09:19 29/10/2019

Tổng rà soát đất đai nông lâm trường

Lê Châu

Hơn 1,8 triệu ha còn trong tay khối các công ty nông, lâm trường với nhiều phần trong số đó chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn 1,8 triệu ha còn trong tay khối các công ty nông, lâm trường với nhiều phần trong số đó chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả, gây ra tình trạng tranh chấp, thậm chí đổ máu vì đất... đặt ra đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện một cuộc tổng rà soát gắt gao.

Trong những ngày tới, theo dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương, đơn vị và 256 công ty nông, lâm nghiệp (bao gồm cả 8 công ty thuộc Bộ Quốc phòng, 4 công ty của tổ chức chính trị - xã hội) theo 6 mô hình sắp xếp. Các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%. 

Trong đó, mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có 19 công ty, đạt 90,48%; mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích có 59 công ty, đạt 98,33%; công ty cổ phần có 49 công ty, đạt 48,04%; công ty TNHH hai thành viên có 15 công ty, đạt 38,46%; chuyển thành Ban quản lý rừng 5 công ty, đạt 100%; giải thể 13 công ty, đạt 46,43%.

Các công ty đang thực hiện, dự kiến hoàn thành sắp xếp trong năm 2019 chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 69 công ty, bằng 29,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. 

Đến 30/6/2019, cả nước chỉ còn 27 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp là khả thi.

Bước đầu đã có một số công ty sau sắp xếp đã phát huy được sản xuất và hiệu quả kinh doanh. Ví dụ, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, trước khi sắp xếp có vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng thì nay tăng 190% lên 4.387 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 164 tỷ đồng lên 834 tỷ đồng. 

Tổng công ty Cao su Việt Nam, mặc dù mới bán ít vốn nhà nước, nhưng chuyển đổi thành công ty niêm yết. Vốn chủ sở hữu tăng từ 18.915 tỷ đồng lên 21.851 tỷ đồng sau 4 năm thực hiện sắp xếp. Doanh thu tăng từ 15.537-22.686 tỷ, lợi nhuận tăng từ 3.696 lên 3.800 tỷ đồng...

Song vấn đề đang rất nan giải hiện nay là siết chặt quản lý đất đai của các công ty nông, lâm trường. Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp đã chuyển sang Công ty cổ phần như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam... đều gặp nhiều khó khăn trong quản lý đất bởi diện tích rất lớn và trải rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những khó khăn về giao thông, điều kiện kinh tế.

Hơn nữa, hầu hết đất nông, lâm nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty đang quản lý có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh, tập trung nhiều nhất là Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam được bàn giao nguyên trạng, chưa được đo đạc, cắm mốc và bản đồ địa chính. 

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai xảy ra trong thời gian dài. Trong khi đó, việc thu hồi đất, thu hồi tài sản trên đất bị lấn chiếm, chiếm đoạt gặp rất nhiều khó khăn do hồ sơ đất bàn giao chưa có mốc giới, đặc biệt chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, gần như phó mặc cho doanh nghiệp tự giải quyết. 

Ngậm ngùi thua cuộc

Các ví dụ điển hình cho sự thua cuộc trong quản lý đất đai nông lâm trường, có thể kể đến trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Đắk Nông được Nhà nước cho thuê 1.341,8 ha đất tự nhiên, hiện trạng chủ yếu là trồng điều và các loại cây trồng lâu năm. 

Riêng Nông trường Đắk Ngo, diện tích đất được giao, thuê là 755,0194 ha; đất bị dân lấn chiếm, xâm canh là 245 ha, chiếm 32,4% tổng diện tích của nông trường, nguyên nhân là do người dân địa phương và đồng bào dân tộc di cư từ miền Bắc trước năm 2005.

Từ tháng 11/2013 đến nay, tình hình an ninh trật tự tại Nông trường Đắk Ngo diễn biến phức tạp, nhiều người nhận khoán bị một số đối tượng kích động, khống chế, gây mất ổn định quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị. 

Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thanh tra và Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng đến nay người lao động tại Nông trường Đắk Ngo vẫn không thực hiện và chính quyền cũng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.