Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 1
Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 2

“Khi đồng Euro mất giá sẽ ảnh hưởng tới tất cả các đối tác có quan hệ xuất, nhập khẩu với các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Về nguyên tắc, các hợp đồng xuất khẩu bằng Euro của các đối tác vào Eurozone sẽ gặp khó khăn do bị mất giá trị tiền tệ thu được. Trong khi đó, các đối tác ký hợp đồng nhập khẩu hàng từ Eurozone bằng Euro sẽ được lợi do khi tính ra giá USD sẽ rẻ hơn trước.

Đối với Việt Nam, theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5%, chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 23,77 tỷ USD, tăng 22,6 % so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,8% xuất khẩu cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng dệt may đạt 12,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng giày dép đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19%; hàng thuỷ sản đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%...

Về nhập khẩu, trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu từ EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% nhập khẩu cả nước. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 3

Khi đồng Euro hạ giá mạnh so với USD sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam rất đa chiều. Hiện hầu hết các hợp đồng xuất, nhập khẩu của Việt Nam và các đối tác EU được ký bằng đồng USD, chỉ có tỷ trọng khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng Euro, do đó, thiệt hại trong xuất khẩu được giảm thiểu đáng kể.

Cùng với đó, trong khi nhiều năm nay, lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU thường lớn hơn lượng hàng nhập khẩu. Theo phân tích ở trên, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 23,77 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ đạt 7,88 tỷ USD và tiếp đà giảm so với cùng kỳ.

Đối với các hợp đồng xuất khẩu bằng Euro sẽ bị mất giá khoảng 13% so với đầu năm. Nếu có thể được thì khi ký hợp đồng mới có thể chuyển sang USD do đây là đồng tiền tương đối ổn định từ nhiều năm nay. Hơn nữa, theo thông lệ, có đến 70-80% các hợp đồng ngoại thương trên thế giới được ký bằng USD.

Đối với các hợp đồng xuất khẩu bằng USD sẽ khó bán hàng hơn do đắt hơn khi tính ra Euro. Điều nay sẽ làm sụt giảm khối lượng xuất khẩu vào EU trong tương lai. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thêm thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng sản xuất và tăng hiệu quả xuất khẩu.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, nên đẩy mạnh nhập khẩu bằng các hợp đồng thanh toán bằng Euro. Do đó, trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp như hiện nay, để hạn chế những thiệt hại, các doanh nghiệp nên tính toán các giải pháp phòng ngừa rủi ro về tỷ giá hối đoái khi có các hợp đồng giao thương quốc tế”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 4

“Kinh tế châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát đang ở mức cao, giá khí đốt, xăng dầu, các vật tư đầu vào đều rất cao... khiến đồng Euro mất giá.

Khi đồng Euro mất giá, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU sẽ được hưởng lợi do giá rẻ hơn so với trước. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này là không lớn, nhưng lại là các mặt hàng rất quan trọng, đặc biệt là những máy móc, thiết bị và một số vật tư mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng sâu rộng từ việc đồng Euro mất giá. Do hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hầu hết đều sử dụng đồng USD, nên khi đồng USD tăng giá sẽ khiến hoạt động xuất khẩu với thị trường EU khó khăn hơn nhiều. Euro mất giá sẽ làm hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn, chi phí đội cao hơn, tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng tại châu Âu. Các doanh nghiệp khu vực EU không muốn nhập khẩu, do nhập khẩu bằng USD nhưng bán bằng Euro sẽ lỗ.

Về lâu dài, việc đồng nội tệ khu vực EU yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu đi do người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Trong tình huống này, cần xem xét đến sức mua của thị trường khu vực Eurozone; theo sát biến động thị trường quốc tế và trong nước, nhất là cách thức điều hành về tỷ giá, lãi suất, lạm phát của cơ quan quản lý; trao đổi với khách hàng của mình để có những đối pháp kịp thời.

Đồng thời đa dạng hóa thị trường, có thể tìm hiểu, chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Đông – đây là thị trường tiềm năng, tìm kiếm những đối tác đang có thị trường thuận lợi.

Đặc biệt, khi ký kết hợp đồng xuất, nhập khẩu trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp, doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt cho xu hướng tỷ giá như cân đối việc xuất khẩu, nhập khẩu. Nên tìm cách xuất khẩu qua những nước sử dụng đồng USD.

Về phía Chính phủ, cần theo dõi sát tình hình, điều chỉnh tỷ giá kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 5

“Sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu phải nhập khẩu nhiều là ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương, bột cá, lúa mì… Trong đó, phần lớn các nguyên liệu như ngô, đậu tương, bột cá được nhập khẩu chủ yếu từ các nước châu Mỹ hoặc châu Á. Nguyên liệu phải nhập khẩu từ châu Âu trước đây chủ yếu là lúa mì, cám mì và Premix (thức ăn đậm đặc).

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá lúa mì tại EU nói riêng, trên thế giới nói chung đã tăng cao kỷ lục từ trước tới nay, hiện đã lên hơn 450 USD/tấn. Giá lúa mì toàn cầu tăng cao do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, nhà xuất khẩu lúa mì chính của thế giới và chiếm 12% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, từ giữa tháng 5/2022, Ấn Độ - nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới - đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi trải qua tháng 3 nóng kỷ lục, càng khiến giá lúa mì tăng cao.

Từ đầu năm nay, khi giá lúa mì tăng quá cao, Công ty CP cũng như phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác đã chuyển đổi nguyên liệu lúa mì sang sử dụng cám gạo nội địa của Việt Nam. Vì vậy, việc giá lúa mì tăng cao trên thế giới không ảnh hưởng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước ta.

Premix là nguyên liệu mà các nhà máy thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu từ châu Âu. Do sản xuất Premix đòi hỏi công nghệ khoa học cao, nên trên thế giới chỉ một số hãng châu Âu là sản xuất được sản phẩm này với chất lượng tốt nhất. Premix sản xuất tại Việt Nam nói riêng, châu Á, châu Mỹ nói chung chất lượng kém hơn, nên chúng tôi buộc phải nhập nguyên liệu này về từ châu Âu.

Nhập khẩu nguyên liệu từ EU, kể cả đối với cám mì trước đây và Premix hiện nay, chúng tôi vẫn phải trả bằng đồng USD, chứ không trả bằng đồng Euro. Mặc dù giá Premix đã tăng mạnh hơn 20% so với năm ngoái, nhưng do nguyên liệu Premix chỉ chiếm từ 2-5% trong thành phần thức ăn chăn nuôi thành phẩm (tùy loại thức ăn chăn nuôi), nên việc tăng giá Premix tuy có tác động tăng giá thành thức ăn chăn nuôi nhưng tác động không nhiều”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 6

“EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu quế, hồi hữu cơ quan trọng của Vinasamex. Đây là thị trường khó tính, không chỉ yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm nhiều đến các yếu tố xoay quanh việc bảo vệ môi trường, mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội và phát triển bền vững.

Đến thời điểm hiện tại, việc đồng Euro mất giá chưa gây ra ảnh hưởng, khó khăn gì đến hoạt động xuất khẩu quế hồi, bởi các giao dịch với đối tác, khách hàng ở thị trường châu Âu đều sử dụng đồng USD.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tập trung phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ tại Yên Bái, Lào Cai, Quảng Trị… để giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm quế, hồi, gia vị sạch, đồng thời giúp nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác, bảo vệ môi trường, đáp ứng cho các thị trường khó tính, trong đó có thị trường châu Âu”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 7

“Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU đạt gần 600 triệu USD, tăng 12,3% so với năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chỉ chiếm 1,8% tổng lượng và 2,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường.

Năm nay, ngoài các yếu tố về chiến tranh, suy thoái kinh tế, lạm phát và giá nguyên liệu, thì tỷ giá tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.  Hầu hết gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu đều ký hợp đồng thanh toán bằng đồng USD. Các đối tác nhập khẩu đồ gỗ ở EU mua hàng của chúng ta phải trả tiền bằng USD, nhưng bán hàng tại EU thì thu bằng Euro.

Do gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao ngay từ đầu năm, nên các doanh nghiệp nước ta đã phải tăng giá bán các sản phẩm đồ gỗ. Trước đây 1 EUR đổi được 1,35 - 1,40 USD thì nay chỉ còn 1,1 USD, tức là mất đi gần 20%. Như vậy, nếu giữ nguyên giá bán, thì các thương nhân ở EU sẽ lỗ, nên họ buộc phải tăng giá bán đồ gỗ, trong khi nhu cầu đang giảm, dẫn đến càng khó bán hơn.

Xuất khẩu đồ gỗ sang châu Âu, không đối tác nào trả tiền trước, mà theo phương thức trả chậm, có thể 30 ngày, 60 ngày, thậm chí 3 tháng sau khi giao hàng họ mới trả tiền. Thanh toán quốc tế, hiện nay người bán cần người mua hơn là người mua cần người bán. Hiện số lượng đơn hàng đã suy giảm từ mấy tháng nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đang thực hiện khảo sát thống kê về tình trạng giảm các đơn hàng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ, dự kiến cuối tháng 7 mới có báo cáo chính thức, nhưng sơ bộ thấy ước giảm 30-50%.

Đối với gỗ nguyên liệu nhập từ châu Âu về Việt Nam thì họ đòi hỏi trả bằng Euro. Như vậy, khi doanh nghiệp Việt đổi tiền từ USD sang Euro để mua nguyên liệu thì sẽ được lợi, coi như chi phí giảm. Nhưng thực tế do xung đột Nga - Ukraine, giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao từ 20-60% so với cùng kỳ năm ngoái, nên giá thành gỗ nguyên liệu sẽ tăng rất cao. Điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị giảm, dù có cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động cũng không bù nổi. Hiện nay tỷ giá Euro giảm, mình đổi USD ra Euro để mua gỗ nguyên liệu từ EU thì chi phí không giảm được nhiều.

Xuất khẩu hàng đi và nhập khẩu nguyên liệu về, cước phí vận chuyển tàu biển logistics thì mình đều trả bằng USD, vẫn giữ giá cao, không được lợi gì về việc Euro giảm. Thậm chí những mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, giá trị sản phẩm nằm trong container thấp hơn nhiều so với giá vận chuyển. Ví dụ, tại một số cảng của Hoa Kỳ, giá 1 container hiện nay đã lên trên dưới 20 nghìn USD/container. Trong khi đó hàng lắp ráp sẵn không phải hàng tháo rời thì giá trị khoảng 13 - 15 nghìn USD. Chi phí vận chuyển cao cũng dẫn đến xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước như Mexico để tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý.

Những năm qua, ngành gỗ đang nằm trong nhóm tăng trưởng tốt. Doanh số xuất khẩu toàn ngành lâm sản năm 2021 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu không còn lớn, trừ khi có sự đột phá như số hóa, tự động hóa, hay sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nội địa tăng lên. Với kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành, tôi dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2022 sẽ chỉ đạt con số 5-7% chứ khó đạt con số 19% như năm 2021”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 8

“Phần lớn các hợp đồng xuất khẩu sang những quốc gia EU đều được ký bằng USD. Nếu đồng Euro ngang bằng hoặc giảm so với USD thì có nghĩa giá trị USD tăng lên, đồng nghĩa với giá sản phẩm bán ra ở những thị trường này cao lên,… gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam ở những tháng cuối năm 2022.

Khi hàng dệt may của Việt Nam đắt lên, các đối tác sẽ lựa chọn nhập hàng ít đi hoặc chuyển sang lấy hàng của nước khác rẻ hơn. Như vậy, so với những nước có tỷ giá thấp hơn Việt Nam như Indonesia, Thái Lan,… dệt may Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn.

Đến thời điểm hiện nay, May Hưng Yên đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 10, còn những đơn hàng cuối năm do đồng USD mạnh lên, các đối tác đều yêu cầu giảm giá, giảm tới 20-30%. Nếu không có gì thay đổi, tăng trưởng của May Hưng Yên năm 2022 so với năm 2021 sẽ lên tới 15%, nhưng do tác động từ tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng của chúng tôi sẽ phải điều chỉnh giảm xuống một nửa, 6-7%.

Đáng lo ngại, không chỉ thị trường châu Âu mà các thị trường nhập khẩu dệt may khác của Việt Nam như Mỹ cũng vậy. Bởi hiện nay do lạm phát ở Mỹ tăng cao, sức mua  giảm, trong khi chi phí vận tải tăng, thuế lại tính theo giá CIF ((giá FOB + giá vận tải) x thuế) vì thế hàng đắt lên, đối tác yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu giảm giá xuống thấp nhất 15%, có những đơn hàng giá gia công giảm tới 30%.

Điều này đặt doanh nghiệp trong tình thế phải chấp nhận nếu không họ sẽ đặt hàng ở các thị trường khác. Nếu không làm thì không có tiền trả lương cho công nhân, nếu làm cũng không đủ trả cho người lao động,… tình trạng này kéo dài doanh nghiệp sẽ dần yếu đi.

Do nhập khẩu nguyên, phụ liệu cũng tính bằng USD, nên sản phẩm làm ra cũng không chịu ảnh hưởng, nhưng khi giá gia công đang bị giảm xuống cộng với giá vận chuyển tăng, thuế tăng làm cho hàng Việt Nam ngày càng đắt lên, như vậy đối tác sẽ giảm nhập khẩu từ Việt Nam hoặc nhập với số lượng dè dặt.

Với những sản phẩm đơn giản thì đưa máy móc vào và nước nào cũng làm được, nhưng với các sản phẩm phức tạp, đòi hỏi cao về trình độ tay nghề như jacket thì không phải nước nào cũng làm được ngay. Vì thế khi các doanh nghiệp xưa nay vẫn xuất khẩu các những sản phẩm đơn giản, nay đối tác không nhập thì họ chuyển sang may những đơn hàng jacket, dù giá rẻ vẫn phải làm để “nuôi quân”.

Do đó, giải pháp hiện nay là khi giá ngoại tệ biến động, Nhà nước cần điều chỉnh tỷ giá một cách hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho xuất, nhập khẩu trong bối cảnh này.

Với doanh nghiệp, không còn cách nào khác là chấp nhận lỗ, chắt bóp những lợi nhuận dành được trong 6 tháng đầu năm để trả lương cho người lao động. Đồng thời tăng năng suất để giảm giá gia công”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 9

“Vấn đề đồng Euro giảm giá trị từ đầu năm đến nay chưa gây tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, mà trái lại, đang giúp xuất khẩu thủy sản tốt hơn trong nửa đầu năm nay.

Việc thiếu hụt nguồn cung thủy sản tại khu vực châu Âu, do ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nga và khó nhập khẩu từ một số nguồn khác, đang khiến giá nhiều loại thủy sản trở nên đắt đỏ. Nhằm đối phó với lạm phát, chi phí tiêu dùng gia tăng, người tiêu dùng ở EU đang có xu thế chuyển hướng sang tiêu dùng những loại thủy sản giá rẻ hơn.

Biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và xung đột Nga – Ukraine lại là cơ hội cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Cá tra sẽ được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn, nhờ vậy, tiêu thụ cá tra, tôm của Việt Nam đang tăng mạnh. Tại thị trường EU, sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; tôm xuất khẩu đạt 303,5 triệu USD, tăng 50,8% so cùng kỳ năm 2021.

Nửa đầu năm 2022, ngành thủy sản xuất khẩu ghi nhận nhiều mốc kỷ lục (như kỷ lục doanh số, kỷ lục về tăng trưởng so với nửa đầu các năm), cả ngành thủy sản đã thu về 5,7 tỷ USD ngoại tệ, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó phải kể đến kỷ lục của kỷ lục là mặt hàng cá tra với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82%. Mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 40% với gần 2,3 tỷ USD. Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu, nhưng vẫn giữ được tăng trưởng từ 12-55% so với cùng kỳ năm trước, mang về trên 2 tỷ USD.

Trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn mạnh mẽ vươn lên. Doanh nghiệp thủy sản đang đi qua cơn bão, chớp lấy cơ hội từ những thị trường đang có nhu cầu lớn, như Mỹ, EU, Trung Quốc và những thị trường luôn ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cùng nhiều thị trường tiềm năng khác.  

Nửa cuối năm 2022, nguyên liệu tôm, hải sản sẽ khó hơn đầu năm, nhu cầu các thị trường lớn cũng sẽ hạ nhiệt. Nhưng với sự linh hoạt và nỗ lực của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD cho năm 2022 chắc chắn ở trong tầm tay”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 10

“Các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu đang đứng ngồi không yên khi phải cắt giảm sản xuất, do gặp khó về thị trường tiêu thụ, giá giảm mạnh.

EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, với kim ngạch 816 triệu USD trong năm 2021, chiếm tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Tại EU, do đồng Euro rớt giá, lạm phát cao dẫn đến việc người dân giảm mua những sản phẩm không thiết yếu. Mặt hàng hạt điều hiện nay xuất khẩu rất khó khăn do đây không phải là hàng hóa thiết yếu đối với người tiêu dùng tại các quốc gia phương Tây. Một số hạt như hạnh nhân đang rất rẻ nên người ta đẩy mạnh tiêu thụ và giảm bớt hạt điều. Do đó, sản lượng điều chế biến xuất khẩu của công ty chúng tôi trong 6 tháng đầu năm nay giảm rất nhiều.

Thời điểm này, rất khó để dự báo về tình hình thị trường đối với mặt hàng điều hiện nay, bởi vì đây là mặt hàng không thiết yếu. Từ nay đến khoảng tháng 9, thị trường được dự báo sẽ ảm đạm. Từ quý 4/2022 đến đầu năm 2023, doanh nghiệp đang kỳ vọng thị trường sẽ khá lên khi khách hàng có nhu cầu cao tiêu dùng cho Noel, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch”.

Ứng xử với cú sốc lớn - Ảnh 11

VnEconomy 26/07/2022 13:00