11:33 16/01/2017

Nhớ cơm mẹ nấu

PV

Nhớ cơm mẹ nấu - Ảnh 1

Nhìn xung quanh, nhiều người thật may mắn. Họ xuất thân ở phố, sinh ra lớn lên, học và làm việc ở phố, thế nên lẽ tự nhiên là lúc nào cũng có thể về nhà ăn cơm mẹ nấu và ở cùng gia đình. Điều mà tụi ở quê, nông thôn lên phố như chúng tôi rất "ghen tỵ". Chúng tôi, tan sở làm chỉ biết ra hàng “cơm bụi”, ăn bữa cơm với những người xa lạ. Nếu không thì tự đi chợ, tự nấu rồi tự ăn một mình. Lòng quạnh hiu, cô đơn vô cùng.  Thèm những hơi ấm thân thuộc
Những lúc khoẻ mạnh, vui vẻ thì có thể còn quên đi, chạy ra đường gặp bạn bè là khỏi nghĩ ngợi gì hết. Nhưng những lúc mệt mỏi, ốm đau, tôi nằm ôm chăn nhớ tới những bữa cơm mẹ nấu. Mẹ tôi không hẳn là một phụ nữ khéo tay, giỏi giang nội trợ, nhưng bữa cơm của mẹ đều làm cả nhà hài lòng. Có khi bữa ăn chỉ là canh chua cá mọn, cá khô ngào đường, nhưng lại ngon vô cùng. Ăn cơm mẹ nấu, có thể có lúc không được vừa ý, nhưng bù lại được tận hưởng không khí gia đình đầm ấm, thân thương.
Bữa ăn nào của gia đình tôi cũng đầy ắp tiếng cười. Khi thì ba chọc mẹ nhát như thỏ đế thuở ba đến tán tỉnh. Lúc mẹ lại nhắc "chiến tích" làm rể của ba, cắt tiết gà xong, gà... vẫn chạy lông nhông. Nhỏ em tôi tíu tít kể chuyện bạn bè, chuyện phát hiện cây xấu hổ nở hoa, chạm tay vào nó cúp lại. Ăn cơm mẹ nấu, dù người có mệt mỏi đến đâu, cũng cố gắng ăn hết bát cơm, vì không thì mẹ sẽ mắng - nhưng là mắng yêu, mắng thương. Những khoảnh khắc bình yên ấy, đôi khi ngồi nhớ lại mắt tôi lại hoen mi.  Ăn cơm mẹ nấu, đương nhiên là không phải lo khoản vệ sinh an toàn thực phẩm rồi. Rau vườn mẹ tự trồng, lúc nào cũng xanh ngắt. Cá, thịt mẹ mua người quen, không sợ thuốc bảo quản. Ăn cơm nhà mẹ, anh em tôi lại dung nạp thêm được nhiều kiến thức về dinh dưỡng thực phẩm, ví như, người ốm nên kiêng kỵ thứ gì và nên bồi bổ thứ gì cho hợp lý. Cơm mẹ nấu, không chỉ đơn giản là những bữa cơm no bụng mà còn chất chứa bao tình thương mẹ gửi trọn vào trong đó. 

Nhớ cơm mẹ nấu - Ảnh 2
Những ngày này, ở thành phố, chúng tôi vùi đầu vào công việc quyết toán sổ sách cuối năm. Đôi lúc ngẩng lên, đứa nọ nhắc đứa kia: giờ này ở nhà chắc bố mẹ đã mua lá dong làm bánh. Lá dong ở quê rẻ lắm, lại rất nhiều lá đẹp. Có nhà trồng được còn đem cho nhau chứ chẳng đắt đỏ như thành thị. Mẹ còn dạy tôi gói bánh chưng rất đẹp. Dù mấy năm đi làm tôi không về kịp để gói nữa, nhưng con vẫn nhớ như in cách gập lá như thế nào để bánh vuông vắn, cách ngâm gạo làm sao để bánh được xanh và ngon. Nhớ đến đấy là lại chỉ mong nhanh nhanh xong việc, kịp về nhà cùng bố mẹ trông bánh chưng bên bếp lửa, rôm rả những câu chuyện về bà, về ông, hay những chuyện từ xa xưa nữa. Bao niềm vui như nhảy nhót cùng ánh lửa, như hân hoan trong ánh mắt mọi người... Rồi những buổi sáng ngày Tết, bố mẹ dậy rất sớm chuẩn bị hai mâm cỗ. Có lẽ vì thương con quanh năm đi làm vất vả nên cứ đến lúc gần xong bố mẹ mới gọi tôi dậy. Lúc ấy tôi chỉ còn ngồi làm món phụ hay nhặt rau lặt vặt mà bụng cồn cào bởi những món ăn mẹ nấu. Có nhiều lúc, ngắm bóng lưng mẹ đứng nấu ăn, đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, cứ hết món này đến món kia lần lượt được bày ra đĩa, mà ngẩn cả người... Lưng mẹ không còn trẻ của dáng thời con gái, bàn tay mẹ không mịn màng như của con nhưng vẫn luôn chăm lo, vun vén cho gia đình. Bao bữa cơm dù đơn giản hay cầu kỳ, mẹ vẫn như vậy, trao gửi cả yêu thương.

 

Nhớ cơm mẹ nấu - Ảnh 3

Về ăn bữa cơm
Người ta nói đúng, con người thường ước mơ thứ mà mình không có. Trong lúc chúng tôi ước gì đường xá không xa xôi cách trở, để có thể thường xuyên về nhà ăn cơm mẹ nấu, thì lại cũng có những người thích ăn nhậu ở nhà hàng. Anh bạn bảo: “Ăn cơm nhà chán quá, nên muốn "đổi gió" ăn ngoài”. Tự nhiên trong lòng lại miên man bao suy nghĩ.
Anh trai tôi, ngày xưa chỉ thích ở ngoài đường, ăn cơm bụi, rong chơi qua ngày đoạn tháng, bảo rằng về nhà lại phải nghe bố mẹ càm ràm đến phiền. Giờ anh định cư ở nước ngoài, gọi điện về khóc mà nói rằng anh thèm cơm mẹ nấu còn hơn cao lương mỹ vị. Thì ra, mỗi gia đình là dang rộng vòng tay mỗi khi mình vấp ngã. Còn thiên hạ thì tri nhân tri diện bất tri tâm. Anh bạn tôi, vợ nấu ăn rất ngon. Vợ chồng anh ở xa, lâu lâu mới về thăm mẹ. Hôm rồi, trong bữa cơm gia đình, anh dùng được một ít rồi buông đũa. Mẹ thắc mắc thì anh vô tư bảo: "Ăn quen kiểu cá kho vợ con nấu rồi, giờ ăn cá mẹ kho cứ thấy vị là lạ..." rồi bỏ lửng câu nói khi thấy mình lỡ lời, anh cố gắng ăn tiếp nhưng mẹ anh thì nuốt không trôi nữa. Bà chạnh lòng khi nhớ thằng con cưng ngày nào lục cơm nguội ăn với mắm kho quẹt và mớ rau luộc của mẹ mà cứ tấm tắc khen ngon, đi đâu cũng phải về ăn cơm mẹ nấu mới được, những bữa cơm nhà nghèo nhưng vui. Tôi có cô bạn từ lúc ở trọ thành phố đi học tới khi ra trường, đi làm rồi lập gia đình vẫn đều đặn mỗi tuần nhận được đồ ăn của mẹ ở quê. Khi lọ mắm ruốc xào thịt nhiều sả, khi hũ mắm chưng mắm nhiều hơn thịt, lúc nồi thịt kho tàu hoặc khúc giò thủ nhiều tiêu và mộc nhĩ hơn ngoài tiệm. Hỏi cô giờ ngoài tiệm bán đâu thiếu gì, sao phải "hành" bà cụ vất vả thế thì cô bảo ăn ở đâu cũng không thấy ngon bằng mẹ nấu. Hơn nữa, cảm giác mong đợi và niềm vui khi nhận được quà của mẹ khiến cả hai mẹ con cảm giác như được gần nhau hơn. Tôi cũng từng có cảm giác ăn đâu cũng không bằng cơm mẹ nấu. Mỗi khi đi ăn đâu đó, một cách vô thức, tôi vẫn hay so sánh với những món mẹ nấu. Lớn lên, tôi nhận ra cái vị ngon qua cảm nhận có phần thiên vị của những đứa con một phần do sự quen thuộc. Mấy ai sinh ra và lớn lên mà không nếm qua những món ăn được nấu từ đôi tay tận tụy và trái tim yêu thương của mẹ?
Giờ giữa những cuộc vui chia tay năm cũ, nhìn người người đi mua sắm Tết, nhìn những món ăn đắt đỏ trên bàn tiệc... mà nôn nao chỉ muốn về với mẹ.

Đông Quân