11:33 02/03/2011

Thị trường ôtô Trung Quốc đã hình thành bong bóng?

Hồng Ngọc

Nhiều người tỏ ra lo lắng rằng, Trung Quốc có thể sớm phải chịu đựng tình trạng thừa năng suất như ở Mỹ và châu Âu

Trung Quốc là động lực phát triển các dòng xe điện.
Trung Quốc là động lực phát triển các dòng xe điện.
Tuần trước, Giám đốc điều hành hãng xe Volvo của Thụy Điển, Stefan Jacoby, đã tới Trung Quốc để công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở nước này, với hy vọng sẽ bán được khoảng 200.000 chiếc xe vào năm 2015, một mục tiêu đầy tham vọng so với doanh số toàn cầu năm 2010 của hàng này là 374.000 xe.

Theo tờ Wall Street Journal, Volvo đang hy vọng sẽ trở thành một thương hiệu xe hạng sang trên toàn cầu và biến Trung Quốc thành cơ sở sản xuất chính của hãng, khi quyết định sẽ đầu tư 10 đến 11 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Ông Jacoby cho biết, Volvo, thương hiệu đã bị hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc Geely mua lại hồi năm ngoái với giá 1,5 tỷ USD, có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp mới ở thành phố Thành Đô, miền tây nam của Trung Quốc trong bối cảnh hãng này đang mở rộng hoạt động của mình tại đây.

Phát biểu trước cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào chiều 25/2, ông Jacoby cho hay: “Chúng tôi đang ở giữa quá trình quá độ quan trọng - một sự chuyển mình lớn. Chúng tôi đang định vị lại thương hiệu”.

Volvo dự kiến sẽ xuất xưởng những chiếc xe đầu tiên tại nhà máy lắp ráp ở Thành Đô vào đầu năm 2013. Nhà máy này sẽ có công suất ban đầu là 125.000 chiếc/năm. Theo Jacoby, Volvo cũng đang cân nhắc việc xuất khẩu những chiếc xe được sản xuất ở Trung Quốc này, sang phần còn lại của châu Á cũng như Bắc và Nam Mỹ.

Những kế hoạch của Volvo là một bước đi hợp lý. Tuy nhiên, chúng cũng chỉ là một phần của trào lưu chạy xô vào thị trường Trung Quốc của các hãng xe quốc tế. Hiện, doanh số xe hơi của tập đoàn General Motors tại thị trường Trung Quốc còn cao hơn so với ở Mỹ.

Đổ xô vào thị trường Trung Quốc

Nỗ lực của Volvo và những công ty như Daimler của Đức, hãng vừa mới cho biết sẽ xây dựng một nhà máy động cơ Mercedes ở Trung Quốc và mở rộng mạng lưới đại lý tại đây, đang làm tăng thêm những quan ngại rằng, các hãng xe đang đầu tư quá nhiều vào quốc gia này, tạo nên bong bóng trong ngành ôtô và tự đẩy họ tới sự sụp đổ bất thình lình.

Khi giám đốc điều hành các hãng ôtô kéo về Geneva tham dự cuộc triển lãm hàng năm ở thành phố này, đã có nhiều người tỏ ra lo lắng rằng Trung Quốc có thể sớm phải chịu đựng tình trạng thừa năng suất như ở Mỹ và châu Âu. Khoảng một nửa số giám đốc điều hành tham dự cuộc điều tra của hãng KPMG công bố hồi tháng 1 tin rằng, Trung Quốc sẽ có quá nhiều nhà máy ôtô trong vòng 5 năm tới.

"Ngành công nghiệp này có thể phải tự chuẩn bị cho một vài tình huống bất thường", các chuyên gia phân tích của KPMG viết. Tuy nhiên, hiện tại, khó có thể tìm thấy một giám đốc điều hành hãng xe nào không tỏ ra lạc quan về Trung Quốc, hay các thị trường mới nổi khác như Brazil, Nga và Ấn Độ, các nước còn lại trong nhóm BRIC.

Trung Quốc "là một cơ hội lớn tại một thị trường lớn nhất thế giới", ông Jacoby nói. Tuyên bố này của Giám đốc điều hành Volvo có thể cũng là lời của nhiều hãng xe đối thủ khác.

Đầu tháng 2 này, ông Dieter Zetsche, giám đốc điều hành hãng Daimler, đã từng phát biểu tại trụ sở của công ty ở Stuttgart: "Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục đưa ra tỷ lệ tăng trưởng cao ở các nước BRIC, đó là lý do chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý tới các thị trường này trong năm 2011".

Tháng 10 năm ngoái, Daimler tuyên bố có kế hoạch đến năm 2015 sẽ đầu tư 3 triệu Euro (4,2 triệu USD) vào Trung Quốc để tăng cường khả năng sản xuất xe mang thương hiệu Mercedez-Benz ở thị trường xe hơi lớn nhất thế giới này. Ông Zetsche còn cho biết, hãng cũng đặt mục tiêu tăng doanh số ở Trung Quốc lên 300.000 chiếc/năm trong 5 năm tới so với con số dự tính 120.000 chiếc trong năm 2010.

Ông Zetsche cho hay, trong năm 2010, hãng đưa ra mục tiêu ban đầu bán được 100.000 chiếc xe, nhưng mốc này đã hoàn thành ngay trong ba quý đầu năm, vì thế mục tiêu đạt 300.000 chiếc vào năm 2015 trở nên thực tế hơn rất nhiều. Ngoài ra, ông còn tỏ ý hy vọng, ít nhất 70% trong số 300.000 chiếc xe này sẽ được sản xuất ở Trung Quốc, so với khoảng 30% như hiện nay.

Zetsche tuyên bố, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng đầu của Daimler đối với xe Mercedes-Benz trong khoảng thời gian từ năm 2014-2016, vượt qua cả thị trường Đức và Mỹ.

Nhu cầu đang tăng mạnh từ Trung Quốc đã đóng vai trò quyết định đối với Daimler, BMW và Volkswagen trong suốt giai đoạn suy thoái năm 2009, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm doanh số ở châu Âu và Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đang giúp đỡ các công ty Đức đạt lợi nhuận kỷ lục và là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Volkswagen, hãng sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu, tuần trước đã công bố lợi nhuận năm 2010 tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước, lên 7,1 tỷ Euro (khoảng 9,8 tỷ USD). Tuy hãng không công bố lợi nhuận theo từng quốc gia, nhưng Trung Quốc hiện đã là thị trường lớn nhất của Volkswagen, nên rất có khả năng doanh số tại đây chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Ôtô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước Đức, và sự thành công của ngành công nghiệp ở quốc gia này đã lan tỏa khắp châu Âu. Mức tăng trưởng GDP 4% của Đức hồi năm ngoái đã giúp đối trọng với tình trạng tăng trưởng trì trệ ở các quốc gia như Tây Ban Nha và Italy.

Dư thừa và tăng trưởng chậm

Các chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp này đồng ý rằng, tốc độ tăng trưởng doanh số ôtô của Trung Quốc sẽ chậm lại là điều không thể tránh khỏi.

"Rất khó để tiếp tục duy trì các mức tăng trưởng cao", ông Marius Baader, trưởng nhóm dự báo thuộc Hiệp hội công nghiệp ôtô Đức, nói. Tổ chức này dự kiến, doanh số xe mới tại Trung Quốc trong năm 2011 sẽ tăng trưởng 11% lên 12,5 triệu chiếc, sau khi đã nhảy vọt 34% trong năm 2010. Nhưng theo ông Baader, "11% vẫn là quá tốt".

Thêm vào đó, ùn tắc giao thông và những lo ngại về ô nhiễm môi trường cũng đang thúc đẩy các nhà chức trách Trung Quốc ngừng khuyến khích việc sở hữu xe hơi, thông qua các biện pháp như hạn chế đăng ký mới ở một số thành phố hay dừng những hoạt động khuyến mãi.

Dẫu vậy, tỷ lệ người sở hữu ôtô ở Trung Quốc vẫn là hơn 40/1, so với tỷ lệ 2/1 ở Đức. "Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đủ điều kiện tậu xe hơi", ông Baader cho hay, "tiềm năng này rất lớn, thậm chí khi tăng trưởng biến động từ năm này sang năm khác".

Vấn đề là tất cả các nhà sản xuất xe hơi lớn đang tiến theo cùng một lối suy nghĩ. Cho dù giám đốc điều hành các hãng xe nhận thức được là họ có thể bị mắc kẹt với những nhà máy chạy không đủ công suất, nhưng họ vẫn tin rằng phải đầu tư vào Trung Quốc, nếu không muốn bị tuột lại phía sau.

Tháng 11 năm ngoái, hãng tư vấn Bain & Co từng cảnh báo, các nhà máy ở Trung Quốc có thể đạt sản lượng 40 triệu xe vào năm 2015, cao hơn khả năng tiêu thụ của thị trường tới 35%, thậm chí đã bao gồm cả việc xuất khẩu. Chi phí cho phần công suất dư thừa này có thể tác động xấu tới lợi nhuận và làm giảm thế mạnh tại Trung Quốc.

Nhưng, các dự báo kiểu như trên không hề làm các công ty ôtô nản lòng. "Nếu chúng tôi không đầu tư vào các nhà máy của mình, chúng tôi sẽ lỡ cơ hội kiếm tiền và bị các đối thủ vượt lên", Bernd Pichler, Giám đốc quản lý của Volkswagen ở Trung Quốc, cho hay.

Hiện Trung Quốc không chỉ là điểm thu hút đầu tư, mà chính nhu cầu của người tiêu dùng nước này cũng bắt đầu định vị việc thiết kế xe hơi toàn cầu. BMW, Mercedes và Audi đã đưa ra các phiên bản xe sedan cho thị trường Trung Quốc. Thị trường này cũng đang giúp ích cho việc phát triển các dòng xe chạy điện và giúp các hãng xe tự tin hơn khi đầu tư vào công nghệ mới và tìm kiếm thị trường.

Với tình trạng ô nhiễm đã lên mức báo động ở một số thành phố, các nhà sản xuất xe hơi dự tính nhà chức trách Trung Quốc sẽ tìm cách hạn chế những loại phương tiện chạy xăng dầu. "Trung Quốc là động lực cho việc phát triển xe ôtô chạy điện trên khắp thế giới", Simon Sproule, phát ngôn viên của hãng xe Nhật Nissan cho hay. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của công ty này.