Ôtô nội tiếp tục “đổ đèo”

Đức Thọ
Mãi lực của các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục cuộc “đổ đèo” với tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm
Kể từ khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng trở lại, mãi lực của các loại xe du lịch nội cũng nhờ thế mà “dễ thở” hơn - Ảnh: Đức Thọ
Kể từ khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng trở lại, mãi lực của các loại xe du lịch nội cũng nhờ thế mà “dễ thở” hơn - Ảnh: Đức Thọ
Mãi lực của các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục cuộc “đổ đèo” với tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm.

Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô trong nước (VAMA) cho biết, tổng sản lượng bán hàng trong tháng 7/2008 của 16 thành viên hiệp hội tiếp tục giảm thêm 1.291 chiếc so với tháng trước đó, đạt 8.458 chiếc.

Sự sụt giảm diễn ra chủ yếu ở phân khúc xe tải và xe thương mại trong khi phân khúc xe du lịch tự phân hóa thành hai nhóm tăng và giảm khá cân bằng nhau.

Ở phân khúc xe du lịch, liên doanh Vidamco (GM-Daewoo) bị sụt giảm mạnh nhất khi “trôi” từ 1.009 chiếc của tháng 6 xuống 725 chiếc trong tháng 7. “Đóng góp” lớn nhất vào sự sụt giảm này chính là mẫu xe chủ lực Captiva khi chỉ đạt 119 chiếc, thấp hơn tháng trước 260 chiếc.

Kế tiếp là Mercedes-Benz giảm từ 232 chiếc xuống còn 177 chiếc, Mekong giảm từ 198 chiếc xuống còn 49 chiếc, Vinastar giảm từ 236 chiếc xuồng còn 176 chiếc và Honda giảm từ 790 chiếc xuống còn 746 chiếc.

Tại nhóm các hãng xe có sản lượng bán hàng tăng, Toyota xếp đầu tiên với 2.431 chiếc được bán ra, tăng 149 chiếc. Tiếp theo là sự đóng góp của Suzuki khi tăng từ 265 chiếc lên 282 chiếc, Ford tăng từ 446 chiếc lên 459 chiếc và Isuzu tăng từ 173 chiếc lên 304 chiếc. Riêng doanh số của Isuzu có sự tham gia của 4 mẫu xe tải thông dụng vừa ra mắt thị trường từ tháng 7 như NLR 3,4 tấn, NMR 4,6 tấn, NPR 7 tấn và NQR 8,8 tấn.

Ở phân khúc xe tải và xe thương mại, cái tên Trường Hải đã đóng góp nhiều nhất vào đà sụt giảm khi giảm đến 671 chiếc, đạt 1.008 chiếc. Tiếp theo là Vinamotor khi giảm từ 1.432 chiếc xuống còn 1.265 chiếc, Vinaxuki giảm từ 554 chiếc xuống còn 497 chiếc và Hino giảm từ 388 chiếc xuống còn 285 chiếc. Hai hãng xe khác là Samco và Vinacomin cũng bị sụt giảm song không có sự đóng góp đáng kể bởi sản lượng bán hàng thấp.

Vậy là mặc dù so với cùng kỳ năm 2007, sản lượng bán hàng của các nhà sản xuất ôtô trong nước ba tháng vừa qua vẫn đạt được mức tăng trưởng trên 30% song so với tháng liền kề trước đó lại có sự sụt giảm khá mạnh mẽ. Điều này cho thấy rõ sức tác động từ bối cảnh thị trường, từ các chính sách điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp lên mặt hàng ôtô và từ đặc thù của một số thị trường khác như vàng, chứng khoán, tiền tệ...

Đặc biệt khi so sánh giữa hai mảng thị trường xe du lịch với xe tải và xe thương mại sẽ nhận thấy rõ nhận định trên.

Trên thực tế những biến động của thị trường từ đầu năm 2007 đến nay phụ thuộc chủ yếu vào các loại xe tải và xe thương mại. Năm 2007, trong khi thị trường xe du lịch chịu sức ép lớn từ các loại xe nhập khẩu (do thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc được điều chỉnh giảm ba lần từ mức 90% xuống 60%) thì thị trường xe thương mại vẫn… thẳng tiến.

Bước sang năm 2008, kể từ khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng trở lại, mãi lực của các loại xe du lịch nội cũng nhờ thế mà “dễ thở” hơn. Vì vậy, biến động ở thị trường xe du lịch là không đáng kể.

Trong khi đó, khi thị trường cho vay mua xe thắt chặt, khi lạm phát tăng cao thì các loại xe thương mại, xe tải gặp khó khăn hơn cả. Hệ quả là trong ba tháng vừa qua, sự sụt giảm về sản lượng bán hàng của các nhà sản xuất ôtô trong nước chủ yếu do các loại xe tải, xe thương mại.

Đây cũng là cơ sở để một số ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, khi những khó khăn của nền kinh tế được tháo gỡ, thị trường cho vay mua xe (đặc biệt là tại các vùng nông thôn, các hộ nông dân) được nới lỏng… thì thị trường ôtô trong nước sẽ được "tiếp sức".

Tuy nhiên, riêng phân khúc xe du lịch có thể sẽ phải chịu cảnh ảm đạm kéo dài, bởi vẫn tiếp tục nằm trong nhóm mặt hàng bị hạn chế tiêu dùng. Đặc biệt, khi mức lệ phí trước bạ tăng lên 10-15% (hiện là 5%), sức mua đối với thị trường xe du lịch có lẽ sẽ còn khó khăn hơn.

Tin mới

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.
Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.