Ôtô trong nước cảm ơn... lãi suất!

An Nhi
Để thị trường thực sự phục hồi thì tự thân vận động là chưa đủ, các hãng ôtô vẫn đang tìm những điểm tựa bên ngoài
Khi kinh tế còn khó khăn thì quyết định mua xe của mỗi người tiêu dùng cùng lúc phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Khi kinh tế còn khó khăn thì quyết định mua xe của mỗi người tiêu dùng cùng lúc phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
“Chúng tôi hoan nghênh việc cắt giảm trần lãi suất huy động đối với tiền đồng kỳ hạn dưới 12 tháng được điều chỉnh về 9%, có hiệu lực vào ngày 11/6 vừa qua, của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ việc tiếp cận vốn vay, theo đó khách hàng kinh doanh tốt hoặc có tình hình tài chính lành mạnh có thể được vay với mức khoảng 12-13%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất đầu năm nay”.

Trích đoạn trên được lấy từ bức thư gửi giới truyền thông và các cơ quan hữu quan của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cách đây tròn một tuần lễ đã thể hiện khá rõ tâm thế trông chờ vào những điểm tựa bên ngoài của các hãng xe trong nước.

“Chống gậy” chính sách

Tháng 5/2012, tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường bao gồm cả xe nhập khẩu nguyên chiếc lẫn xe sản xuất trong nước đạt con số 6.870 chiếc, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2% so với tháng liền trước.

Thống kê này của VAMA cho thấy, loạt giải pháp kích cầu được các hãng ôtô đua nhau tung ra từ đầu năm đến nay đã phát huy tác dụng song cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ kìm hãm đà sụt giảm. Còn để thị trường thực sự phục hồi trở lại thì tự thân vận động là chưa đủ, mà theo các hãng ôtô, vẫn phụ thuộc rất lớn vào chính những tác động khách quan khiến sức mua giảm sút thê thảm thời gian qua.

Liên tiếp trong hai bộ báo cáo bán hàng gần đây, VAMA đã “than vãn” về tình cảnh bi đát của mình đồng thời cảnh báo về những hệ quả mà thực trạng đó có thể gây ra.

Đó là việc sản lượng bán hàng liên tục tụt dốc mạnh khiến thất thu thuế từ ôtô rất lớn (khoảng 6.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm), lượng tồn kho cao nhất từ trước tới nay, nhiều doanh nghiệp phải cho ngừng hoạt động nhà máy cục bộ cùng với việc cả một hệ thống dịch vụ ôtô trên toàn quốc bị đình trệ hoạt động và thua lỗ dẫn đến nguy cơ hàng nghìn lao động kỹ thuật cao bị đẩy ra đường.

Đáng chú ý, cơ quan đại diện khối doanh nghiệp sản xuất ôtô tại Việt Nam đã quả quyết “lỗi lớn” khiến ngành ôtô bị rơi vào khó khăn là do các chính sách thuế, phí thời gian qua.

Trong một cuộc họp lãnh đạo có sự chứng kiến của giới truyền thông diễn ra mới đây, ông ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA đã liên tục khẳng định chính quyết định tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi loại mới lên mức 15% tại Tp.HCM và 20% tại Hà Nội đã đẩy thị trường ôtô vào thế khó.

Chưa hết, các kế hoạch và đề xuất thu phí sử dụng đường bộ (hay còn gọi là phí bảo trì đường bộ), phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân càng như dầu đổ vào lửa lớn, gây ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực ở người tiêu dùng qua đó khiến sức mua càng trở nên ảm đạm.

Vì vậy, thời gian này VAMA đã nhiều lần nhắc đến đề xuất giảm lệ phí trước bạ xuống mức hợp lý là 5% đối với xe chở người, 2% đối với xe tải và áp dụng đồng đều trên cả nước. Đồng thời, các cơ quan hữu trách cũng cần tuyên bố ngay việc hủy bỏ đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

“Cứu cánh” lãi suất

Quay lại với việc VAMA cảm ơn... lãi suất nói trên, thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp ôtô xem câu chuyện lãi suất ngân hàng như một “cứu cánh” trong bối cảnh thị trường ảm đạm cũng là lẽ dễ hiểu.

Trước đó, từ tháng 4/2012, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu “cởi trói” cho tín dụng tiêu dùng, trong đó có cho vay mua ôtô, khỏi “rổ” tín dụng không khuyến khích với giới hạn 16% tổng dư nợ; các ngân hàng bắt đầu nối lại cho vay tiêu dùng. Chính sách đã mở, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện là hai điều kiện tiên quyết để các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh cho vay loại này, trong đó có cho vay mua ôtô.

Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay mua ôtô, có tỷ lệ lãi biên thường cao nhất, có khả năng tạo lợi nhuận cao hơn các khoản cho vay thông thường. Đây cũng là động lực để các ngân hàng thúc đẩy cho vay dạng này.

Theo tìm hiểu, hiện lãi suất cho vay mua ôtô đang phổ biến ở mức 16-18%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất ở khoảng 20-25%/năm thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay. Đây được xem là mức lãi suất “chấp nhận được”. Cá biệt, một số ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất chỉ vào khoảng 14% - 15%/năm, thậm chí mới đây VPBank còn công bố giảm lãi suất xuống 12%/năm đối với các khoản vay mua ôtô.

Chưa kể, còn phải kể đến mặt bằng lãi suất thấp hơn rất nhiều khi khách hàng vay mua xe theo từng chương trình hợp tác giữa các ngân hàng với nhà sản xuất, phân phối ôtô.

Chẳng hạn, mọi khách hàng cá nhân mua ôtô do Trường Hải cung cấp có thể vay từ Vietcombank với mức lãi suất ưu đãi 14,8%/năm; từ 18/6, VIB áp dụng lãi suất giảm 2,5%/năm trong 6 tháng đầu đối với khách hàng mua xe BMW của Euro Auto...

Tuy nhiên, theo đánh giá thì sức tác động của lãi suất cho vay mua ôtô thực tế chưa có tác động đủ mạnh để giúp thị trường ôtô khởi sắc thật sự. Bởi lẽ, khi kinh tế còn khó khăn thì quyết định mua xe của mỗi người tiêu dùng cùng lúc phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Và khi các mức lãi suất thấp kể trên chỉ áp dụng cho giai đoạn 6 tháng đến 1 năm đầu, sau đó sẽ điều chỉnh tùy theo từng ngân hàng, là chưa đủ sức thuyết phục.

Nhưng cũng cần thấy rằng, khi “hoan hô” lãi suất, các doanh nghiệp ôtô không chỉ trông chờ vào các khoản vay này mà xa hơn, là lãi suất giảm sẽ giúp các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay, qua đó phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ở các thị trường bất động sản, chứng khoán...

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.