhưng lâu dần tôi lại rất thích những viên đá thô như đá thạch anh đẹp, cứ để nguyên như thế mang về trưng bày”. Người chơi đá cảnh phải có không gian rộng để bày đá, chỉ những viên đá nhỏ có thể đặt trên khay mới bày ở trong phòng, còn hầu hết các viên đá lớn đều thích hợp để bày ngoài vườn, bên cây cối, dòng nước… vì vậy càng cần có không gian thậm chí lên đến hàng ngàn mét vuông. Nhưng một khi người chơi đã bỏ công sức sưu tầm, chau chuốt, bày biện và chiêm ngưỡng, thì có thể rút ra được nhiều triết lý sống sâu xa. Còn với những người có điều kiện thì lợi ích của đá cảnh là tạo không gian kiến trúc đặc biệt, thậm chí có thể gia tăng giá trị cho các bất động sản. 

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 9

​Đá cảnh: phong thủy hay thú vui thưởng ngoạn? - Ảnh 10

Trưng bày và thưởng ngoạn:
Tùy vào khả năng và điều kiện của mình mà người ngoạn thạch có thể trưng bày đá cảnh nguyên bản hay còn gọi là đá cảnh nghệ thuật trên khay cát, hay trên đế gỗ. Nếu có điều kiện hơn, bạn có thể chọn một góc phù hợp trong nhà xem như khu vực trưng bày đá cảnh, đặt một bàn gỗ tựa lưng vào vách tường, trên bàn đặt một kỷ gỗ. Đặt đá cảnh trên kỷ gỗ, phía sau treo tranh hoặc thư pháp trên tường với khoảng cách và góc độ phù hợp. 
Trang trọng hơn nữa, góc thưởng ngoạn đá cảnh nghệ thuật nên được thiết kế đặt trong phòng khách riêng biệt. Những đồ vật để trong gian phòng này cần chọn lựa cẩn thận sao cho phù hợp với không gian trưng bày, cần chú trọng đến sự tĩnh lặng, đơn giản và gọn gàng. Thường trong gian phòng chỉ có đá cảnh, tranh cuộn, thư pháp, bonsai, trà cụ… Câu hỏi đặt ra là, nếu không có đủ các điều kiện trên thì việc thưởng ngoạn có bị giảm sút không? Kết quả thu được qua thưởng ngoạn sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào ngộ tánh của mỗi người, những điều kiện trên suy cho cùng chỉ là phương tiện để đi đến đích. Kết quả là những gì chúng ta cảm nhận và suy ngẫm sau mỗi lần thưởng ngoạn.
 
Trong phong thủy, những căn nhà góc cạnh sẽ gây nên sát khí, không tốt cho gia chủ. Một trong những giải pháp được các thầy phong thủy khuyên dùng nhiều nhất là sử dụng đá cảnh thiên nhiên đã qua sơ chế để che khuất những góc chết này. Việc trưng bày những dòng đá này cũng không đòi hỏi sự sắp đặt cầu kỳ, phức tạp. Bởi, bản thân mỗi viên đá đã là một bức tranh độc bản. Nhưng phải biết những viên đá có chất liệu tốt mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu chính đáng. Những dạng đá như Thạch anh, Chasedon, Agate, Mã não, Opan… Là những loại thông dụng và có rất nhiều khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Từ trường cùng nhiệt năng của các loại trên bổ sung, làm giảm thiểu những uế khí nơi ẩm thấp. Phát tỏa nhiệt lượng dung hòa, điều tiết khí hậu và cân bằng trạng thái con người.
 

Linh Nguyễn