06:00 09/05/2021

VASEP phản đối biện pháp kiểm dịch quá chặt đối với hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu

Chu Khôi

Việc kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho tới chế biến sâu là biện pháp kiểm soát quá mức và không cần thiết, đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Kiểm dịch sản phẩm thủy sản xuất khẩu gây khó khăn cho doanh nghiệp
Kiểm dịch sản phẩm thủy sản xuất khẩu gây khó khăn cho doanh nghiệp

VASEP vừa gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị không kiểm định (bệnh) theo Luật Thú y (trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh) đối với các sản phẩm thủy sản chế biến (từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…), không có nguy cơ lây truyền dịch bệnh vào danh mục phải kiểm dịch, mà chịu kiểm tra theo quy định của Luật An toàn thực phẩm”.

Trong công văn này, VASEP cho rằng: kể từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay thế Thông tư 06/2010 bằng Thông tư 36/2018 thì Danh mục hàng hoá phải kiểm dịch đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt các hàng về chế biến (đông lạnh, khô, đồ hộp…) được “liệt kê” là có nguy cơ cao. Trong đó, có nhiều sản phẩm đáng lẽ ra không cần kiểm dịch.

“Điều này đã đi ngược lại chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện nay. Đồng thời cũng đi ngược với những nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia, trong đó nội dung về cắt giảm thực chất số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành luôn được nhấn mạnh và nhắc lại”, VASEP nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nước từ tiên tiến như Mỹ, liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada… đến các nước trong khu vực, hầu hết chỉ kiểm tra theo quy định chỉ tiêu về an toàn thực phẩm với sản phẩm thuỷ sản chế biến (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, ướp muối).

 

Nhiều nước yêu cầu nước xuất khẩu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thực phẩm dành cho người) và cấp chứng thư sức khoẻ (Health Certificate) cho các lô hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu sang nước họ, chứ không yêu cầu phải kiểm dịch (bệnh) với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến, đóng bao bì kín.

Một số nước như Australia, gần đây là Trung Quốc, cũng yêu cầu kiểm một số chỉ tiêu dịch bệnh trên tôm đối với tôm đông lạnh nhập khẩu, áp dụng với một số dạng sản phẩm tôm “raw” đông lạnh (chưa hấp chín, hoặc chưa ướp tỏi) cho các chỉ tiêu dịch bệnh có thể lây lan trong môi trường nuôi của Australia (do người dân có thói quen dùng tôm làm mồi câu). Các chỉ tiêu này gồm các virus gây bệnh trên tôm như virus gây hội chứng Taura, đầu vàng, đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính.  

Với Việt Nam, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không kiểm tra các chỉ tiêu bệnh dịch hay vệ sinh thú y đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu đi các thị trường (trừ một số chỉ tiêu virus gây bệnh trên tôm xuất khẩu sang Australia và Hàn Quốc), mà chỉ kiểm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (vi sinh, cảm quan/ngoại quan (theo Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/11/2011 và các chỉ tiêu hóa học theo Quyết định 1471/QĐBNN-QLCL ngày 20/6/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tuy nhiên, với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, theo quy định của Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/10/2019 thì cả sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) đều thuộc danh mục phải kiểm dịch theo Luật Thú y.

 

Việc không rõ ràng phải kiểm soát “dịch bệnh” cho thủy sản và kiểm tra “an toàn thực phẩm” là thực phẩm dùng cho người đã gây ra rất nhiều nhiêu khê cho các doanh nghiệp nhập khẩu khẩu nguyên liệu về để chế biến xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp thủy sản và VASEP hoàn toàn đồng ý cần kiểm dịch chặt chẽ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá. Tuy nhiên, với các sản phẩm thực phẩm (dùng cho người) ở dạng chế biến (đông lạnh, chín, đóng bao bì kín….) hoặc chế biến sâu không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh và không thể gây ra lây lan dịch bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh thì không cần thiết phải kiểm dịch. Đây là vướng mắc của các doanh nghiệp thủy sản trong suốt 4 tháng đầu năm nay.