16:33 15/05/2018

Tổng hợp ý kiến cử tri "vắng" vụ Thủ Thiêm

Nguyên Vũ

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xử lý vấn đề đất Thủ thiêm phải có quá trình lịch sử, nhìn vào khách quan, nhưng thực tế có vấn đề quy hoạch, bức xúc của cử tri.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xử lý vấn đề đất Thủ thiêm phải có quá trình lịch sử, nhìn vào khách quan, nhưng thực tế có vấn đề quy hoạch, bức xúc của cử tri.

Một vấn đề rất nóng được cử tri và dư luận quan tâm, đoàn đại biểu Quốc hội Tp. HCM cũng nói đến nhiều nhưng không thấy đưa vào báo cáo là vấn đề ở Thủ Thiêm, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý.

Tiếp tục phiên họp thứ 24, sáng 15/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, sẽ khai mạc sáng 21/5 tới đây.

Theo Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, "tất nhiên xử lý vấn đề đất Thủ thiêm phải có quá trình lịch sử, nhìn vào khách quan, nhưng thực tế có vấn đề quy hoạch, bức xúc của cử tri, khiếu nại của người dân".

Vì thế, cách giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm thế nào là một câu chuyện khác, nhưng đây thực sự là một vấn đề cử tri bức xúc, nên trong báo cáo cần thể hiện nội dung này, Phó chủ tịch nêu quan điểm.

Liên quan đến quản lý đất đai, dự thảo báo cáo nêu, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, tại các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất tràn lan, không hợp pháp, việc đầu cơ, "đẩy giá" đất gây bất ổn tại địa phương, ảnh hưởng đến quy hoạch chung và định hướng phát triển của các đặc khu trong tương lai.

Phó chủ tịch Uỷ ban Trung  ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, các cơ quan chức năng đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Trong đó có 763 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Báo cáo không tách bạch những kiến nghị nào được phản ánh qua các cuộc tiếp xúc của cử tri với đại biểu Quốc hội, cũng không nêu kiến nghị về cách thức tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội thì báo cáo cần đề cập đến đổi mới trong tiếp xúc cử tri, khắc phục tình trạng "đại cử tri, cử tri chuyên nghiệp". Nhân dân nói có nơi chỉ  tiếp xúc với toàn cán bộ, thậm chí toàn cán bộ hưu trí chứ chả thấy dân đâu.

Nhưng vừa rồi, khi đi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ thì Chủ tịch Quốc hội đã thấy sự thay đổi lớn, gần như không có cán bộ đương chức mà có rất nhiều thành phần đến dự.

Mời cử tri phải là dân thật chứ đến toàn thấy mấy ông chính quyền chứ không thấy dân đâu, dân bức xúc mà toàn để cán bộ nói thì dân không nói được, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Liên quan đến nội dung báo cáo, một số ý kiến tại phiên thảo luận băn khoăn khi mà phần phụ lục cho thấy quá nhiều thông tin được dẫn từ các báo, tạp chí.

Ý kiến từ báo chí thì có phải của cử tri và nhân dân  không, việc kiểm chứng thế nào, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề.

Điều hành phiên thảo luận,  Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan xây dựng báo cáo tiếp tục rà soát, để đánh giá kỹ thêm các nội dung để bảo đảm việc tổng hợp được bao quát, đầy đủ, đặc biệt là đối với những vấn đề mang tính thời sự, bức thiết đang nổi lên như vấn đề tinh giản bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào thiểu số, phòng chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới,….