06:00 24/07/2021

Chú trọng tạo sinh kế cho người dân, khuyến khích thanh niên về quê lập nghiệp

Quang Trung

"Thay vì hỗ trợ người dân một khoản tiền nhất định nào đó thì nên tạo việc làm từ nguồn hỗ trợ, tìm giải pháp để người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách chắc chắn"..

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP

Chiều 23/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2016-2021 Lê Minh Hoan đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình trong giai đoạn 2021-2025. 

2,45 TRIỆU TỶ ĐỒNG CHO GIAI ĐOẠN 2021-2025

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với nguyên tắc "nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2021-2025 tập trung thực hiện vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

 
Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Cụ thể, tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn kiểu mẫu.

Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thông mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn...

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nguồn vốn bao gồm từ ngân sách Trung ương và cơ cấu vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 bố trí tối thiểu khoảng 39.632 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng (Vốn trong nước: 28.000 tỷ đồng; vốn vay và viện trợ không hoàn lại 88,6 triệu USD - khoảng 2.000 tỷ đồng) và vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng.

"Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của Chương trình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Về cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, dự kiến, tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng. 

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương là khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); và vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%). 

QUAN TRỌNG NHẤT LÀ QUAN TÂM TẠO SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN

Tại phiên họp, trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng và toàn diện, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Quốc hội khóa XIV phê duyệt. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội khẳng định đây là những chương trình quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn hiện đại văn minh; tiếp tục chăm lo đời sống vật chất tinh thần giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, rút ngắn khoảng cách phát triển nông thôn với đô thị, miền núi với đồng bằng.

 
"Đối với việc giảm nghèo đa chiều và thực hiện giảm nghèo bền vững, thay vì hỗ trợ người dân một khoản tiền nhất định nào đó thì nên tạo việc làm từ nguồn hỗ trợ, tìm giải pháp để người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách chắc chắn".
ĐẠI BIỂU ĐOÀN THỊ HẢO - ĐOÀN THÁI NGUYÊN

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ, tiếp tục củng cố nâng cao các xã đạt chuẩn nông thôn mới; phân loại đối tượng nghèo theo nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, quan tâm tạo sinh kế nhất là nâng cao đời sống người dân.

"Trong giai đoạn tới việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cũng cần quan tâm hơn đến sinh kế, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân. Cần đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất; khuyến khích thanh niên trở về lập nghiệp ở nông thôn", Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) nêu rõ. 

Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tăng cường phân cấp, giao nguồn vốn cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện các hạng mục cần thiết, phù hợp.

"Đối với việc giảm nghèo đa chiều và thực hiện giảm nghèo bền vững, thay vì hỗ trợ người dân một khoản tiền nhất định nào đó thì nên tạo việc làm từ nguồn hỗ trợ, tìm giải pháp để người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách chắc chắn", đại biểu Đoàn Thị Hảo nhấn mạnh.

Các đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên họp tổ chiều 23/7 - Ảnh: Quochoi.vn.
Các đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên họp tổ chiều 23/7 - Ảnh: Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về cơ chế tài chính, phân bổ ngân sách cũng như “bệnh thành tích” tại một số địa phương.

“Nhiều nơi được công nhận là huyện nông thôn mới nhưng tài sản của người dân chẳng có gì ngoài các đồ dùng thiết yếu hằng ngày. Nhiều nơi chạy theo thành tích trong phát triển nông thôn mới nên hiệu quả chưa thực chất và bền vững”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội).

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, chương trình nông thôn mới là cần thiết phải đầu tư, nhưng việc chương trình không có điểm kết thúc gây ra những hệ lụy nhất định về mặt chi phí cho bộ máy, công tác quản lý phí, không tiết kiệm được nguồn lực cho việc tiết kiệm.

"Đó là nguyên tắc tập trung, tránh trùng lặp, vì thế chúng ta cần cân đối để thực hiện 3 chương trình nông thôn mới, để tiết kiệm chi phí và không bị trùng lặp trong đầu tư cũng như chi phí”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Quochoi.vn

Đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 2021-2026, việc thực hiện chương trình nông thôn mới có sự khác biệt theo hướng, vừa tiếp tục phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới ở những nơi chưa đạt, vừa tiến tới làm tốt hơn, nâng cao hơn tiêu chuẩn ở những nơi đã đạt tiêu chuẩn. 

Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với địa phương tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương không hỗ trợ thực hiện chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đối với trường hợp của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dù tự cân đối được ngân sách nguồn thu không ổn định và còn nhiều địa bàn khó nên Chính phủ cần tính toán để có mức hỗ trợ phù hợp.