10:49 19/05/2021

Vì sao Trung Quốc liên tiếp ra lệnh cấm liên quan tới tiền ảo?

Đức Anh

Theo lệnh cấm mới nhất, các tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng, kênh thanh toán trực tuyến của Trung Quốc không được phép cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan tới tiền ảo như đăng ký, giao dịch, thanh toán...

Năm 2017, Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm các sàn giao dịch tiền ảo và hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) - Ảnh: Getty Images
Năm 2017, Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm các sàn giao dịch tiền ảo và hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc vừa ra lệnh cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp dịch vụ liên quan tới tiền ảo, đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro khi giao dịch đầu cơ tiền ảo. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm kìm hãm cơn sốt tiền ảo ngày một nóng.

Theo lệnh cấm, các tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng, kênh thanh toán trực tuyến, không được phép cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan tới tiền ảo như đăng ký, giao dịch, thanh toán..., CNBC dẫn thông cáo chung của Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc, cho biết. 

“Gần đây, giá tiền điện tử tăng mạnh rồi lại lao dốc, và hoạt động giao dịch đầu cơ tiền ảo có xu hướng tăng trở lại, có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới tài sản của các nhà đầu tư, đồng thời phá vỡ trật tự kinh tế, tài chính thông thường", thông cáo nêu rõ.

Theo lệnh cấm, các tổ chức tài chính cũng không được phép cung cấp dịch vụ tiết kiệm, ủy thác hay cầm cố tiền ảo, cũng không được phép phát hành các sản phẩm tài chính liên quan tới tiền ảo. 

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các lệnh cấm liên quan tới tiền ảo. Năm 2017, Bắc Kinh cũng ra lệnh cấm các sàn giao dịch tiền ảo và hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO). Khi đó, Trung Quốc chiếm tới 90% tổng giao dịch Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, lệnh cấm này không ngăn được các nhà đầu tư các nhân mua tiền ảo qua các sàn nước ngoài. 

 

"Tiền ảo không có giá trị thực và giá tiền ảo quá dễ bị thao túng, các hợp đồng giao dịch tiền ảo không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ", thông cáo nêu rõ. 

Tháng 6/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ chặn quyền truy cập vào tất cả các sàn giao dịch tiền ảo trong và ngoài nước cũng như các trang web huy động vốn bằng tiền ảo để ngăn chặn nhà đầu tư giao dịch với các sàn ngoại.

Theo ông Adam Reynolds, CEO phụ trách thị trường châu Á-Thái Bình Dương của Saxo Markets, việc kiểm soát các dòng vốn của Trung Quốc có thể bị cản trở khi các nhà đầu tư mua tiền ảo ở nước này rồi chuyển ra nước ngoài. Do đó, việc cấm sử dụng tiền ảo trong nước về bản chất là nhằm duy trì kiểm soát dòng vốn.

"Đồng tiền số duy nhất phù hợp với chính sách kiểm soát vốn của một chính phủ chỉ có thể là đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành”, ông Reynolds nhấn mạnh.

Gần đây, Bắc Kinh đang đẩy mạnh triển khai đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, nhằm thay thế tiền mặt và duy trì sự kiểm soát đối với lĩnh vực thanh toán. 

Trong thông cáo mới nhất, Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc cũng cảnh báo rủi ro khi giao dịch tiền ảo. 

"Tiền ảo không có giá trị thực và giá tiền ảo quá dễ bị thao túng, các hợp đồng giao dịch tiền ảo không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ", thông cáo nêu rõ. 

Lệnh cấm của Trung Quốc lập tức khiến giá tiền ảo Bitcoin sụt 7%.

Khác với Trung Quốc, tại Mỹ, các doanh nghiệp lớn cũng như tổ chức tài chính đang đua nhau "khám phá" cơ hội trong thế giới tiền ảo. Ứng dụng thanh toán Venmo của Paypal và CashApp của Square hiện đều cho phép khách hàng mua bán Bitcoin. Nhiều ngân hàng lớn cũng đã lập bộ phận giao dịch và đầu tư tiền ảo.