19:15 09/03/2022

Vụ 5 ngân hàng liên quan rủi ro xuất khẩu điều sang Italia: Muốn đòi hàng phải có trát của tòa?

Nguyễn Hoài

VnEconomy vừa trao đổi nhanh với luật sư Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) về trách nhiệm 5 ngân hàng, công ty môi giới Kim Hạnh Việt và khả năng phán quyết từ một phiên tòa....

Rủi ro vụ xuất khẩu điều là thiệt hại rất lớn vì lợi nhuận ngành điều rất thấp. Ảnh: Sơn Tùng
Rủi ro vụ xuất khẩu điều là thiệt hại rất lớn vì lợi nhuận ngành điều rất thấp. Ảnh: Sơn Tùng

Như VnEconomy đã đưa tin về vụ việc 5 ngân hàng liên quan rủi ro gần 1.000 tỷ đồng xuất khẩu điều sang Italia, cuối giờ chiều ngày 9/3, Hiệp hội điều tổ chức họp báo về vấn đề này. 

Theo luật sư Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), tính đến 17h30 ngày 9/3, thông tin sơ bộ mà Hiệp hội nắm được là Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia đã kịp đến làm việc với chính quyền sở tại khu vực cảng Genoa (Italia) và các hãng tàu vận chuyển  Cosco, YANGMING, HMM, ONE để can thiệp tạm ngừng giao hàng hóa nếu xuất hiện một bên trình bộ hồ sơ gốc. Phía bạn đồng ý hợp tác.

Tuy nhiên, theo Luật hàng hải thương mại quốc tế, khi có người trình bộ hồ sơ gốc thì hãng vận chuyển buộc phải giao hàng, không ai có quyền can thiệp.

Quy trình thanh toán quốc tế D/P
Quy trình thanh toán quốc tế D/P

"Hãng tàu chỉ có thể không giao với điều kiện có trát của tòa vì đất nước họ là pháp quyền. Đây là vấn đề kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau, buộc phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế, hãng tàu chỉ trung gian vận chuyển thôi", luật sư Hậu nói với VnEconomy. 

Như vậy, trong một giả định có bên thứ ba xuất trình bộ hồ sơ gốc, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đòi lại hàng thì phải chờ một phiên tòa. 

Liên quan đến câu hỏi vai trò, trách nhiệm của 5 ngân hàng Việt Nam và công ty môi giới Kim Hạnh Việt, luật sư Hậu cho biết, thương vụ thanh toán nói trên được tiến hành theo phương thức D/P (Documents Against Payment).

Đây là thanh toán nhờ thu, nghĩa là doanh nghiệp bán điều nhờ 5 ngân hàng Việt Nam thu hộ. Muốn thu hộ thì bộ hồ sơ gốc phải được các ngân hàng Việt Nam chuyển cho ngân hàng thu hộ bên mua ở Italia thông qua con đường chuyển phát nhanh DHL.

Sau đó, ngân hàng bên mua sẽ chuyển tiền lại cho ngân hàng Việt Nam để thanh toán cho các doanh nghiệp bán điều.

Bộ hồ sơ gốc gồm rất nhiều giấy tờ như: giấy tờ kiểm dịch, thống kê kho, kiểm định..., nhưng trong đó, giấy tờ quan trọng nhất là vận đơn chuyển cho hãng tàu vận chuyển (bill of lading).

Theo đó, các ngân hàng Việt Nam đã hỏi ngân hàng bên Italia nhưng được trả lời là không nhận được bản gốc mà chỉ là bản phô tô, không nhận được bản chính. Có nghĩa, con đường đi của bộ hồ sơ đã gặp trục trặc gì đó hoặc ngân hàng Italia đã không trung thực, để rồi có thể bị tráo hồ sơ.

 

Trong vụ việc nêu trên, có xuất hiện thêm một đầu mối ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hậu giải thích: Về mặt nguyên tắc, bên người mua chỉ định ngân hàng giao dịch, cho nên người mua ở Italia có thể chỉ định bất cứ ngân hàng nào trên thế giới để thực hiện giao dịch.

Vậy trách nhiệm ngân hàng Việt Nam ở đâu?

Theo ông Hậu, sáng 9/3, đại diện 5 ngân hàng nói trên đã họp với Vinacas và thống nhất là tích cực truy tìm bộ hồ sơ gốc nhằm xử lý khủng hoảng nêu trên. 

Vậy vai trò của công ty môi giới Kim Hạnh Việt trong câu chuyện này là gì?

Ông Hậu cho biết, Kim Hạnh Việt là một nhà môi giới lâu năm trong ngành điều. Trong vấn đề này, về nguyên tắc, họ chỉ là người chắp nối giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, cả hai bên bán/mua đều ký 2 hợp đồng với bên môi giới. Cho nên, khi gặp rủi ro, môi giới vẫn phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Trao đổi thêm với VnEconomy, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, giả sử kịp phanh lại lô hàng trên thì nếu bán tháo tại chỗ hoặc vận chuyển ngược về Việt Nam sẽ tốn kém ít nhất 15% tổng giá trị lô hàng đó.

Trong ngày mai (10/3), Vinacas sẽ tiếp tục có văn bản chính thức trình Thủ tướng và các bộ ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ xử lý vấn đề này.