Gương hậu: Vui lúc chợ chiều

An Nhi
Chợ chiều, đâu cứ gì là phải đìu hiu.. Chợ chiều cũng có những góc nhộn nhịp, cũng có những lúc xôn xao
Xem ra thị trường ôtô còn đáng vui chán - Ảnh: Đức Thọ.
Xem ra thị trường ôtô còn đáng vui chán - Ảnh: Đức Thọ.
Chợ chiều, đâu cứ gì là phải đìu hiu, là phải “vắng ngắt, mênh mông” như thi sỹ Tú Yên cảm tác. Chợ chiều cũng có những góc nhộn nhịp, cũng có những lúc xôn xao.

Với thị trường ôtô, cảnh chợ chiều chẳng phải đã tràn sang ngót nghét cả năm nay rồi?! Kẻ bán thì than lỗ lãi, người mua thì ỏng eo đắt rẻ, kén chọn tay dùng. Không chèo kéo kiểu cá tôm, rau cỏ chợ vét cuối ngày. Ôtô nó khác, kích cầu cũng phải có tầm như chính bản thân thứ sản phẩm vẫn đang bị nhiều người coi là xa xỉ ấy.

Có kích cầu thì ít nhiều sức mua cũng sẽ phải tăng. Nhưng niềm vui ấm lại ấy không phải trọn vẹn, bởi kỳ thực các hãng xe đã bị đẩy vào tình thế buộc phải đánh đổi lợi nhuận để cứu doanh số, kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vậy cái góc nhộn nhịp, cái lúc xôn xao kia là thế nào?

Suy cho cùng, sự suy giảm, sự ảm đạm của thị trường ôtô cũng khởi nguồn từ bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Đến bà hàng mắm, đến chị hàng rau hay anh buôn gạo cũng rầu rầu vì ế ẩm thì nói gì đến mấy chàng, mấy nàng bán cái xe hơi trị giá hàng trăm, hàng nghìn triệu đồng.

Khi rảnh rỗi tôi hay ngồi nhâm nhi ly cà phê với một vị giám đốc chi nhánh của một hãng xe lớn tại Hà Nội. Thỉnh thoảng anh lại bảo, “tôi chẳng biết thị trường khó khăn đến cỡ nào, nhưng như công ty tôi, thấy bán vẫn khá (không hẳn tốt nhé). Khó khăn hầu như chỉ ở chỗ khách hàng chậm thanh toán hơn thôi, vì nó đang rơi vào vùng trũng của câu chuyện thanh khoản tại bất kỳ thị trường nào”.

Ngẫm nghĩ cũng thấy cách nhìn nhận của vị doanh nhân này chẳng phải kiểu “AQ chính truyện”. Vì rằng, so với các thị trường chứng khoán, ngân hàng hoặc thê thảm hơn là bất động sản, xem ra thị trường ôtô còn đáng vui chán.

Vài tháng qua, các con số thống kê cho thấy thị trường ôtô từ đầu năm đến nay đã và đang bị suy giảm đến trên dưới một nửa so với cùng kỳ. Song lại có những phân khúc giảm không đáng kể, hay đáng vui hơn là “yên vị”. Tỷ dụ như vừa rồi vài hãng xe hơi hạng sang cho biết là vẫn giữ được gần như nguyên xi mức doanh số của năm ngoái, có mẫu xe thậm chí khách mua vẫn phải xếp hàng mới có.

Dù vậy, nói gì thì nói, thực tế là thị trường đang rất khó khăn, ảm đạm khác nào phiên chợ cuối chiều. Sâu xa hơn, bên cạnh chuyện khó khăn vĩ mô nói chung, cảnh ảm đạm của thị trường ôtô cũng một phần nữa xuất phát từ mấy chính sách thuế, phí, dù là đang hay mới chỉ... muốn áp dụng.

Nhắc đến đây mới mơ hồ nhận ra vì sao lúc này nhiều hãng xe đang tỏ ra háo hức lắm. Mà háo hức vì sao nhỉ?

Có một hiện tượng tréo ngoe đang dần rõ hình hài. Ấy là chưa bao giờ thị trường ôtô, ngành công nghiệp ôtô lại khó khăn như năm nay nhưng đồng thời, đây cũng lại là năm mà triển lãm ôtô, ngày hội chung của các hãng xe, lại chuẩn bị diễn ra với quy mô lớn đến thế. 13 hãng xe tham dự và hầu hết trong số đều là các thương hiệu ôtô hàng đầu thế giới. Sự hồ hởi nữa còn xuất phát từ chuyện lần đầu tiên hai bên nội, ngoại chính thức chịu ngồi “chung chiếu”.

Chỉ cách đây ba ngày, trong cuộc họp báo giới thiệu sự kiện Vietnam Motor Show 2012, đại diện ban tổ chức và cũng đồng thời là lãnh đạo mấy hãng xe lớn thuộc cả khối sản xuất trong nước lẫn khối nhập khẩu, đã tỏ rõ sự vui mừng bởi cái tầm, bởi sự hoành tráng của kỳ triển sắp diễn ra, không còn thấy sự khó chịu khi đối mặt trước đây. Thậm chí các vị doanh nhân này còn úp mở về khả năng nhập cả hai bên nội, ngoại vào làm một.

Hiện thực ấy có phải ngẫu nhiên không? Hãy thử bạo miệng trả lời “không” xem sao. Từ hiện thực ấy, có thể mường tượng ra vài viễn cảnh.

Gần 20 năm tuổi đời, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn thế, chỉ đang chập chững tập đi, tập nói, tập làm. Cái sự nuôi mãi không lớn cũng có căn cơ của nó, mà lâu nay ai cũng thấy là vì bị chính sách bó lại và bản thân chính sách cũng đang phải chịu sự o ép bởi thực tế hiển hiện là bài toán giao thông nan giải. Trong khi đó, lộ trình cắt giảm thuế quan đang như nước lụt dâng nhanh buộc các hãng sản xuất phải tính “bài chuồn”. Nhưng thị trường Việt Nam vẫn còn đó tiềm năng rất lớn và nhìn ra xa, hình thức nhập khẩu mới được coi là thượng sách.

Vậy thì, xem ra các liên doanh, các nhà nhập khẩu bây giờ đang cùng chung chí hướng. Cho nên, họ vui vẻ ngồi lại với nhau âu cũng là lẽ thường.

Suy luận cho hết nhẽ, vẫn còn một ý niệm nữa về sự hồ hởi của các hãng ôtô khi dựng chung một kỳ triển lãm lớn. Chẳng phải vô tình mà năm nay ban tổ chức lại lựa chọn làm hội thảo với chuyên đề thuế, phí trong ngành ôtô. Khi những góp ý chính sách đưa ra lẻ tẻ thường bị rơi vào quên lãng thì với một tập thể lớn, tiếng nói của họ hẳn có trọng lượng hơn nhiều. Đó cũng chính là niềm tin, là kỳ vọng không hề nhỏ dù chỉ phát đi từ một thông điệp.

Thế mới nói, đâu cứ chợ chiều là phải vắng ngắt, mênh mông.

* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần,“Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.