Xe Toyota Việt Nam còn nhiều lỗi?

Trí Dũng
Kỹ sư Lê Văn Tạch vừa cho biết đã phát hiện được nhiều lỗi kỹ thuật lắp ráp trên các dòng xe của Toyota Việt Nam
Ngày 13/6, Toyota Việt Nam đã tổ chức cuộc họp chia sẽ các thông tin kỹ thuật đối với hoạt động lắp ráp ôtô - Ảnh: Hữu Thọ.
Ngày 13/6, Toyota Việt Nam đã tổ chức cuộc họp chia sẽ các thông tin kỹ thuật đối với hoạt động lắp ráp ôtô - Ảnh: Hữu Thọ.
Kỹ sư Lê Văn Tạch vừa cho biết đã phát hiện được nhiều lỗi kỹ thuật lắp ráp trên các dòng xe của Toyota Việt Nam (TMV).

Trong số những lỗi kỹ thuật mà vị kỹ sư đang làm việc tại TMV đưa ra có 4 lỗi vừa được liên doanh ôtô đến từ Nhật Bản “chia sẻ” với báo giới tại cuộc họp diễn ra vào ngày 13/6 mới đây.

Theo ông Tạch, lỗi quan trọng nhất chính là phương pháp bôi keo thân xe khác so với bản vẽ và lỗi này có thể xảy ra với tất cả các sản phẩm mà TMV lắp ráp.

Ông Tạch cho biết, trong quy trình chuẩn thì sau khi bắn keo, kỹ thuật viên sẽ dùng chổi lông để trám keo vào các lỗ hở nhằm làm đầy hoặc làm phẳng, tránh ảnh hưởng tới các chi tiết khác cũng như giảm độ ồn gió. Tuy nhiên, TMV đã cải tiến quy trình bắn keo bằng việc dùng chổi quét phần keo thừa nhằm mục đích cải thiện chất lượng bôi keo khi keo được điền đầy hoàn toàn vào khe hở giữa tấm thép thân xe.

Những bất ổn mà phương pháp bôi keo “cải tiến” của TMV có thể dẫn đến, theo ông Tạch, là bề mặt không có độ nhám hoặc phẳng khiến việc triệt tiêu và phản xạ sóng âm hạn chế. Từ đó, xe thường có độ ồn cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Bên cạnh đó, lớp keo ít có thể gây ra hiện tượng nứt, gây hở và dẫn đến gỉ sét. “Nếu làm đúng quy trình thời gian xuất hiện gỉ sét có thể là 10 năm. Nhưng thực tế, xe của TMV có thể chỉ vài năm đã bị gỉ”, ông Tạch nói.

Có một lỗi mà kỹ sư Tạch phát hiện nhưng TMV không đưa ra trong bản thông báo tới báo giới là việc chảy dầu giảm xóc sau của xe Innova và Fortuner. Lý do dẫn đến lỗi này là bởi kết cấu xe bị sai, dầu chảy trong giảm xóc không đúng chuẩn và việc lắp ráp tại nhà máy TMV quá đơn giản. Điều này gây ra hiện tượng xe rất xóc trước khi chảy dầu.

Các lỗi khác đã được TMV thông báo là tình trạng gỉ và chảy dầu cầu sau xe Innova. Theo giải thích của TMV là trong quá trình vận chuyển và bảo quản phụ tùng từ nước ngoài vào Việt Nam, một số cầu sau của xe Innova đã bị gỉ và chảy dầu.

Lỗi tiếp theo là trạng thái xe khi điều chỉnh góc đặt bánh xe trước trên xe Innova và Fortuner khác so với bản vẽ. Trong quá trình lắp ráp, góc đặt bánh xe được điều chỉnh bằng các dụng cụ và phương pháp đã tính toán đến chiều cao của xe đặt ở trạng thái bản vẽ yêu cầu. Và tại công đoạn kiểm tra, góc đặt được xác nhận là hoàn toàn thỏa mãn tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu. TMV cho biết đã phát hiện ra hiện tượng này trên dây chuyền sản xuất và ngay lập tức sau khi rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng, tất cả cầu xe phát hiện bị gỉ và chảy dầu đã được công ty thay mới toàn bộ trước khi giao xe cho khách hàng.

Lỗi thứ 4 được TMV thông báo là trạng thái lắp đòn treo dưới phía trước xe Vios khác so với bản vẽ. Việc đòn treo phía trước của xe Vios được xiết ở góc độ khác so với bản vẽ, theo TMV, đã được hãng phát hiện và điều tra ngay lập tức. Ngay sau đó, TMV đã tiến hành đánh giá về mức độ ảnh hưởng tới độ bền của bạc cao su và không phát hiện ra sự khác biệt nào so với tiêu chuẩn cho phép.

TMV cho biết, sau khi phát hiện các lỗi trên, Công ty đã tiến hành báo cáo sự việc với Tập đoàn Toyota toàn cầu (TMC) và phần lớn phương pháp cải tiến của TMV đã được tập đoàn chấp nhận.

Theo kỹ sư Tạch, đa số các lỗi kỹ thuật tại các dòng xe của TMV là do quá trình lắp ráp không chuẩn. Nếu thực hiện đúng quy trình chuẩn, xe của TMV có chất lượng không thua kém gì so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Trong tháng 5/2011, TMV đã tiến hành triệu hồi khoảng 6.600 xe để kiểm tra và chỉnh sửa bao gồm các dòng Camry, Fortuner và Innova. Tuy nhiên, trong một số cuộc trao đổi với báo giới, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng số lượng xe gặp lỗi kỹ thuật và cần phải triệu hồi có thể lên đến gần 60.000 xe.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.