12:10 06/05/2022

Tỷ giá USD/VND "quay đầu" sau quyết sách của FED

Những tưởng tỷ giá USD/VND biến động tăng mạnh sau động thái FED nâng lãi suất 0,5%, bước tăng lớn nhất trong 20 năm qua thì trái ngược, cả hai chiều mua/bán đi xuống...

Phản ứng tăng lãi suất của FED đã được Ngân hàng Nhà nước dự báo và hỗ trợ thanh khoản kịp thời
Phản ứng tăng lãi suất của FED đã được Ngân hàng Nhà nước dự báo và hỗ trợ thanh khoản kịp thời

Như VnEconomy đã đưa tin, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo nâng lãi suất thêm 0,5% để đối phó với diễn biến lạm phát tại quốc gia này. Đây là bước tăng lớn nhất trong hơn 20 năm qua.

Sau quyết sách trên của FED, tỷ giá USD/VND vẫn khá bình lặng, thậm chí còn có chiều hướng giảm giá. Cụ thể, chốt phiên ngày 5/5, giá USD trên liên ngân hàng giảm 12 VND xuống còn 22.956 VND.

Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do phiên 5/5 cũng giảm 25 VND ở chiều mua vào và 85 VND ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.555 VND/USD và 23.595 VND/USD.

Diễn biến trên còn tiếp tục kéo dài sang phiên ngày hôm nay (6/5) khi giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm. Trong đó, Vietcombank báo giá USD ở mức 22.810 VND (mua vào) và 23.090 VND (bán ra), giảm 20 VND ở hai đầu giá so với sáng qua.

Bước giảm 20 VND ở cả hai chiều cũng xuất hiện tại BIDV. Tại các ngân hàng khác như TPBank giảm 5 VND ở chiều mua và 20 VND ở chiều bán; Sacombank giảm 11 VND ở chiều mua vào.

Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm sau quyết sách của FED
Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm sau quyết sách của FED

Theo giới chuyên môn, việc quyết sách của FED chưa tác động đến diễn biến tỷ giá USD/VND bởi 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, mức tăng 0,5% của FED đã được thị trường dự báo từ trước, đồng thời việc họ giảm quy mô cân đối tài sản cũng không phải chuyện mới. Bất ngờ chỉ xảy ra khi cơ quan này nâng mức tăng từ 0,5% lên 0,75% nhưng điều này đã không xảy ra.

Cũng chính vì không bất ngờ nên các quyết sách của FED đã phần nào phản ánh xong tới thị trường và được “hóa giải”.

Trên thực tế, áp lực của thị trường ngoại hối đã xuất hiện trong vòng 3 tuần trở lại đây. Lãi suất cho vay qua đêm đối với đồng USD đã tăng tốc trong tháng 4/2022, từ mức bình quân 0,2%/năm lên 0,38%/năm và vọt lên mức 0,75% tại phiên hôm qua (5/5).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải sử dụng công cụ bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng nhằm hỗ trợ thanh khoản USD. Đây là lần đầu tiên nhà điều hành sử dụng công cụ này từ giữa năm 2018 đến nay.

Thứ hai, VND nhận được yếu tố hỗ trợ từ nguồn cung USD dồi dào. Trong đó, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD. Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, lượng kiều hối đổ về địa phương này riêng trong quý 1/2022 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

 

Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao, trên 110 tỷ USD, góp phần củng cố tấm đệm với các cú số bên ngoài và ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, FED vẫn còn một vài lần tăng lãi suất trong thời gian tới. Do đó, USD sẽ tiếp tục lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả VND, khiến sức ép lên tỷ giá USD/VND dần lớn hơn.

“Sau khi tính toán dựa trên lợi thế đang có và áp lực từ quyết sách của FED, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhưng không quá lớn. Mức tăng khoảng 0,8-1,2% trong năm 2022”, ông Lực nhận định.

Đồng thời, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là FED có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, ông Lực khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ mạnh hơn của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.

Song song, theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, cần xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất, kinh tế toàn cầu phục hồi yếu đi dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Tiếp tục các biện pháp lành mạnh hóa phù hợp thị trường tài chính, củng cố niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.