“Thị trường ôtô 2008 có thể sẽ đảo ngược”

Đức Thọ
Đó là nhận định của ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Euro Auto về tương lai thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian tới
"Nếu theo dõi kỹ chúng ta sẽ thấy trong 10 năm qua có một quy luật là cứ 1 năm phát triển thì một năm sụt giảm."
"Nếu theo dõi kỹ chúng ta sẽ thấy trong 10 năm qua có một quy luật là cứ 1 năm phát triển thì một năm sụt giảm."
Đó là nhận định của ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Âu Châu (Euro Auto) về tương lai thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng theo ông An, thị trường ôtô Việt Nam vẫn còn khoảng 3 tháng thật sự sôi động trước khi bước vào giai đoạn được nhận định có thể sẽ không mấy tươi sáng đó.

Cụ thể trong 2 tháng cuối năm 2007 và tháng 1/2008 mặc dù thị trường không có sự đột biến song sẽ vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở mảng thị trường xe nhập khẩu.

“Theo quy luật thị trường, lượng xe bán ra trong quý cuối năm sẽ cao gấp đôi mức trung bình của 3 quý đầu năm. Sở dĩ không có sự đột biến cuối năm vì hiện đa số các nhà sản xuất trong nước thuộc VAMA đều đang trong tình trạng chờ, thiếu xe giao cho khách hàng. Khi xe trong nước thiếu thì khách hàng sẽ chuyển sang mua xe nhập khẩu nhiều hơn.”, ông An cho biết.

Tìm hiểu của VnEconomy cũng cho thấy, hiện tại tổng lượng xe các hãng ôtô trong nước còn “nợ” khách hàng vẫn đang ở mức trên dưới 10.000 chiếc. Bên cạnh đó, sau ngày 16/11, tức thời điểm quyết định giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc lần thứ hai trong nửa sau năm 2007 chính thức có hiệu lực, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đang liên tục về nước.

Vì sao ông lại cho rằng thị trường ôtô năm 2008 sẽ khó khăn?

Nếu theo dõi kỹ chúng ta sẽ thấy trong 10 năm qua có một quy luật là cứ 1 năm phát triển thì một năm sụt giảm. Ở đây không nói tụt hẳn mà nói đến sự mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra.

Ví dụ năm 2006 đầu vào rất dồi dào, lượng xe trong kho bãi của nhiều hãng thậm chí nhiều đến mức không nhớ được số lượng xe. Khi đó bán được 1 chiếc xe thực sự là một tin vui. Do đó mọi người đã không dám kỳ vọng vào năm 2007.

Trong khi đó năm 2007 kinh tế nói chung tăng trưởng rất mạnh cộng với sự e dè từ năm trước nên đã dẫn đến tình trạng cung ít cầu nhiều. Năm nay tất cả các hãng ôtô đều đạt chỉ tiêu, hứa hẹn sang năm rất tươi đẹp nên đa số các hãng đều đặt kế hoạch cho sang năm với con số lớn. Vấn đề là thị trường có lớn như vậy hay không. Về thị trường thì có thể bằng hoặc nhỉnh hơn năm 2007 một chút nhưng yếu tố cạnh tranh lại rất khốc liệt vì mọi nhà sản xuất đều đã đặt chỉ tiêu lớn.

Vì vậy, cán cân cung cầu trên thị trường ôtô nhiều khả năng sẽ trái ngược so với năm nay và khách hàng sẽ là… thượng đế nhiều hơn.

Xuất phát từ nguồn nào để ông cho rằng nhiều hãng xe sẽ đặt chỉ tiêu, kế hoạch cho năm 2008 cao?

Đó là chỉ là dự đoán của cá nhân tôi. 

Nhưng có thể các hãng xe cũng đã rút kinh nghiệm để tránh tình trạng đó?

Tất nhiên các hãng sẽ không đặt chỉ tiêu quá nhiều. Nhưng tôi ví dụ nửa đầu năm 2006 lượng xe bán ra rất yếu mà hệ quả là do cuối năm 2005 để lại; và những xe của 2006 gần như chỉ bán trong nửa năm dẫn đến việc mọi người rất bi quan khi đặt hàng cho năm 2007. Lượng linh kiện nhập khẩu nửa đầu năm 2007 cũng rất hạn chế và việc bán xe trong thời gian này cũng chủ yếu là xe của năm 2006.

Trong khi đó đối với các hãng xe trong nước thì thời gian từ khi đặt hàng đến khi xe xuất xưởng cũng phải mất 5-6 tháng. Như vậy muốn tăng công suất thì tối thiểu cũng mất 6 tháng.

Chẳng hạn, trong vài ba tháng gần đây các hãng tăng công suất và dù có được sự hậu thuẫn từ các tập đoàn mẹ thì cũng mất chừng ấy thời gian. Quyết định tăng công suất của hãng xe hồi giữa năm thì kết quả sẽ dành cho tháng 12/2007 và tháng 1/2008.

Theo ông, chưa nói đến chỉ tiêu các hãng đặt ra, nhu cầu thị trường năm sau có tăng lên không?

Nhìn chung sẽ tăng lên khoảng 10-20% nếu không có những chính sách đặc biệt đối với ngành ôtô. Vì nếu chúng ta quan tâm và theo dõi sát sao có thể thấy trong vài năm trở lại đây, mỗi quyết định chính sách đều ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ôtô.

Ông hãy thử so sánh tỷ trọng giữa thị trường xe nhập khẩu và xe sản xuất – lắp ráp trong nước năm 2008?

Theo tôi, thị trường xe nhập khẩu sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Và các loại xe BMW do Euro Auto phân phối cũng sẽ bán được nhiều hơn?

Hy vọng thế.

Hiện tại tỷ trọng giữa xe nhập khẩu và xe nội địa trên thị trường như thế nào?

Thực ra chưa có ai thống kê và công bố số liệu về xe nhập khẩu nên khó có thể tính toán được tỷ lệ.

Theo ông, phân khúc xe nào sẽ nổi bật trong thời gian tới?

Tôi nghĩ là là xe pick-up sẽ bán được nhiều. Những năm trước thì xe sedan, xe đa dụng bán được nhiều. Xe pick-up vốn rất tiện dụng trong khi giá lại rẻ. Nếu các hãng xe đưa về xe pick-up chất lượng tốt mà giá chỉ trên dưới 15.000 USD/chiếc thì rất có thể sẽ tạo cơn sốt.

Sau những điều chỉnh về thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc (mới) và xe đã qua sử dụng thời gian vừa qua, ông có đánh giá thế nào vể hướng chính sách thuế thời gian tới?

Tôi nghĩ Bộ Tài chính sẽ khó giảm thêm thuế nhập khẩu vì hiện nay chúng ta đã đi nhanh hơn lộ trình cam kết gia nhập WTO rồi. Còn thuế nhập khẩu linh kiện hiện cũng đã thấp, nên nếu giảm thì không biết giảm ở mức bao nhiêu.

Tôi nghĩ với xe lắp ráp trong nước thì thuế nhập khẩu linh kiện không đóng vai trò chính mà quan trọng là vấn đề khấu hao thiết bị, công nghệ, mà điều đó lại ở quy mô sản xuất, quy mô thị trường. Ví dụ 1 bộ linh kiện giá 10.000 USD, thuế nhập khẩu linh kiện là 25% thì giá sẽ lên 12.500 USD, nếu giảm đi 10% thì giá sẽ là 11.500 USD. Như vậy thực chất mức chênh lệch không nhiều.

Vấn đề ở chỗ muốn sản xuất có giá thành tốt thì phải có số lượng. Mà muốn có số lượng nhiều thì thị trường phải lớn, và nó lại liên quan đến một loạt các vấn đề khác như hạ tầng giao thông, quản lý giao thông, thuế và các loại phí sử dụng ôtô…

Hiện ôtô vẫn được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, ông nghĩ thế nào?

Theo tôi, đến nay không nên coi ôtô là mặt hàng xa xỉ phẩm. Bởi lẽ, hiện nay người dân đã có thể đủ sức tài chính để mua và sử dụng, hơn nữa ôtô đã là loại phương tiện rất gần gũi, sử dụng ôtô đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, coi đó là nhu cầu của cuộc sống và nhu cầu phát triển xã hội. Chẳng hạn các đô thị lớn muốn mở rộng và khi đó khoảng cách sẽ xa hơn đòi hỏi phương tiện giao thông phải nhiều và tốt. Vì vậy, nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Khi giá xe đã giảm xuống thậm chí chỉ bằng ½ hiện nay thì thị trường ôtô Việt Nam sẽ rất phát triển và có thể là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vấn đề đặt ra là nhiều ôtô quá thì giao thông thế nào.

Tôi thấy ở các nước, mua chiếc xe không đắt nhưng chi phí sử dụng lại cao hơn Việt Nam rất nhiều. Ở Việt Nam thì ngược lại, mua xe đắt nhưng chi phí sử dụng lại rất thấp. Có lẽ để sử dụng 1 chiếc xe, người sở hữu chỉ phải trả khoảng trên 300.000 đồng/tháng tiền phí giao thông. Giá nhiên liệu cũng ở mức thấp trên thế giới (trong khu vực chỉ cao hơn Malaysia).

Vì vậy, chúng ta có thể phát triển theo hướng (giống như các nước) khi tăng lượng xe lưu hành đồng thời tăng phí sử dụng và tôi nghĩ đây cũng sẽ là nguồn thu ngân sách lớn thậm chí hơn nhiều so với thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, khi ấy các nhà đầu tư sẽ rất quan tâm phát triển hạ tầng vì muốn thu hồi vốn họ nhìn vào ôtô chứ không nhìn vào xe gắn máy.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.