15:25 04/07/2019

Trụ sở hơn 4.000 tỷ "gặp khó", Bộ Ngoại giao xin cơ chế đặc thù

Lan Ca

Theo Bộ Xây dựng, cơ chế đặc thù cho dự án mới chỉ để xử lý tình huống, chưa thể giải quyết triệt để, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay của dự án

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao, được xây dựng tại xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội).
Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao, được xây dựng tại xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội).

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi các bộ liên quan cho ý kiến đối với việc xin cơ chế đặc thù để xử lý một số vướng mắc của Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao của Bộ Ngoại giao.

Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao được phê duyệt tại Quyết định số 1999 ngày 7/7/2009 của Bộ Ngoại giao với tổng mức đầu tư 3.484 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt. Công trình chính có quy mô 14 tầng nổi, cao 78,9m và 1 tầng hầm. Diện tích xây dựng 16.282m2, tổng diện tích sàn 126.282m2 (không kể diện tích ngoài trời như khu vực để xe, thảm cỏ, khu thể thao giải trí và đường giao thông nội bộ).

Quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân như biến động giá cả vật tư, vật liệu xây dựng; tiền lương nhân công, tỷ giá… Bộ Ngoại giao đã ban hành Quyết định số 1394 ngày 14/7/2014 phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án giai đoạn 1 lên 4.022,7 tỷ đồng.

Trong văn bản cho ý kiến về việc xin cơ chế đặc thù để giải quyết các vướng mắc của dự án trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng cho rằng, cơ chế đặc thù cho dự án mới chỉ để xử lý tình huống, chưa thể giải quyết triệt để, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay của dự án, đồng thời nếu áp dụng một cách cứng nhắc các cơ chế này như đề xuất tại tờ trình cho toàn bộ các hợp đồng thì sẽ dẫn đến bất cập trong quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gây lãng phí, thất thoát tài sản, giảm hiệu quả đầu tư.

Cụ thể đề xuất cho phép quyết toán toàn bộ khối lượng công việc đã thực hiện ở giai đoạn 1, Bộ Xây dựng cho rằng việc quyết toán chỉ phù hợp với các hợp đồng đã hoàn thành toàn bộ (100%) công việc phạm vi hợp đồng, trong khi đa số gói thầu còn lại (giai đoạn 1) đến nay vẫn chưa hoàn thành hết phạm vi của hợp đồng, do đó việc quyết toán các gói thầu thi công dở dang để lập dự án mới không phù hợp với quy định pháp luật.

Hay đề xuất cho phép tạm dừng bảo lãnh thực hiện hợp đồng cũng chỉ phù hợp với các hợp đồng đã hoàn thành toàn bộ công việc thuộc phạm vi hợp đồng và không phù hợp với các hợp đồng có khối lượng thực hiện dở dang.

Đối với việc xử lý chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng tại dự án cũng không dễ do khó phân định trách nhiệm bảo hành, bảo trì sản phẩm xây dựng dở dang, giá trị thanh lý sản phẩm dở dang… Hay việc thay đổi nhà thầu thi công xây dựng dẫn đến phải tổ chức lựa chọn lại nhà thầu, kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí của dự án…

Cũng trong văn bản cho ý kiến của mình, Bộ Xây dựng cho rằng, chủ đầu tư cần tổ chức xác định kế hoạch tổng thể triển khai tiếp của dự án và tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án (nếu có), trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

Đồng thời cũng cho rằng Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư trung hạn để thực hiện phần còn lại dự án theo đúng kế hoạch và nằm trong phạm vi tổng mức đầu tư điều chỉnh được phê duyệt.