GM bán hai thương hiệu xe cho đối tác Canada

Mai Phương
GM tuyên bố sẽ bán lại hai thương hiệu xe tại châu Âu là Opel và Vauxhall cho hãng sản xuất phụ tùng Magna của Canada
Logo của Opel. Tại châu Âu, Opel sử dụng tổng số 54.500 công nhân, trong đó có 25.000 công nhân ở Đức, còn lại rải rác ở các nước Ba Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Anh.
Logo của Opel. Tại châu Âu, Opel sử dụng tổng số 54.500 công nhân, trong đó có 25.000 công nhân ở Đức, còn lại rải rác ở các nước Ba Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Anh.
Tập đoàn General Motors (GM) của Mỹ ngày 10/9 tuyên bố sẽ bán lại hai thương hiệu xe tại châu Âu là Opel và Vauxhall cho hãng sản xuất phụ tùng ôtô Magna của Canada.

Theo thỏa thuận trên, liên minh giữa Magna và Ngân hàng Sberbank của Nga - ngân hàng cấp vốn cho Magna trong vụ mua lại này - sẽ thâu tóm 55% cổ phần của Opel tại thị trường châu Âu, GM giữ lại 35% cổ phần, và 10% còn lại sẽ thuộc về công nhân làm việc trong Opel. Vauxhall là một bộ phận trong Opel.

Mức giá của thỏa thuận chưa được công bố, vì đây chưa phải là thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên.

Theo dự kiến ban đầu, toàn bộ hoạt động của Opel tại châu Âu, chủ yếu là tại Đức, sẽ được duy trì. Trong khi đó, số phận của các nhà máy thuộc thương hiệu Vauxhall đặt tại Anh - nơi có 5.500 công nhân đang làm việc - vẫn chưa được quyết định.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã tán thành thỏa thuận mua lại trên. Do các nhà máy của Opel tại Đức sử dụng một số lượng lao động lớn, việc giữ nguyên hoạt động của các nhà máy này sẽ tránh đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ngay trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc của Đức sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 này.

Tại châu Âu, Opel sử dụng tổng số 54.500 công nhân, trong đó có 25.000 công nhân ở Đức, còn lại rải rác ở các nước Ba Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Anh.

“Thỏa thuận giữa GM và Magna chính là những gì mà Chính phủ Đức muốn sẽ xảy ra”, bà Merkel phát biểu. Chính bà Merkel là người đi đầu trong những nỗ lực thúc đẩy GM bán lại Opel cho Magna.

Trước khi đạt được thỏa thuận này, Chính phủ Đức đã rót cho Opel nói riêng và ngành công nghiệp ôtô nước này nói chung những khoản cứu trợ không nhỏ để cứu vãn việc làm cho người dân. Riêng Opel đã được Chính phủ Đức cho vay số tiền 1,5 tỷ Euro. Với việc Magna sẽ mua lại Opel, Chính phủ Đức tiếp tục đứng ra cung cấp khoản bảo lãnh tiền vay trị giá 3 tỷ Euro cho tập đoàn của Canada này.

Theo bà Merkel, trong thời gian tới, Đức và các quốc gia khác nơi Opel có hoạt động sẽ tiến hành đàm phán về việc chia sẻ gánh nặng về chi phí tái cơ cấu cho thương hiệu xe này. Được biết, Magna và Sberbank sẽ đóng góp 500 triệu USD cho hoạt động tái cơ cấu của Opel.

Opel và Vauxhall là thương hiệu xe có doanh số lớn thứ tư tại châu Âu, sau Volkswagen, Ford và Renault.

(Theo AP, CNN, BBC)

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.