16:37 11/08/2010

“Henry Ford” Trung Quốc và giấc mơ Volvo

An Huy

Li Shufu, chủ tịch hãng xe tư nhân lớn nhất Trung Quốc Geely, được mệnh danh là Henry Ford của nước này

Mặc dù là một trong những tỷ phú giàu có nhất ở Trung Quốc, ông Li ăn mặc khá giản dị và sống trong một căn hộ chung cư khiêm tốn tại Bắc Kinh.
Mặc dù là một trong những tỷ phú giàu có nhất ở Trung Quốc, ông Li ăn mặc khá giản dị và sống trong một căn hộ chung cư khiêm tốn tại Bắc Kinh.
Li Shufu, chủ tịch hãng xe tư nhân lớn nhất Trung Quốc Geely, được mệnh danh là Henry Ford của nước này. Tuần trước, Geely đã chính thức mua lại hãng xe Volvo của Thụy Điển, một bước tiến quan trọng trong mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế.

Theo tờ Economist, giữa ông Li và Henry Ford có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, có mối quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực cơ khí và kinh doanh thay vì cày bừa trên những thửa ruộng.

Tuy nhiên, khi có tuổi, Ford ngày càng khó tính và thậm chí còn có tư tưởng bài Do Thái, còn Li - năm nay ở tuổi 47 - có tính cách rất bình dị và dễ chịu.

Mặc dù là một trong những tỷ phú giàu có nhất ở Trung Quốc, ông Li ăn mặc khá giản dị và sống trong một căn hộ chung cư khiêm tốn tại Bắc Kinh. Khi nói chuyện, ông thường mỉm cười với người đối diện. “Điểm lạ” duy nhất mà người ta biết được ở Li là ông hay làm thơ. Trên website riêng, Li đã đăng 20 bài thơ do ông sáng tác. Một bài thơ của ông thậm chí đã được dệt chữ vào tấm thảm ở khu vực đón khách của tập đoàn Geely tại Hàng Châu.

Sự nghiệp của ông Li bắt đầu khi ông sử dụng số tiền thưởng của nhà trường trong lễ tốt nghiệp phổ thông để mua một chiếc xe đạp và một chiếc máy ảnh cũ để đi chụp ảnh cho du khách tới thăm quan cảnh đẹp trong vùng. Tới cuối thập niên 1980, với tấm bằng thạc sỹ về cơ khí trong tay, Li tham gia vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện lạnh. Năm 1994, ông bắt đầu sản xuất xe máy và đưa một doanh nghiệp quốc doanh phá sản trở thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc.

Năm 1997, ông chuyển hướng sang sản xuất xe hơi. Li cho hay, khi đó, ông đã nhận thấy Trung Quốc “đang bước vào một giai đoạn lịch sử” của tăng trưởng kinh tế và những cơ hội cho phép nhu cầu của các phương tiện giao thông giá bình dân tăng vọt.

Sau khởi đầu chậm chạp, Geely - có nghĩa là “may mắn” trong tiếng Quan thoại - đã có khả năng cạnh tranh với các liên doanh giữa Trung Quốc và các công ty phương Tây hiện đang giữ địa vị thống lĩnh tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới này. Số nhà sản xuất xe của Trung Quốc có được khả năng như thế là rất hiếm.

Với Geely, ông Li nuôi tham vọng rất lớn. Geely thường chiếm những gian hàng lớn nhất tại các triển lãm ôtô - xe máy của Trung Quốc, trưng bày cả các mẫu xe đang bán và các mẫu xe mô hình. Trong số đó phải kể tới chiếc Shanghai Englon GE, một mẫu xe “nhái” vào dạng đỉnh cao của chiếc Rolls-Royce Phantom.

Trong năm tới đây, ông Li dự kiến sẽ cho ra mắt 25 mẫu xe với 3 thương hiệu của Geely. Doanh số của Geely, hiện chủ yếu vẫn là xe nhỏ với giá rẻ, sẽ đạt 400.000 chiếc trong năm nay, trong đó 5% là xe xuất khẩu. Ở Cuba, xe Geely CK hiện là xe dành cho lực lượng cảnh sát. Ông Li đặt mục tiêu, đến năm 2015 sẽ sản xuất 2 triệu chiếc xe, một nửa cho xuất khẩu.

Tuần trước, ông Li đã thực hiện được một mục tiêu mà ông đã đặt ra từ lâu: hoàn tất thỏa thuận mua thương hiệu Volvo từ hãng Ford với giá 1,5 tỷ USD.

Thỏa thuận này cho thấy, Li là một người dám nghĩ dám làm và biết tranh thủ cơ hội. Do kẹt tiền, Ford đã phải bán đi nhiều thương hiệu cao cấp ở thị trường châu Âu và quyết tâm “cắt đuôi” Volvo. Năm ngoái lại là một năm đầy áp lực đối với các hãng xe lớn của thế giới, đến nỗi sự tồn tại của các tập đoàn này thậm chí là điều không chắc chắn. Bởi thế, không hãng lớn nào có tâm trạng để thực hiện những vụ thâu tóm nhiều rủi ro. Cơ hội đã đến với tỷ phú Li và ông đã không bỏ lỡ cơ hội đó.

Việc có được Volvo đã mở ra cho Geely cánh cửa bước vào thị trường quốc tế và một mức độ đáng tin cậy mà tự mình Geely khó có thể có được. Nhưng, đây cũng là một canh bạc lớn. Năm ngoái, Volvo đã lỗ 1,3 tỷ USD và chỉ bán được có 335.000 chiếc xe, giảm mạnh so với đỉnh cao 458.000 xe đạt được hồi năm 2007. Tuy vậy, doanh thu của Volvo vẫn lớn gấp 5 lần doanh thu của Geely.

Ông Li biết rằng, sở hữu một thương hiệu phương Tây cao cấp như Volvo là một bước tiến lớn cho Geely. Ông phát biểu: “Volvo là Volvo và Geely là Geely. Volvo là thương hiệu cao cấp còn Geely là một thương hiệu đại trà. Chúng tôi không muốn ghép hai thương hiệu này làm một, mà sẽ đem đến cho Volvo sự độc lập. Bằng cách để Volvo tự do, chúng tôi sẽ giúp thương hiệu này trở về với thời kỳ hoàng kim hồi thập niên 1960-1970”.

Sau khi mua được Volvo, Geely đã bổ nhiệm ông Stefan Jacoby, một người trước đây từng lãnh đạo hãng xe Volkswagen ở thị trường Bắc Mỹ, vào vị trí người đứng đầu thương hiệu này. Volvo sẽ tiếp tục đặt trụ sở ở Gothenberg, Thụy Điển. Hội đồng quản trị của Volvo sẽ trực tiếp đề ra chiến lược cho hãng.

Với 900 triệu USD vốn lưu động của Geely và cam kết sẽ xây dựng một nhà máy Volvo ở Trung Quốc, ông Li đặt mục tiêu nâng doanh số của thương hiệu này lên 600.000 chiếc xe vào năm 2015. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, Volvo cần phải nâng sức cạnh tranh với các thương hiệu cao cấp của Đức như Audi và BMW, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.

Ở Thụy Điển, đã có nhiều người tỏ ra lo ngại rằng, nếu mọi chuyện không diễn ra êm xuôi, ông Li có thể cắt giảm chi phí bằng cách tăng sản xuất xe Volvo tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, ông Li có thể sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ của Volvo để áp dụng cho những chiếc xe thuộc thương hiệu Geely.

Về phần mình, ông Li khẳng định, ông sẽ ủng hộ ban lãnh đạo của Volvo. Ông cho biết, ông hy vọng Geely sẽ học hỏi được nhiều ở kinh nghiệm toàn cầu và khả năng sáng tạo, nhất là trong vấn đề an toàn, của Volvo.

Các nhà đàm phán thương vụ Volvo của Ford tỏ ra tin tưởng vào những lời hứa của ông Li. Theo họ, Li “rất thẳng thắn. Khi ông ấy đã nhất trí điều gì thì chúng tôi không cần phải đề cập lại nữa”.