10:38 28/08/2018

Thực hư tác dụng chữa bệnh của mật nhân

Hoài Phương

Thời gian gần đây, ở nhiều nơi trong cả nước, nhất là các tỉnh Nam Trung bộ, người ta đồn thổi một cây thuốc chữa được "bách bệnh" mang tên mật nhân. Từ những bệnh thông thường như đau đầu, viêm họng đến những bệnh khó như tim mạch, tiểu đường, thậm chí cả ung thư, thần dược này đều chữa được hết?!


Cây mật nhân hay còn gọi là cây bá bệnh, cao khoảng 15m, thường mọc dưới tán lá của những cây lớn. Đặc điểm riêng của cây mật nhân là mỗi cây chỉ trổ hoa đực hoặc hoa cái. Hoa màu đỏ nâu mọc thành chùm, nở vào tháng 3 – tháng 4. Cây kết quả vào tháng 5, 6, quả non màu xanh, khi chín đổi sang màu đỏ sẫm.
Thực hư tác dụng chữa bệnh của mật nhân - Ảnh 1.
Vì công dụng của cây được đồn thổi là chữa bách bệnh, nên có rất nhiều người tìm mua với hy vọng bệnh tật được thuyên giảm. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, họ thật sự vỡ mộng về những lời rao ngọt như mật ấy. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: "Tôi bị tiểu đường gần 2 năm nay, nghe người bán nói rễ cây mật nhân sẽ trị dứt chứng tiểu đường nên tôi giục con cái mua mấy chục ký về sắc uống. Ngày nào cũng siêng năng sắc, nhưng uống ròng rã gần hai tháng nay mà chẳng thấy công dụng gì".Trái với lời đồn "cây mật nhân chữa bách bệnh", các chuyên gia Đông y cho rằng, những người có đề kháng yếu, trong cơ thể mang nhiều bệnh liên quan đến nội tạng như gan, mật, dạ dày… nếu dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là phụ nữ có thai không nên dùng cây này.
Thực hư tác dụng chữa bệnh của mật nhân - Ảnh 2.
Ông Trương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đăk Nông cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, mật nhân dùng trong trường hợp ăn uống không tiêu, ngoài ra chữa khí hư, say rượu. Quả chín ăn được, chữa lỵ và tiêu chảy. Lá nấu nước trị ghẻ, lở ngứa. Về thông tin cây này có thể chữa được tăng huyết áp và tiểu đường thì chưa có một tài liệu nào khẳng định có thể chữa lành được bệnh.Trao đổi với lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (Huế), được biết: "Rễ cây mật nhân phơi khô rồi sao vàng hạ thổ để làm thuốc, có vị rất đắng; có tính hàn nên nếu người nào bị "dương" hư, dùng vào sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Nói cây có tác dụng cường dương bổ thận như các tin đồn chắc chắn là không phải".
Thực hư tác dụng chữa bệnh của mật nhân - Ảnh 3.
Cũng theo thầy Tuệ Tâm, quan điểm của Đông y là không nói đến "thuốc" mà phải là "thang thuốc" - có nghĩa là phải có nhiều loại để phối hợp chữa một bệnh chứ không thể dùng một cây mật nhân để chữa bệnh. "Từ trước đến nay tôi chưa thấy ai dùng độc nhất cây mật nhân mà chữa bệnh cả", thầy Tâm khẳng định.