Bộ Công Thương lý giải việc “khép cửa” với ôtô nhập

Đức Thọ
Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên về việc "khép cửa" với ôtô nhập khẩu
Hiện tại trên cả nước đang có khoảng 1.700 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô - Ảnh: Doãn Khuê.
Hiện tại trên cả nước đang có khoảng 1.700 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô - Ảnh: Doãn Khuê.
Trao đổi với báo giới xung quanh việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 về việc bổ sung các thủ tục đối với doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng đây là một biện pháp cần thiết nhằm lành mạnh hóa thị trường ôtô nhập khẩu.

Theo ông Biên, các quy định tại Thông tư 20 được áp dụng không nhằm hạn chế thương mại, không khống chế số lượng và cũng không trái với yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thực tế, các thủ tục bổ sung mà bộ yêu cầu sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa khối doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu, xóa bỏ tình trạng kinh doanh chộp giật, manh mún, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Biên cũng cho biết, hiện tại trên cả nước đang có khoảng 1.700 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, mỗi năm nhập khẩu 30.000 xe (*). Nếu chia ra thì trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ nhập khẩu 19 xe/năm, tương ứng… 1,6 xe/tháng.

“Việc mỗi doanh nghiệp chỉ nhập khẩu chưa đến 2 xe mỗi tháng thì không nói lên điều gì trong câu chuyện tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm mà chỉ là mục đích thương mại thuần túy. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không biết làm gì thì xoay sang làm ôtô. Hiện tượng này chứng tỏ thị trường đang phát triển quá manh mún”, ông Biên nói.

Trong số hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu ôtô hiện tại, ngoài khối doanh nghiệp nhập khẩu chính thức như BMW - Euro Auto, Audi - Liên Á Quốc tế, Hyundai Thành Công, Porsche… thì đại đa số các doanh nghiệp còn lại đều chỉ mua đứt bán đoạn, không áp dụng các chế độ sau bán hàng, không có hệ thống nhà xưởng dịch vụ cho công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Thậm chí không ít doanh nghiệp chỉ tranh thủ nhập khẩu xe về để bán trong một thời gian ngắn rồi xoay sang lĩnh vực kinh doanh khác.

Người đại diện Bộ Công Thương cho rằng, từ hiện trạng trên mà phải tiến tới giai đoạn có những nhà nhập khẩu, phân phối đồng thời cung cấp các chế độ bảo hành,  bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, không chỉ sản phẩm mà còn dịch vụ hậu mãi, nhất là những mặt hàng không chỉ liên quan đến chính người sử dụng mà còn liên quan đến những người tham gia giao thông.

(*): Các con số được Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cung cấp có thể chỉ tính đến mặt hàng ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tức đối tượng điều chỉnh trực tiếp tại Thông tư 20. Nếu tính tất cả các mặt hàng ôtô nguyên chiếc, lượng xe nhập khẩu mỗi năm cao hơn nhiều. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2010 lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đạt khoảng 53.000 xe, ước tính 5 tháng đầu năm 2011 lượng xe nhập khẩu đã đạt khoảng gần 30.000 xe.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.