08:41 27/07/2018

Đắp lá: cẩn thận tiền mất tật mang!

Hoài Phương

Thời gian gần đây, rất nhiều bệnh nhận gãy – rạn xương đã từ chối biện pháp bó bột của Tây y để tìm đến với cách chữa đắp lá dân gian. Thực tế là đắp lá không toàn năng như những gì người ta hay tưởng tượng.


BS. Yên Lâm Phúc (Học viện Quân Y) cho hay, về phương diện y học hiện đại, việc điều trị gãy xương gồm hai biện pháp cơ bản là phẫu thuật và bó bột. Bản chất của hai biện pháp này là làm sao cố định hai đầu gãy tiến lại gần nhau theo đúng tư thế mà khi nó chưa gãy. Sau đó một thời gian, sự tích lũy đủ calci, chất cơ bản của xương, sẽ giúp xương liền lại. Cố định vững hay không, chắc hay không chắc, bền bỉ hay không bền bỉ là yếu tố quyết định đến thành công.
Đắp lá: cẩn thận tiền mất tật mang! - Ảnh 1.
Dựa trên nguyên lý này, nhiều thầy lang đã tung ra những động tác "giả" để đánh lừa người bệnh. Thực chất của vấn đề ở đây chỉ là cố định mà thôi. Và việc liền xương đến từ chính cơ thể. Những loại lá cây, chất bột hay công thức gia truyền nào đó không tác động nhiều tới ổ gãy. Công dụng lớn nhất ở đây là sự cố định thật chắc chắn chứ hoàn toàn không phải nhờ vào phép của thầy hay chất thần kỳ trong lá cây.Bác sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, cho biết với Đông y, việc đắp thuốc tại chỗ có tác dụng làm giảm phù nề, hết ứ đọng khí huyết, từ đó làm giảm đau… Tuy nhiên, để xương liền được không thể chỉ dựa vào thuốc đắp ngoài, mà điều quan trọng nhất là phần xương gãy phải được điều chỉnh về đúng vị trí và phải được cố định.
Đắp lá: cẩn thận tiền mất tật mang! - Ảnh 2.
Nhiều thầy lang hiện không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể nên không thể đảm bảo là xương của người bệnh đã trở về đúng vị trí hay chưa. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh.Theo bác sĩ Hiệp, với cách này, họ có thể thành công với những trường hợp gãy xương kín, không quá nghiêm trọng. Các loại lá mà họ dùng đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn là bó bột. Vì thế nhiều người nghĩ rằng đắp thuốc lá hiệu quả hơn phương pháp bó bột của Tây y.
Một trong các biến chứng đáng ngại nhất của việc đắp lá là làm chậm liền xương, khớp giả và liền lệch. Hậu quả là có thể làm xương không liền được. Bởi vì sự cố định đòi hỏi thật khoẻ thì mới có thể làm cho xương liền tốt. Điều này thì bó lá thường không đảm bảo. Hệ quả tất nhiên là hai đầu xương cách xa nhau, khó liền, nếu xa quá thì không liền.Trong quá trình điều trị, sự nắn chỉnh "mò" của các thầy lang không dựa trên hướng dẫn của phim X-quang có thể làm lệch đầu xương. Đương nhiên, sau đó ổ gãy sẽ bị liền lệch. Tay vì thế mà mất đi sự khéo léo, chân do vậy mà thiếu đi sự vững chãi vì xương không liền đúng trục...
Đắp lá: cẩn thận tiền mất tật mang! - Ảnh 3.
Biến chứng thứ hai mà cũng là biến chứng hay gặp nhất đó là loét da và nhiễm trùng…. - đặc biệt là gãy xương mà có vết rách da. Trong bó lá, người ta sử dụng những phương pháp thủ công, phơi và sấy khô lá cây, tạo thành một thứ bột nhão đắp lên da. Phần hỗn hợp này không đảm bảo vô trùng. Chúng sẽ keo dính lên da và gây nhiễm vào vết thương. Đấy là chưa tính tới những thời điểm điều trị mà thời tiết nóng bức, sản phẩm hủy hoại của lá cây kết hợp với mồ hôi của cơ thể sẽ làm cho da hoại tử thứ phát. Lúc này, việc điều trị sẽ vô cùng phức tạp.
Vì gãy xương là một vấn đề ngoại khoa nên dù bệnh nhân có lựa chọn chữa bệnh bằng Đông y thì vẫn cần phải chụp X-quang. Ngoài ra, bạn nên đến những cơ sở có giấy phép hành nghề, không nên chỉ nghe đồn mà đến các cơ sở "chui" kẻo "tiền mất tật mang".