14:30 30/05/2019

Viglacera bổ sung rổ hàng chất lượng trên HOSE

Khánh An

448 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - Công ty Cổ phần chính thức chuyển sang giao dịch trên HOSE

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Viglacera - Công ty Cổ phần thực hiện nghi thức đánh cồng.
Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Viglacera - Công ty Cổ phần thực hiện nghi thức đánh cồng.

Ngày 29/5/2019, 448 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - Công ty Cổ phần chính thức chuyển sang giao dịch trên HOSE. Có nền tảng tài chính tốt, vị thế đầu ngành trong nhiều lĩnh vực vật liệu xây dựng, năng lực triển khai các dự án bất động sản lớn, VGC được kỳ vọng sẽ trở thành một blue-chip trên HOSE.

Chuyển động tích cực

Quý 1/2019, Viglacera tiếp tục tạo ấn tượng khi đạt mức tăng trưởng 2 con số. Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho thấy doanh thu thuần đạt 2.269 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 180 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 159 tỷ đồng, tăng 54%.

Điểm mạnh của Viglacera theo đánh giá của giới đầu tư là sở hữu năng lực sản xuất đặc biệt về vật liệu xây dựng và bất động sản (hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị,…), sở hữu nhiều tài sản giá trị và cấu trúc tài chính, dòng tiền tích cực.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, tính đến nay, VGC chiếm 36% năng lực sản xuất kính xây dựng sản xuất trong nước với việc sản xuất, quản lý và vận hành 2 nhà máy sản xuất kính nổi, 1 nhà máy sản xuất kính tiết kiệm năng lượng và 1 nhà máy sản phẩm gia công sau kính. Sản lượng kính xây dựng sản xuất trong năm đạt xấp xỉ 60 triệu m2.

Tổng công ty cũng đang chiếm khoảng 11% năng lực sản xuất sứ vệ sinh, 3% năng lực sản xuất gạch ốp lát ceramic và 12% năng lực sản xuất gạch granite toàn ngành. Mỗi năm, Viglacera đã cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 12,5 triệu m2 gạch cotto, 28,7 triệu m2 gạch ốp lát ceramic – granite, 353 triệu viên gạch xây và gần 4,1triệu m2 ngói các loại.

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, VGC sở hữu 12 khu công nghiệp, tổng diện tích 3.177,5ha, lớn hơn nhiều các doanh nghiệp cùng ngành (KBC, ITA, LHG,…). Trong đó, 717 ha đã được cho thuê bởi nhiều đối tác như Samsung, Canon, Orion, Sumitomo…là các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản

VGC hiện cũng đang có 12 dự án khu đô thị, nhà ở và văn phòng cho thuê với tổng diện tích 201 ha. Nhiều dự án nằm ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội, được đánh giá cao về tiềm năng sinh lợi.

Báo cáo tài chính của VGC cho biết, tổng tài sản của Viglacera cuối quý 1/ 2019 đạt 17.155 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Con số này liên tục tăng trong thời gian qua.

Duy trì vị thế trên thị trường cạnh tranh

Sở hữu quy mô, vị thế lớn, song như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư bất động sản, Viglacera đang phải đối mặt với không ít thách thức trên thị trường đến từ sự giảm tốc của ngành cũng như cạnh tranh gay gắt.

Bởi vậy, Viglacera đang trong giai đoạn chuyển mình, thực hiện quá trình tái cơ cấu hiệu quả, khi hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn vốn của VGC được cải thiện, chắc chắn hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty sẽ tiếp tục gia tăng.

Nổi bật nhất trong nỗ lực tái cơ cấu của Tổng công ty thời gian qua là tiến hành thoái vốn tại những mảng kinh doanh không hiệu quả, tập trung tối ưu chi phí & đầu tư sản phẩm mang giá trị cao. Đơn cử, Nhà máy sứ Mỹ Xuân và nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ được đầu tư nhằm mang lại lợi thế và phân khúc sản phẩm riêng cho VGC trong dài hạn.

Hoặc tái cơ cấu mảng gạch ngói, giảm dần những sản phẩm gạch nung truyền thống sang gạch không nung và các sản phẩm ngói lợp, vách treo, tập trung sản xuất sản phẩm có giá trị cao.

Một điểm sáng của Viglacera trong năm 2019 được nhận xét nằm ở lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Lượng vốn FDI dồi dào củng cố hoạt động cho thuê khu công nghiệp của Tổng công ty. Doanh thu hoạt động cho thuê và quản lý khu công nghiệp trong năm 2018 ghi nhận mức tăng 44% và 54% so với cả năm 2017; được kỳ vọng sẽ còn tốt hơn nữa trong năm 2019.

Biên lợi nhuận gộp toàn mảng này cũng đã chạm tới mức rất cao xấp xỉ 40%. Các khu công nghiệp của Viglacera như Yên Phong mở rộng, Đồng Văn IV, Phú Hà... đều nằm ở vị trí thuận tiện cho giao thông, hạ tầng đầy đủ nên có triển vọng lấp đầy tốt, giá cho thuê có thể tăng trong 2019 do nhu cầu khách thuê tăng. Đi kèm với sự sôi động ở lĩnh vực cho thuê khu công nghiệp, các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp cũng được dự báo đạt kết quả khả quan ở khâu bán hàng.

Các dự án bất động sản dân dụng của Viglacera được dự đoán tiếp tục đóng góp lợi nhuận nhờ vị trí dự án thuận tiện cho nhu cầu ở thực hoặc văn phòng cho thuê các khu vực khá trung tâm nội đô.

Với những nỗ lực tái cơ cấu nội tại, cộng thêm động thái có nhà đầu tư chiến lược Gelex tham gia sở hữu cổ phần lớn tại VGC, giới đầu tư cho rằng hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn vốn, cấu trúc tổ chức của VGC tới đây sẽ có nhiều chuyển động tích cực. Bên cạnh đó là quy mô sản xuất lớn, vị thế đầu ngành, sở hữu những bất động sản giá trị, VGC được đánh giá sẽ có thêm sức hút với các nhà đầu tư.