Thị trường ôtô: Khó, vẫn lập đỉnh mới!

Đức Thọ
Tổng lượng bán hàng của 16 thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) năm 2009 đã lập đỉnh mới, với 119.460 xe
Thị trường ôtô trong nước năm 2009 tăng trưởng mạnh một phần quan trọng nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ - Ảnh: Đức Thọ.
Thị trường ôtô trong nước năm 2009 tăng trưởng mạnh một phần quan trọng nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ - Ảnh: Đức Thọ.
Tổng lượng bán hàng của 16 thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) năm 2009 đã lập đỉnh mới, với 119.460 xe.

Điều mà trước khi bước vào năm 2009 ít ai có thể ngờ tới là các hãng ôtô trong nước lại đạt được thành công đáng kể như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Vượt dốc

Đầu năm, các nhà sản xuất ôtô đã ngồi lại với nhau và thống nhất đặt ra điểm mốc doanh số 110.000 xe để phấn đấu hoàn thành trong năm 2009. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải nỗ lực toàn diện để vượt qua giai đoạn suy giảm thì đây là một mục tiêu không dễ hoàn thành đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Thực tế là trong nửa đầu năm 2009, các doanh nghiệp ôtô luôn phải loay hoay với các giải pháp mang tính ngắn hạn nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và thị trường luôn chìm trong không khí ảm đạm.

Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm, doanh số của các nhà sản xuất ôtô bắt đầu vượt lên mạnh mẽ, doanh số từng tháng liên tiếp lập kỷ lục.

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 6 doanh số của các thành viên VAMA lần lượt vượt lên với những con số ấn tượng, từ 9.699 chiếc trong tháng 6 lên 10.389 chiếc trong tháng 7, tiếp theo đó là 10.555 chiếc, 11.071 chiếc, 11.762 chiếc và 12.259 chiếc cho các tháng 8, 9, 10 và 11.

Riêng tháng cuối năm 2009, tổng doanh số của các thành viên VAMA thậm chí đã đạt mức tăng trưởng rất mạnh mẽ với 15.065 chiếc, tăng hơn 2.800 chiếc so với tháng 11.

Theo thống kê của VAMA, trong năm 2009, hãng xe đạt doanh số cao nhất là Toyota với 30.110 chiếc, chiếm đến 25,2% thị phần; đứng thứ hai là Trường Hải với 21.617 chiếc, chiếm 18,1% thị phần; tiếp theo là Vinamotor với 15.284 chiếc, chiếm 12,8% thị phần; và GM Daewoo (Vidamco) với 14.200 chiếc, chiếm 11,9% thị phần. Còn lại, có 8 hãng xe đạt tổng doanh số năm từ trên 2.000 chiếc đến trên 8.000 chiếc và 4 hãng xe đạt dưới 1.000 chiếc.

Như vậy, so với năm 2008, tổng doanh số của các thành viên VAMA đã tăng 7%, trong đó phân khúc xe du lịch tăng 47%, dòng xe 2 cầu/xe đa dụng tăng 3%, riêng phân khúc xe thương mại giảm 7%.

So sánh doanh số ôtô trong nước 4 tháng cuối năm 2009

Tháng 12 Tháng 11Tháng 10Tháng 9
Xe du lịch5.138 4.4863.866 3.498
Xe đa dụng MPV1.672 1.1681.115 971
Xe việt dã SUV2.017 1.6511.502 1.472
Xe minibus, bus1.166 1.073844 784
Xe tải, pick-up, van và xe khác5.071 3.8814.435 4.346
Tổng cộng15.06512.25911.762 11.071
Nguồn: VAMA

Cú hích ưu đãi

Rõ ràng để đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ như vậy trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức mua của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế là bắt nguồn từ những nỗ lực của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ được Chính phủ thực hiện mới là cú hích quan trọng nhất góp phần tạo nên bước tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ôtô trong nước năm vừa qua.

Nhìn lại diễn trình phát triển của thị trường ôtô trong nước 2009 có thể thấy rất rõ tác động từ chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA luôn đạt ở mức thấp, chỉ dao động xung quanh ngưỡng 8.000 chiếc. Thậm chí ngay trong tháng đầu năm, doanh số của VAMA chỉ đạt vẻn vẹn 3.852 chiếc, mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Trước tình hình đó, từ tháng 2/2009 thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhiều mặt hàng, trong đó có ôtô, đã được điều chỉnh giảm xuống một nửa còn 5%. Mặc dù vậy, thị trường ôtô trong nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Phải bắt đầu từ tháng 5, khi lệ phí trước bạ cũng được giảm một nửa còn 5% (tại Hà Nội là 6%), thị trường mới bắt đầu ấm trở lại để chuẩn bị cho giai đoạn bứt tốc cuối năm.

Có lẽ cũng chính vì vai trò quan trọng của chính sách ưu đãi này mà trong năm qua, VAMA đã nhiều lần đề xuất lên Chính phủ kéo dài thời gian ưu đãi chứ không kết thúc theo đúng lộ trình là 31/12/2009.

Một khía cạnh khác, sở dĩ thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ có thể khiến số tiền người dân chi ra để mua xe tăng hoặc giảm đến trên dưới 10% nên trước khi giai đoạn ưu đãi kết thúc, sức mua ôtô đã tăng vọt. Và có lẽ, nếu nhiều hãng xe không bị rơi vào tình trạng “cháy hàng” thì “phong trào” mua xe chạy thuế của người dân còn giúp đẩy tổng doanh số của VAMA lên cao hơn thực tế rất nhiều.

Đến thời điểm này, chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ đối với ôtô đã hết hiệu lực. Vì vậy, giới phân tích dự báo thị trường ôtô trong nước tháng 1/2010 có thể sẽ vẫn tăng do nhu cầu mua xe trước Tết nguyên đán của người dân luôn rất lớn nhưng mức tăng sẽ không mạnh. Đồng thời, nhiều khả năng hai tháng tiếp sau đó, doanh số các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chững hẳn lại, thậm chí sụt giảm.

Thống kê sản lượng bán hàng của VAMA 3 năm gần đây

Sản lượng (chiếc)So năm trước (%)
Năm 2009 119.460 7%
Năm 2008 111.946 37%
Năm 2007 80.392 97%
Nguồn: VAMA

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.