Xe điện, bước ngoặt đang đến gần công nghiệp xe hơi Đức

An Huy
Năm nay, doanh số thị trường xe chạy diesel ở Đức đã giảm sút mạnh
Bên trong một nhà máy của hãng Volkswagen.<br>
Bên trong một nhà máy của hãng Volkswagen.<br>
Sản xuất xe hơi, ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức, đang phải đối mặt với một nhà phê bình khó tính mới: Thủ tướng Angela Merkel.

Trang CNN Money cho biết, trong chiến dịch tranh cử ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư, bà Merkel đã chĩa mũi nhọn chỉ trích vào các hãng xe của nước này - một điều chưa từng xảy ra trước kia.

Phát biểu tại triển lãm ôtô Frankfurt hồi tuần trước, bà đã quở trách lãnh đạo công nghiệp xe hơi Đức về vụ bê bối khí thải hồi năm 2015 của hãng xe Volkswagen, vụ scandal có thể dẫn tới một dấu chấm hết đối với xe chạy dầu diesel.

“Niềm tin đã bị phá vỡ”, bà Merkel nói. “Đó là lý do vì sao ngành xe hơi phải làm mọi việc để giành lại sự tin tưởng, vì lợi ích của chính họ và người lao động trong ngành, cũng như vì nền công nghiệp của nước Đức.

Hết thời “ngôi sao”

Những lời chỉ trích của bà Merkel phản ánh sự thay đổi lớn trong quan điểm của người Đức đối với ngành công nghiệp xe hơi nước này. 

Trước kia, việc có mối quan hệ thân thiện với ngành này gần như đã trở thành nghĩa vụ chính trị của các chính trị gia Đức. Tuy nhiên, kết quả một cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào tháng trước cho thấy 57% người Đức đã mất niềm tin vào ngành công nghiệp xe hơi Đức, và 2/3 cảm thấy các chính trị gia Đức vẫn còn quá gần gũi với các hãng xe.

Từ chỗ được tôn vinh với vai trò “ngôi sao” trong nền kinh tế quốc gia, ngành công nghiệp xe hơi Đức đã phải đối mặt với những cáo buộc cho rằng động cơ diesel bẩn là nguyên nhân dẫn tới vấn đề ô nhiễm không khí. 

Đây là những cáo buộc dấy lên sau khi Volkswagen thú nhận nói dối về mức khí thải của xe chạy động cơ diesel do hãng sản xuất, cũng như việc các hãng xe Đức khác bị phát hiện lợi dụng các lỗ hổng về khí thải.

Năm nay, doanh số thị trường xe chạy diesel ở Đức đã giảm sút mạnh, cùng với đó là các hãng xe ngoại giành thị phần của xe Đức.

Tại một số thành phố lớn, những lời kêu gọi cấm xe chạy diesel đang ngày càng mạnh lên. Munich, thành phố quê hương của hãng xe BMW, đang tính cấm hoàn toàn xe sử dụng nhiên liệu diesel. Tại Stuttgart, nơi thương hiệu Mercedes-Benz của hãng Daimler đặt trụ sở, lệnh cấm tương tự cũng đang được cân nhắc.

Chính Thủ tướng Merkel cũng đã phát tín hiệu rằng sẽ đến lúc Đức học theo Pháp, Anh, Ấn Độ và một số quốc gia khác trong việc đặt thời hạn cụ thể cho việc cấm hoàn toàn việc bán xe chạy xăng, dầu.

Đây thực sự là một cú sốc đối với một ngành sử dụng 800.000 lao động ở Đức, tương đương 2% lực lượng lao động của nước này, và từng có mối quan hệ khăng khít với giới chính trị truyền thống tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. 

Chẳng hạn, bang Lower Saxony của Đức nắm giữ cổ phần 20% trong hãng xe Volkswagen, và các nhà lãnh đạo được bầu của bang này có tiếng là luôn ra sức vận động hành lang cho công nghiệp xe hơi Đức ở châu Âu và tại các quốc gia khác.

Khí thải của xe chạy dầu diesel là độc hại hơn đối với bầu không khí so với khí thải của xe chạy xăng. Tuy nhiên, xe chạy diesel vẫn phổ biến ở châu Âu trong suốt nhiều thập kỷ qua bởi các chính phủ trong khu vực đưa ra các chính sách ưu đãi thuế đối với loại xe này với hy vọng sẽ cắt giảm được lượng khí thải CO2 (động cơ diesel được cho là sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn nên phát thải ít hơn). Bởi vậy, các hãng xe Đức và Pháp đã đầu tư mạnh vào công nghệ xe diesel.

Cuộc dịch chuyển lớn

Ở Đức, số xe chạy dầu diesel được đăng ký đã tăng 50% từ năm 2008, lên mức 15 triệu xe - theo số liệu của ngân hàng Commerzbank.

Tuy nhiên, Volkswagen không thể đuổi kịp các tiêu chuẩn ngày càng ngặt nghèo về khí thải. Cơ quan công tố Mỹ cho rằng các kỹ sư của hãng này từ năm 2006 đã thừa biết rằng động cơ diesel 2.0 mới của họ không thể tuân thủ các yêu cầu về khí thải. 

Để ứng phó, Volkswagen đã thiết kế một “phần mềm nói dối” cho phép xe do hãng sản xuất phát hiện khi nào bị kiểm tra khí thải, và sẽ phát thải ở mức thấp vào thời điểm đó.

Sự gian dối này kéo dài trong gần một thập kỷ trước khi bị phát giác. Ngay lập tức, nhu cầu xe diesel ở châu Âu lao dốc.

Sau vụ bê bối gây chấn động, các hãng xe Đức giờ đây đổ tiền đầu tư vào các loại xe chạy nhiên liệu kết hợp (hybrid) và xe chạy điện. Tuần trước, Volkswagen tuyên bố sẽ chi hơn 50 tỷ Euro, tương đương 60 tỷ USD, để đầu tư cho tấm pin nhằm sản xuất phiên bản chạy điện của tất cả 300 mẫu xe trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Chính phủ Đức đã đặt mục tiêu 1 triệu xe chạy điện được sử dụng ở nước này vào năm 2020, một mục tiêu đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, bao gồm các trạm xạc điện cho xe.

Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ Nhật tuần này, bà Merkel sẽ giữ vị thế hàng đầu trong việc hỗ trợ cho sự dịch chuyển của công nghiệp xe hơi Đức từ xe chạy diesel sang xe chạy điện. Tác động của sự dịch chuyển này sẽ rất lớn, bởi các hãng xe Đức xuất khẩu tới 4,4 triệu chiếc xe trong năm 2016.

“Một sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Người Đức phải dịch chuyển bí quyết của họ từ xe chạy diesel sang xe chạy điện”, ông Arndt Ellinghorst, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp ôtô toàn cầu thuộc công ty Evercore, nhận xét.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.