Gương hậu: Ngặt nỗi ngập ngừng

An Nhi
Ngành ôtô và người tiêu dùng ôtô luôn rơi vào trạng thái không biết đằng nào mà lần bởi sự ngập ngừng của chính sách
Tham gia giao thông hay làm bất cứ việc gì cũng cần sự quyết đoán.
Tham gia giao thông hay làm bất cứ việc gì cũng cần sự quyết đoán.
Nếu ai đó hỏi: Khi đi trên đường trong điều kiện giao thông bình thường thì sợ nhất điều gì? Tôi sẽ trả lời ngay rằng: Sợ nhất là sự ngập ngừng.

Lại hỏi: Tại sao sợ? Trả lời: Chẳng biết đằng nào mà lần.

Rõ là thế. Một buổi sáng đẹp trời, tâm hồn anh phơi phới, anh đến nhà bạn gái chơi, lòng nhủ thầm sẽ có một ngày thi vị đây. Rồi anh gặp một chị đi ngược chiều, hẳn là chị đang bâng khuâng mơ màng lắm, rồi khi chợt trông thấy anh, chị giật mình uốn bên nọ éo bên kia khiến anh cũng chẳng biết né bên nào. Thế rồi, “rầm”.

Bữa khác, anh hùng hục lao đi cho kịp cuộc họp. Bỗng dưng một bác đi bộ sang đường, đến giữa thì vì xe đông quá, bác không biết tránh xe nào thành thử cứ một bước tiến một bước lùi. “Rầm”, anh né sang phải lại “dính” luôn một chị né trái.

Tội nợ ở cái sự ngập ngừng. Cho nên, tham gia giao thông hay nhiều việc khác cũng cần sự quyết đoán.

Nhưng đấy xem ra cũng chỉ là vấn đề cá nhân, cùng lắm lôi kéo thêm vài người nữa. Ngập ngừng chính sách mới đáng lo, rất lo là đằng khác, vì nó liên quan đến đại chúng, gần như là theo hướng tiêu cực.

Quy định phạt lỗi xe không chính chủ chẳng hạn. Đành rằng có sự phân biệt khá rạch ròi giữa chính chủ với chính danh, nhưng vì chuyện phạt mà sau khi Nghị định 71 được ban hành, dư luận đâm ra nổi sóng.

Đúng là quy định đã có từ rất lâu, nhưng vì tuyên truyền yếu hoặc tuyên truyền chưa đúng kênh nên đa số nhân dân ít được tiếp cận hoặc hiểu chưa cặn kẽ chính sách. Vả lại, có lẽ vì mức phạt nhẹ nên lâu nay hiếm người bị phạt, hoặc người bị phạt thì xuề xoa coi như “muỗi đốt inox”. Đùng một cái, nghị định ban hành, mức phạt tăng cao ngất ngưởng, dân tình mới phát sốt lên.

Cũng đã ngót nghét một tháng thực thi và cũng chừng đó thời gian quy định ấy phải chịu điều tiếng. Thế rồi, đại diện ngành công an đã đăng đàn để nói rõ rằng sẽ chưa phạt lỗi điều khiển xe không chính chủ. Sau đó là biết bao nhiêu người vui mừng.

Một bữa, báo chí đăng tải có trường hợp một cảnh sát giao thông ở Thái Nguyên ghi lỗi xe không chính chủ lên giấy phạt người vi phạm giao thông. Ra là vẫn bị phạt. Quả là nửa mừng nửa lo.

Đến khi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chính thức thông báo sẽ chưa phạt lỗi xe không chính chủ để chờ thông tư hướng dẫn chi tiết thì sự vui mừng mới có cớ vững chắc. Vui không hẳn vì sẽ không bị phạt nữa, mà vui là chí ít cũng có thời gian để chuyển cái phương tiện mình đang đi thành chính chủ.

Nhưng đó là với những người có điều kiện chuyển đổi, còn biết bao nhiêu trường hợp không thể chuyển đổi được thì sao? Ví như xe đã chuyển nhượng qua dăm bảy đời chủ, không biết chủ ban đầu ở đâu, thậm chí chủ cũ đã qua đời…

Thế thì, điều người dân mong là chính sách phải rõ ràng, phạt hay không phạt, và nếu phạt thì phạt thế nào cho hợp lòng dân, cho hữu tình hữu lý. Hẳn có người lo nghĩ, biết đâu thông tư hướng dẫn lại mang tên “Nguyễn Y Vân” thì sao, ấy là xét về bản chất của quy định.

Xa hơn về trước còn một câu chuyện nữa xem chừng còn rùm beng hơn, cũng liên quan đến xe cộ, nhưng không phải chuyện bị phạt mà là chuyện bị thu.

Gần một năm về trước, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phương án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đề xuất này sau đó đã lập tức nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, từ các ngành đến các quan chức, chính khách và nhất là các tầng lớp nhân dân – đối tượng nằm trong diện bị thu phí. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình.

Sau đó, phương án thu phí được chỉ đạo phải nghiên cứu lại, xây dựng lại sao cho đúng, trúng và khả thi, nhất là phải hợp lòng dân. Nhưng để đáp ứng được các tiêu chí ấy xem ra rất khó. Và thế là, chuyện chưa thể thu phí được đề cập giúp người dân phần nào nguôi ngoai.

Song vấn đề lại chính ở sự ngập ngừng. Bởi chữ “chưa” khác hẳn nghĩa chữ “không”, chưa nghĩa là vẫn có thể thu. Như hồi đầu tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vẫn tỏ rõ quyết tâm theo đuổi chính sách này.

Thực tế cho thấy rằng, sau khi đề xuất thu phí được đưa ra, gần như ngay lập tức sức mua ôtô trên thị trường bị sụt giảm. Và đến khi người đứng đầu ngành giao thông vẫn tỏ rõ quyết tâm thu phí thì khả năng gượng dậy của thị trường càng trở nên vô vọng. Đã có lúc, câu chuyện thu phí bị coi là “tội đồ” khiến thị trường ôtô rơi vào bế tắc, suy sụp nghiêm trọng.

Tất nhiên lỗi không hoàn toàn bởi chuyện thuế, phí nhưng sức ảnh hưởng vẫn là rất lớn. Hệ lụy từ sự ngập ngừng của chính sách này là không nhỏ, nó khiến sức mua ôtô suy giảm mạnh, từ đó kéo theo khả năng thâm hụt nguồn thu ngân sách cao và đặc biệt là nó đẩy tâm lý người tiêu dùng vào trạng thái loạn định.

Kể ra, chỉ xung quanh loại hình ôtô, xe máy cũng có khối chuyện về sự ngập ngừng của chính sách. Chẳng hạn một số doanh nghiệp ôtô từng bị đề nghị truy thu thuế nhập khẩu linh kiện đến cả nghìn tỷ đồng rồi sau đó lại thôi; hay cách đây chưa lâu một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng lại lo sốt vó với đề xuất nới Thông tư 20 của ngành hải quan…

Sự thay đổi liên tục về chính sách đang bị xem như một trong những rào cản lớn khiến ngành công nghiệp ôtô Việt Nam không thể phát triển. Còn sự ngập ngừng về chính sách, có khi ý nghĩa còn thâm sâu hơn bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn đến từng người tiêu dùng.

* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần, “Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.