08:12 16/08/2018

Tháng Ngâu, hái hoa ngâu để chữa bệnh

Hoài Phương

Người ta gọi là "tháng Ngâu", phải chăng vì đó là mùa hoa ngâu nở? Từ tháng bảy trở đi sau cơn mưa, hoa nở kín,từng chùm xanh non sau đó chín vàng. Hoa rụng âm thầm, phủ dày mặt đất. Có lẽ cũng ít người biết, hoa ngâu có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời.


Dân quê cho rằng, chẳng có làn hương gì cao quý như ngâu, đem tới sự giải thoát, nhàn hạ và lòng thiện. Các xóm làng đều trồng ngâu ven đường; đền chùa, lăng tẩm trồng ngâu trong khuôn viên, nhà dân trồng ngâu sân vườn. Vào ngày rằm, mồng một, mùa Vu Lan… người dân lại hái hoa đặt lên đĩa, đong bát nước trong từ giếng sâu, bày biện ban thờ thắp nén tâm hương tưởng nhớ ông bà cha mẹ.
Tháng Ngâu, hái hoa ngâu để chữa bệnh - Ảnh 1.
Ngoài ướp trà, hoa ngâu tươi hoặc phơi khô đều có công dụng. Hoa hái vào lúc đã chín vàng nhạt và thơm, phơi hay sấy khô để dành. Cành và lá thì dùng tươi, có thể hái quanh năm. Theo Y học cổ truyền, hoa ngâu có vị cay ngọt, giúp giải uất kết, làm thư giãn bên trong người, giúp tỉnh rượu, sạch phổi, tỉnh táo đầu óc, sáng mắt, ngưng phiền khát. Hoa ngâu được dùng chữa chứng đầy trướng khó chịu ở ngực, chứng nghẹn hơi mới phát, chữa ho hen và váng đầu, nhọt độc...Trong khi đó, cành và lá ngâu có vị cay, tính hơi ấm; vào 3 kinh Phế, Vị và Can. Có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng chỉ thống (tiêu sưng giảm đau), trừ phong thấp. Dùng chữa phong thấp khớp xương đau nhức, đòn ngã tổn thương, gãy xương, ung nhọt lở loét…Theo sách "Cây thuốc Việt Nam" của lương y Lê Trần Đức: "Lá ngâu gây nôn mạnh. Có thể sử dụng chữa hen suyễn lên cơn, đờm tắc nghẹt thở; hoặc sốt rét do đờm tích lâu ngày; cũng có thể dùng giải ngộ độc. Dùng với liều 20g, giã vắt lấy nước cốt hay 30g sắc uống 1 lần. Sau khi xổ đờm ra, hay nôn được chất độc ra rồi, thì cho ăn cháo đậu xanh cho đỡ mệt và giải độc; sau đó dùng tiếp các thuốc khác để chữa bệnh".
Tháng Ngâu, hái hoa ngâu để chữa bệnh - Ảnh 2.
Dưới đây là một số bài thuốc từ hoa ngâu:- Chữa bế kinh: Lấy 10 gr hoa ngâu, 50 gr rượu. Cho hoa vào rượu, cho một ít nước, nấu cách thủy, đổ hoa chín nhừ, uống khi thuốc đã nguội. Uống trước kỳ kinh ba ngày. Ngày uống một lần, uống liền trong 5 ngày sẽ công hiệu.
- Chữa cao huyết áp: Lấy 10 gr hoa ngâu, 30 gr hoa cúc, chia làm ba phần đều nhau. Mỗi lần uống một phần với nước sôi già ngâm kỹ cho ngấm thuốc, để nguội rồi uống. Uống hết ba phần thuốc trong ngày sẽ đỡ.- Chữa vết bầm tím cho bị thương: Lấy hoa ngâu, lá ngâu mỗi thứ 50 gr cho vào nồi nấu chín, chắt lấy nước, sau đó đổ nước vào nấu lại, nấu và chắt nước đủ ba lần. Gộp chung ba lần nước thuốc lại nấu bằng lửa to, sau đó hạ cho lửa nhỏ liu riu để được một dạng cao. Phết cao lên miếng lụa mỏng đắp vào vết thương. Ngày làm một lần.- Chữa đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết: Cành lá ngâu 30g, dây đau xương 20g, cốt toái bổ 10g, ké đầu ngựa 10g.  Tất cả cho vào ấm, đổ 700ml nước, đun nhỏ lửa còn 200ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.- Làm nước giải rượu: cho 10g hoa ngâu, 10g hoa sắn dây vào cốc rồi rót nước sôi nóng già vào ngầm uống.Chú ý: Phụ nữ mang thai không được sử dụng đơn thuốc có hoa ngâu.