11:15 04/01/2019

VTV đang xúc tiến thoái vốn khỏi K+

Thủy Diệu

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, việc tái cơ cấu VSTV (đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+) là cần thiết và cấp bách

VSTV được thành lập năm 2009, bằng vốn góp liên doanh giữa VTV (góp 51%) và Canal+ (góp 49%). Nhiều năm qua, doanh nghiệp này liên tục rơi vào thua lỗ.
VSTV được thành lập năm 2009, bằng vốn góp liên doanh giữa VTV (góp 51%) và Canal+ (góp 49%). Nhiều năm qua, doanh nghiệp này liên tục rơi vào thua lỗ.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về chủ trương thoái vốn và đề án tái cơ cấu Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) - đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+.

Theo Văn phòng Chính phủ, ngày 11/12/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về đề nghị thoái vốn của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tại VSTV, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đại diện Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo VTV và VSTV.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng đánh giá, việc tái cơ cấu VSTV là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, VSTV là doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động của công ty liên quan đến lĩnh vực báo chí, tư tưởng văn hóa nên vấn đề cần được xem xét khẩn trương, nhưng phải thận trọng, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì với Bộ Tư pháp thẩm tra hồ sơ liên quan đến hợp động liên doanh và điều lệ của VSTV, có ý kiến đánh giá độc lập, đề xuất phương án xử lý bảo đảm tối đa lợi ích của phía Việt Nam, trong đó có hướng dẫn đàm phán lại với phía nước ngoài, gửi VTV và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo VTV mời kiểm toán Nhà nước làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến liên quan bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của VSTV để hoàn thiện báo cáo đến năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2019.

Trong đó, làm rõ khía cạnh pháp lý, xem xét khả năng điều chỉnh hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty để có phương án xử lý phù hợp với pháp luật, tính toán rủi ro pháp lý và đề xuất chọn phương án lựa chọn để xử lý, dự kiến triển vọng tương lai của công ty.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu VSTV, trước đó, từ quý 3/2015, VTV từng cho biết sẽ thoái vốn khỏi ba đơn vị truyền hình trả tiền mà VTV sở hữu và đồng sở hữu, gồm: Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) và Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV). 

Theo đó, VTV sẽ bán phần lớn số cổ phần tại kênh truyền hình K+ do VSTV quản lý, bán khoảng 49% cổ phần tại VTVcab và bán phần lớn cổ phần tại SCTV.

VSTV được thành lập năm 2009, bằng vốn góp liên doanh giữa VTV (góp 51%) và Canal+ (góp 49%). Nhiều năm qua, doanh nghiệp này liên tục rơi vào thua lỗ.

Năm 2015, K+ đạt doanh thu 1.252 tỉ đồng, lỗ 89 tỉ đồng. Năm 2016 doanh thu 1.207 tỉ đồng, lỗ 301 tỉ đồng; năm 2017 doanh thu 1114 tỉ đồng, lỗ 448 tỉ đồng. 

Tính tới cuối năm 2017, K+ lỗ lũy kế khoảng 2.733 tỉ đồng.