Chuyện giá xe máy Honda: Các đại lý nói gì?

Th. Nhung Th. Vân
Các đại lý ủy nhiệm của Honda bắt đầu lên tiếng xung quanh câu chuyện giá xe máy của hãng bị bán cao hơn giá đề xuất
 Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để giá xe Lead và Air Blade trở về với giá gốc?
Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để giá xe Lead và Air Blade trở về với giá gốc?
Trong khi khách hàng và Công ty Honda Việt Nam vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong câu chuyện giá xe máy Honda Lead bị bán cao hơn giá đề xuất, các đại lý ủy nhiệm (HEAD) cũng bắt đầu lên tiếng.

Lãi + lỗ = hòa?

Tại website của Honda Việt Nam, giá bán lẻ đề xuất (đã bao gồm thuế VAT) của xe Air Blade là 28,5 triệu đồng/chiếc, nhưng hiện hầu hết các HEAD đều bán theo giá thấp nhất là 32 triệu đồng/chiếc. Xe Lead các màu đỏ, đen, trắng, bạc có giá đề xuất là 30,99 triệu đồng/chiếc nhưng giá bán thực tế là 34 triệu đồng/chiếc. Riêng xe Lead màu hồng, vàng, giá đang được bán là 36,5 triệu đồng.

Đại diện một số các HEAD Honda tại Hà Nội đều thừa nhận việc các khách hàng “kêu” giá xe Air Blade và Lead bị đội lên cao so với giá đề xuất là đúng. Tuy nhiên, theo các HEAD này, dù bán hai loại xe trên với giá cao, song họ lại phải bù lỗ vào việc phải bán đa số các mẫu xe khác với giá thấp hơn giá đề xuất.

Giám đốc Công ty V.T.A, một HEAD tại Hà Đông, tiết lộ đa số các mẫu xe khác như các phiên bản Wave Alpha, Super Dream hay thậm chí là Future Neo FI đều đang có mức giá bán thực tế thấp hơn giá đề xuất (tức giá họ phải trả cho nhà sản xuất).

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Làm kinh doanh, chúng tôi buộc phải xoay sở làm sao để có lãi chứ không thể làm không công. Trong khi các loại xe đã hoặc sắp bão hòa tại thị trường rất khó bán nên chúng tôi phải bán giá thấp thì giá các loại xe đắt khách buộc phải nâng lên để bù đắp cho nhau”, anh này nói.

Chưa kể, theo đại diện một HEAD tại Cầu Giấy, dù mức giá của Air Blade và Lead bị “đội” lên nhiều hơn hẳn so với mức “thụt” xuống của giá nhiều loại xe khác song lợi nhuận thu về của HEAD cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Bởi lẽ, trong khi các loại xe máy như Lead và Air Blade mỗi tháng các HEAD chỉ được nhận từ nhà sản xuất vài chục xe, thì lại phải nhận các loại xe khác với số lượng lớn hơn hẳn.

"Mua đứt bán đoạn"

Về mối quan hệ giữa HEAD và nhà sản xuất, đại diện các HEAD nói tuy treo biển là cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda uỷ nhiệm, nhưng quan hệ giữa cửa hàng và Honda Việt Nam là quan hệ khách hàng “mua đứt bán đoạn”.

"Trước khi nhận hàng chúng tôi đều phải chuyển đủ tiền về công ty. Ngoài ra, số lượng xe cho hàng tháng cửa hàng đều phải lên kế hoạch từ trước đó khá lâu để báo lên công ty. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng của công ty là bao nhiêu lại do công ty quyết định", đại diện một HEAD nói.

Một HEAD khác cũng tiết lộ, cơ chế giao xe của nhà sản xuất cũng tạo khó khăn cho đại lý.

"Ví dụ để được nhận khoảng 10 xe Air Blade hay Lead, chúng tôi phải nhận đến vài chục xe khác các loại. Vì vậy, phải đẩy giá xe Air Blade và Lead để bù đắp cho các loại xe khác. Nếu cửa hàng vào những tháng ế ẩm không duy trì được số xe như đã đăng ký thì các tháng tiếp theo công ty sẽ tự động cắt giảm số lượng xe cung cấp cho cửa hàng đó".

Vì vậy, hầu hết các cửa hàng đều phải có kế hoạch “bán cố” để vẫn có thể tiếp tục lấy về số lượng xe như đăng ký, nếu không vào những tháng cao điểm sẽ không thể có đủ xe để đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, các HEAD còn phải đầu tư nhiều vào cửa hàng để đảm bảo những yêu cầu của Honda Việt Nam đưa ra mà không hề có sự hỗ trợ nào từ phía công ty. Thậm chí tất cả đồ dùng, bảng hiệu đều phải mua từ hãng với giá cao hơn khá nhiều lần so với giá mua hay đặt làm theo kiểu dáng tương tự ở bên ngoài.

Làm sao để giá xe giảm?

Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để giá xe Lead và Air Blade trở về với giá gốc?

Theo các HEAD, trả lời cho câu hỏi này không hề khó. “Chỉ cần Honda Việt Nam tăng lượng cung đối với hai loại xe Lead và Air Blade ra thị trường, giá bán cũng sẽ ngay lập tức giảm xuống”, đại diện một HEAD khẳng định.

Ông Đặng Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, người tiêu dùng vẫn có sự lựa chọn đó là mua sản phẩm của hãng khác hoặc chờ thêm một thời gian nữa khi lượng cung tăng, giá bán giảm sẽ mua.

Tuy nhiên, theo phân tích của các HEAD, việc tăng nguồn cung đến mức lấp đầy được nhu cầu thị trường cũng là bài toán không hề đơn giản đối với nhà sản xuất.

Bởi lẽ, nếu đầu tư dây chuyền đạt công suất đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay thì nguồn vốn bỏ ra là quá lớn. Trong khi đó, “tuổi đời” trung bình đối với một mẫu xe cùng lắm cũng chỉ đến 8 năm, nên nếu khi đó mà chưa kịp khấu hao dây chuyền thì nhà sản xuất cầm chắc lỗ.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.