09:31 19/08/2019

Xây dựng cực tăng trưởng cho miền Trung

Lê Châu

Kể từ hội nghị xúc tiến đầu tiên nhận được "lửa" từ người đứng đầu Chính phủ, Quảng Ngãi ngày càng trở nên năng động hơn

Quảng Ngãi là một trong những nơi đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chỉ đạo "Hội nghị xúc tiến đầu tư".
Quảng Ngãi là một trong những nơi đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chỉ đạo "Hội nghị xúc tiến đầu tư".

Năm 2014, tại "Diễn đàn Kinh tế miền Trung", TS. Trần Đình Thiên "chơi chữ" rằng, "Nhìn thấy Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đang giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ - PV) ngồi đây, là nhìn thấy phúc cho miền Trung". Vùng đất nắng lửa này luôn mong thật nhiều "phúc" để không còn "nghèo mùng tơi không kịp rớt"...

Sau 5 năm, một hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị này là hoạt động "khóa đuôi" cho chuỗi các hội nghị tương tự cho miền Nam, miền Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đã trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng còn phải có trách nhiệm lo cho mọi miền cùng có "phúc", chứ không chỉ riêng miền Trung. Và hơn cả, người đứng đầu Chính phủ còn chỉ ra, muốn phát triển, phải tự lực, tự cường vươn lên. Thủ tướng thường tuyên bố trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh miền Trung rằng, "Tôi là người miền Trung, nhưng tôi ngồi họp với các 'ông' không phải để vỗ về nhau, mà 'càng quen càng lèn cho đau', có 'đau' thì mới có khát vọng vươn lên". 

Như tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Quảng Nam hồi tháng 3/2019, Thủ tướng nhiều lần bày tỏ mong muốn quê nhà của ông không ỉ lại, không kêu khổ, kêu khó vì lũ lụt, thiên tai... Quảng Nam phải tự lực, tự cường vươn lên cùng cả miền Trung hình thành một cực tăng trưởng mới.

"Chúng ta đang nói cực tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội-Hải Phòng. Quảng Nam phải xác định trách nhiệm của mình đối với đất nước, để phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng, chứ không phải các tỉnh miền Trung lúc nào cũng chỉ kêu khổ, thiên tai, lũ lụt, phải xin trợ cấp ngân sách", Thủ tướng nhấn mạnh, "Nhất là khi Quảng Nam là 'cái nôi' của cách mạng trong kháng chiến. Động lực lớn nhất, bao trùm nhất cho sự phát triển bền vững của Quảng Nam, đó là công tác xây dựng Đảng, bao gồm tổ chức, bộ máy và cán bộ".

Thực tế, từ một trong 3 tỉnh nghèo nhất cả nước, nay Quảng Nam đã trở thành một trong 14 tỉnh có nguồn thu ngân sách cao nhất cả nước. Từ một tỉnh không có công nhân, không có phát triển công nghiệp, nay đã có hơn 300 nghìn công nhân...

Thủ tướng nhắn nhủ, "Chính phủ đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Riêng thu ngân sách nội địa tăng gần 200 lần so với khi tái lập tỉnh, vào nhóm tỉnh có mức thu nhập cao hơn bình quân của cả nước và có đóng góp vào ngân sách nhà nước. Quảng Nam phải đoàn kết, bước nhanh, hoàn thành vượt mức, bứt phá kế hoạch 2019, đóng góp vào sự phát triển của Trung ương".

Nói là "lèn cho đau", nhưng những tỉnh nghèo miền Trung cũng là những nơi Thủ tướng dành nhiều tình cảm hơn cả. Năm 2016, ngay sau khi được Quốc hội bầu là Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi là một trong những nơi đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chỉ đạo "Hội nghị xúc tiến đầu tư". 

Qua 3 năm, Thủ tướng đã "phủ sóng" xúc tiến đầu tư cho cả 63 địa phương, với ưu tiên luôn dành cho tỉnh nghèo như Quảng Ngãi. Ông nói, "Một phép tính đơn giản mà ai cũng có thể nhẩm được, đó là từ 1.000 lên 1.001 là đạt mức tăng 0,1 phần trăm, từ 100 lên 101 tăng 1 phần trăm và từ con số 0 lên 1 thì có thể nói rằng đó là mức tăng vô cùng lớn. Đưa một địa phương đang phát triển tiếp tục giữ được đà phát triển đã rất khó khăn, để đưa một địa phương đi lên từ con số 0 hoặc có xuất phát điểm rất thấp lại càng khó khăn gấp bội".

Ba năm qua, kể từ hội nghị xúc tiến đầu tiên nhận được "lửa" từ người đứng đầu Chính phủ, Quảng Ngãi ngày càng trở nên năng động hơn trong việc tạo nên sức hấp dẫn cho mình. 

Như năm 2018, Quảng Ngãi gặp gỡ với hơn 140 lượt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... và các tập đoàn lớn trong nước như FLC, Thái Group... 

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất; Tập đoàn Exxon Mobil khảo sát địa chất, môi trường tuyến ống dẫn khí phục vụ triển khai dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Tập đoàn Messer (Đức) triển khai dự án Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp; Tập đoàn FLC khảo sát, đầu tư dự án Tổ hợp trung tâm khách sạn, hội nghị, thương mại và nhà ở FLC Centre Point Quảng Ngãi...

Người đứng đầu Chính phủ động viên tỉnh nghèo, "Quy mô nền kinh tế Quảng Ngãi giờ đây đã chiếm 1,3% GDP của cả nước, chính vì vậy những phần trăm tăng trưởng của Quảng Ngãi rất có ý nghĩa đối với tăng trưởng cả nước".

Theo Thủ tướng, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hội tụ đủ các lợi thế tạo động lực phát triển như lọc hóa dầu, luyện kim, chế tạo, Quảng Ngãi đang có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển công nghiệp, cảng biển, kinh tế biển và kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, phía Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. 

Với lợi thế và tiềm năng đó, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp của miền Trung và cả nước mà ở đó, sức mạnh kinh tế được dựa trên năng suất, chất lượng và năng lực quản trị của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.