Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic

Đức Thọ
Một tuần trải nghiệm thú vị trên hành trình vòng cung Đông Bắc cùng mẫu xe GLK 4Matic của Mercedes-Benz Việt Nam
GLK thể hiện rất tốt khả năng vượt địa hình - Ảnh: Đức Thọ.
GLK thể hiện rất tốt khả năng vượt địa hình - Ảnh: Đức Thọ.
Những ngày cuối tháng 3, phóng viên VnEconomy đã có một tuần trải nghiệm thú vị trên hành trình vòng cung Đông Bắc cùng mẫu xe GLK 4Matic của Mercedes-Benz Việt Nam.

Hành trình được lựa chọn có tổng chiều dài khoảng 1.200 km đi qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, vượt qua các huyện vùng cao Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang, sau đó vắt qua huyện Bắc Hà (Lào Cai) rồi trở về Hà Nội qua các thành phố Lào Cai, Yên Bái và các huyện Hạ Hòa, Thanh Sơn (Phú Thọ).

Có thể nói, đây là một hành trình thú vị với đầy đủ các loại địa hình đặc trưng của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc để trải nghiệm những tính năng ưu trội của mẫu compact SUV sang trọng GLK 4Matic.

Ngay sau khi được tung ra thị trường hồi tháng 6/2009, GLK 4Matic đã trở thành một trong những mẫu xe hơi sang trọng bán chạy nhất tại Việt Nam. Sở hữu những đường nét ngoại thất cá tính và những chi tiết thiết kế nội thất sang trọng, việc GLK 4Matic nhận được nhiều ưu ái từ người tiêu dùng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu chỉ hiện diện trên phố hay những chặng đường quốc lộ bằng phẳng, GLK 4Matic cũng chỉ đơn giản là một mẫu xe gia đình sang trọng. Khi vượt qua những cung đường trắc trở, sức mạnh nội tại của một chiếc xe địa hình trị giá gần 1,7 tỷ đồng mới thực sự phát lộ.

Gần 300 cây số đầu tiên của hành trình, đoạn từ Hà Nội đến huyện Bắc Quang (Hà Giang), GLK 4Matic gần như chưa có dịp thể hiện điều gì ngoài dáng vẻ ngoại thất bắt mắt thu hút sự tò mò của những bạn đồng hành. Nhưng khi bắt đầu vượt con đèo đầu tiên để tiến lên Hoàng Su Phì, khả năng vượt địa hình của GLK 4Matic bắt đầu được thể hiện.

Lần đầu tiên vượt đèo sau vô-lăng của GLK 4Matic, “tốt thật” là tính từ thường xuyên được phóng viên Công Lý nhắc đến mỗi khi ôm cua qua các khúc cua tay áo có độ dốc từ 15 - 35 độ. Liên tục đối mặt với những khúc cua gấp có độ dốc lớn, động cơ V6 3.0L (sản sinh 231 mã lực) của GLK 4Matic vẫn vượt lên khá nhẹ nhàng.

Một điểm khá thú vị khi băng đèo với GLK 4Matic là tại những con dốc lớn, người cầm lái có thể hoàn toàn chủ động dừng giữa dốc cao với tính năng hỗ trợ khởi hành khi leo dốc (Hill Start Assist) trước những tình huống khó thường gặp trên các tuyến đường vùng cao.

Thông thường, tại những khúc cua gấp khuất tầm nhìn có độ dốc cao, các tài xế luôn phải tìm cách báo hiệu về sự hiện diện của mình với xe ở phía đối diện (nếu có). Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi những trường hợp đột ngột xuất hiện một chiếc xe phía trước mà không được báo trước. Lúc này, GLK 4Matic hoàn toàn có thể đứng yên tại chỗ chờ tình huống nguy hiểm qua đi.

Sự lo lắng với thao tác đề-pa lên dốc là không có khi chiếc xe đã được trang bị tính năng hỗ trợ khởi hành khi leo dốc, giúp xe không bị trượt lùi trong khoảng thời gian khoảng 1,5 giây trong khi người lái đang chuyển từ chân phanh sang chân ga, kể cả tại con dốc lên đến 45 độ.

Vượt qua cổng trời Hoàng Su Phì, nhóm phóng viên tiếp tục hành trình vượt qua dãy núi cao nhất tiếp giáp giữa huyện Xín Mần (Hà Giang) và Bắc Hà (Lào Cai).

Có lẽ trong toàn bộ hành trình dài 1.200 cây số, ấn tượng không thể quên mà GLK 4Matic để lại chính là khả năng off-road tuyệt vời khi vượt qua quãng đường chừng 30 cây số của quốc lộ 4. Đây là đoạn quốc lộ đang được mở rộng bằng việc phá núi. Theo đó, đoạn quốc lộ này gần như không còn là đường mà chỉ là gập ghềnh những đá vỡ ra từ vách núi.

Với công nghệ dẫn động 4 bánh toàn phần, GLK 4Matic luôn giành thế chủ động tại những tình huống khó, kể cả khi chỉ có một bánh trước và một bánh sau tiếp xúc với mặt đường. Nhờ có khoảng sáng gầm xe lên đến 201 mm, khoảng nhô khung xe ngắn (815mm trước và 957mm sau) tạo nên góc thoát trước 23 độ, góc thoát sau 25 độ và góc vượt đỉnh dốc lên đến 19 độ, GLK 4Matic có thể leo dốc đến 70%, với góc nghiêng khoảng 35 độ mà không lo bị chạm gầm. Đây là lợi điểm rất lớn để GLK bứt phá về phía trước bất kể mọi loại địa hình.

Bỏ lại phía sau những chặng đường gian nan của một hành trình, GLK 4Matic và bạn đồng hành là người viết trở về Hà Nội trên quãng đường dài hơn 400 cây số từ Bắc Hà (Lào Cai). Không còn những khúc cua tay áo, không còn những địa hình hiểm trở, hành trình trở về điểm xuất phát với những đoạn cua có góc rộng hơn 100 độ dường như là quá nhẹ nhàng với những tính năng an toàn vượt trội mà GLK 4Matic có được.

Phóng sự ảnh về hành trình vượt núi của GLK 4Matic:

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 1
Với động cơ 3.0 lít, GLK có khả năng bứt tốc đáng nể.

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 2
Là một mẫu SUV 5 chỗ ngồi, GLK có khoang hành lý rộng đủ cho cả một chuyến đi dài.

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 3
Hành trình vùng cao thực sự bắt đầu khi xe đi vào địa phận Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 4
Trước cửa ngõ vào trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì.

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 5
Cảm giác lái được đánh giá khá tốt khi cùng GLK vượt qua các địa hình khó.

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 6

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 7
Xe dừng nghỉ tại Cổng trời Hoàng Su Phì.
Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 8
Trước cửa ngõ vào trung tâm huyện lỵ Xín Mần (Hà Giang).

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 9
GLK không chỉ đẹp...

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 10
... mà còn dũng mãnh ở khả năng off-road.

Vượt núi cùng Mercedes-Benz GLK 4Matic - Ảnh 11
Phút nghỉ ngơi trên đỉnh cao Xín Mần.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.