21:42 04/08/2019

Xu thế dòng tiền: Thị trường đã đạt đỉnh?

Nguyễn Hoàng

Mặc dù thị trường chống đỡ khá tốt ở các phiên chứng khoán thế giới lao dốc mạnh, nhưng đa số chuyên gia nghiêng về khả năng thị trường đã đạt đỉnh ngắn hạn

Mặc dù thị trường chống đỡ khá tốt ở các phiên chứng khoán thế giới lao dốc mạnh, nhưng đa số chuyên gia nghiêng về khả năng thị trường đã đạt đỉnh ngắn hạn.

Quan điểm tích cực nhất không nghiêng hẳn về khả năng thị trường đã đạt đỉnh khi cho rằng mức độ tương quan của thị trường Việt Nam với chứng khoán thế giới đã giảm, nhưng cũng cho rằng với khả năng bứt phá cao hơn là thấp. Các quan điểm thận trọng đều nhìn nhận việc cạn thông tin hỗ trợ ở trong ngắn hạn và sự leo thang căng thẳng thưởng mại là rủi ro nhất.

Đa số chuyên gia cho rằng thị trường cần một nhịp điều chỉnh vì tháng 8 là thời điểm trống thông tin trong khi thực tế đợt tăng vừa rồi cũng chỉ dựa vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Dòng tiền không có sự lan tỏa. Khi các cổ phiếu trụ suy yếu thì thị trường sẽ chịu áp lực. Trong kịch bản điều chỉnh, dòng tiền có thể ưu tiên vào các cổ phiếu thuộc nhóm ngành được cho là hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.

Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia vẫn để ngỏ dư địa cho VN-Index được một số cổ phiếu điều tiết đẩy lên kiểm tra lại mốc 1.000 điểm lần nữa, nhưng kịch bản điều chỉnh vẫn được ưu tiên. Trong kịch bản giảm, VN-Index có thể rơi xuống 965-969 điểm và vùng hỗ trợ cao hơn khoảng 980 điểm.

Xu thế dòng tiền: Thị trường đã đạt đỉnh? - Ảnh 1Với việc thị trường trong tháng 8 là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực, tôi cho rằng chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh của nhịp tăng hiện tại và sẽ sớm xảy ra các phiên điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn để tiếp tục tích lũy tạo tiền đề bứt phá đón báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3.
ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

VN-Index cuối cùng đã "bước một chân" qua ngưỡng 1000 điểm rồi lại thoái lui. Kể cả trước khi có tin giảm lãi suất của FED, trước khi có tin Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc thì thị trường đã bị xả lớn tại mốc 1.000 điểm hôm 30/7. Rõ ràng nhịp tăng này đa số cổ phiếu tăng không nhiều, nhưng khi thị trường quay đầu lại cùng giảm mạnh. Anh chị có thể lý giải hiện tượng này?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thực tế trong đợt tăng vừa rồi chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm và có sự góp công lớn của khối ngoại trong việc kéo chỉ số. Còn việc thị trường quay đầu giảm thì các cổ phiếu giảm mạnh thì tôi cho rằng không chính xác, các cổ phiếu giảm mạnh đợt này đa phần là các cổ phiếu ra báo cáo lợi nhuận giảm so với cùng kì.

Thậm chí, 2 phiên cuối tuần trước áp lực giảm điểm từ các thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng nhiều cổ phiếu midcap đã có lực mua khá tốt.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Theo tôi hiện tượng này cũng là khá dễ hiểu khi chỉ số VN-Index tuy tăng trong thời gian vừa qua nhưng chỉ hoàn toàn dựa vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn làm nhiệm vụ "kéo điểm" thị trường trong khi đại bộ phận các cổ phiếu cơ bản khác lại không có thay đổi gì đáng kể.

Nhìn từ quan điểm của nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây là dấu hiệu của xu hướng tăng không lành mạnh và thiếu sự ổn định bền vững trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có gì chuyển biến khả quan hơn.

Nói cách khác, điều này cũng có thể được hiểu là dòng tiền đầu cơ trong thời gian vừa qua là rất lớn nên khi chỉ số VN-Index chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm đã nhanh chóng gặp phải áp lực chốt lời lớn. Một khi dòng tiền đầu cơ rút đi và thị trường không có trụ đỡ ổn định nào khác thì kịch bản chỉ số VN-Index giảm mạnh ngay sau khi tăng mạnh cũng là hợp lý.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường Việt Nam trong tuần qua tiếp tục tăng nhờ lực kéo từ các trụ cột như VIC (+2%), VHM (+2,6%)... Phía trước của VN-Index sẽ là ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm (đỉnh tháng 4/2019) và đây cũng là vùng chốt lời tiềm năng đối với các giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư nên khả năng cao sẽ xảy ra các diễn biến rung lắc.

Tuy nhiên diễn biến xấu trong phiên này cuối tuần khi nhóm cổ phiếu họ Vin và nhóm ngân hàng đều đồng loạt lao dốc khiến cho cổ phiếu chuyển biến xấu. Tâm lý nhà đầu tư không ổn định trước ngưỡng cửa 1.000 điểm khiến cho áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Xu thế dòng tiền: Thị trường đã đạt đỉnh? - Ảnh 2Theo tôi trong ngắn hạn với việc các cổ phiếu trụ đồng loạt suy yếu, dòng tiền đang có xu hướng tập trung vào các nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại như thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp thì thị trường khó có khả năng bứt phá trong ngắn hạn. Khả năng cao trong ngắn hạn thị trường cần 1 nhịp điều chỉnh.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo tôi ngưỡng 1.000 điểm tỏ ra khá vững chắc khi mà VN Index nhiều lần vượt rồi quay đầu giảm điểm trở lại. Diễn biến thị trường thế giới bất lợi, công bố kết quả kinh doanh đi vào giai đoạn cuối và khối ngoại quay ra bán ròng là những bất lợi cản trở đà tăng của chỉ số.

Ngoại trừ một vài nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh đột biến và hỗ trợ bởi thông tin chiến tranh thương mại như bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dệt may có vận động tích cực còn lại rất nhiều nhóm ngành đang chịu áp lực chốt lãi ngắn hạn.

Tôi cho rằng muốn chinh phục các ngưỡng cao hơn, thị trường cần phải có những thông tin hỗ trợ tốt và điều này chưa dễ xác định khi điểm trũng thông tin đang đến gần.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường đang đứng trước thời điểm không dễ dàng, khi kết quả kinh doanh đã xuất hiện hết, FED cũng đã giảm xong lãi suất và giờ lại thêm căng thẳng thương mại được nâng lên cấp độ mới. Anh chị đánh giá thị trường có nguy cơ đạt đỉnh hay chưa, hay chỉ là điều chỉnh ngắn để tiếp tục lên cao hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Với việc thị trường trong tháng 8 là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực, tôi cho rằng chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh của nhịp tăng hiện tại và sẽ sớm xảy ra các phiên điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn để tiếp tục tích lũy tạo tiền đề bứt phá đón báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Hiên tại những thông tin tích cực của mùa kết quả kinh doanh cũng đã xuất hiện hết, các thông tin vĩ mô hỗ trợ cũng vậy. Tôi cho rằng thị trường đang bắt đầu đi vào giai đoạn trống thông tin. Việc leo thang chiến tranh thương mại có thể là một tín hiệu xấu cho thị trường lúc này.

Theo tôi trong ngắn hạn với việc các cổ phiếu trụ đồng loạt suy yếu, dòng tiền đang có xu hướng tập trung vào các nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại như thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp thì thị trường khó có khả năng bứt phá trong ngắn hạn. Khả năng cao trong ngắn hạn thị trường cần 1 nhịp điều chỉnh.

Kết hợp với việc thị trường đang phân hóa mạnh trong thời gian qua thì đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và lựa chọn cổ phiếu tốt.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây có tương quan rất thấp với thị trường Mỹ. Tôi cho rằng căng thẳng thương mại có ảnh hưởng nhưng mức độ không nhiều như trước kia.

Về mặt chỉ số tôi cho rằng sẽ khó rớt sâu nhưng khả năng bứt phá mạnh cũng khó do áp lực bán ra của khối ngoại khi đồng USD đang ở mức cao.

Xu thế dòng tiền: Thị trường đã đạt đỉnh? - Ảnh 3Ngưỡng 1.000 điểm tỏ ra khá vững chắc khi mà VN Index nhiều lần vượt rồi quay đầu giảm điểm trở lại. Diễn biến thị trường thế giới bất lợi, công bố kết quả kinh doanh đi vào giai đoạn cuối và khối ngoại quay ra bán ròng là những bất lợi cản trở đà tăng của chỉ số. Tôi cho rằng muốn chinh phục các ngưỡng cao hơn, thị trường cần phải có những thông tin hỗ trợ tốt và điều này chưa dễ xác định khi điểm trũng thông tin đang đến gần.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Trên phương diện kỹ thuật, đỉnh cao 1002,77 điểm mà VN-Index đạt tới cũng không cách xa đỉnh tháng 3/2019 bao nhiêu. Với kịch bản tích cực là thị trường chỉ điều chỉnh rồi tăng tiếp, liệu VN-Index có thể vượt đỉnh tháng 3 được hay không? Với kịch bản xấu, liệu mức điều chỉnh sẽ như thế nào?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Các chỉ số chính của thị trường vẫn duy trì ở mức Tích cực, ngưỡng kháng cự của VN-Index tại 993-1000 điểm. Dự báo, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự này một lần nữa.

Hiện tại, VN-Index đang chịu sự điều tiết của một số cổ phiếu vốn hóa rất lớn nên chỉ số đang có xu hướng đi ngược lại diễn biến của thị trường thế giới. Do đó chúng ta có thể kỳ vọng sau khi vượt ngưỡng 1.000 điểm, VN-Index có thể chinh phục các ngưỡng cao hơn ở 1.015 hay 1.025 điểm.

Tuy nhiên, nếu ngưỡng 1.000 điểm thất bại thì VN-Index có thể điều chỉnh về 965 điểm, tương đương MA200 phiên. Chúng tôi nghiêng về kịch bản giảm điểm nhiều hơn khi trước mắt là vùng trũng thông tin của thị trường.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Về phương diện kĩ thuật, VN-Index vẫn nằm trên SMA 20 với thanh khoản gia tăng mạnh nên hiện tại chỉ số vẫn đang trong một sóng tăng. Tôi nghiên về khả năng tích cực nhiều hơn sau khi quan sát diễn biến 2 phiên cuối tuần.

Tuy nhiên một kịch bản xấu (xác suất 30%) vẫn có thể xảy ra nếu VN-Index thủng 980 điểm khi đó 969 điểm tương ứng SMA 50 sẽ là điểm hỗ trợ tốt cho thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã phá vỡ cả kênh giá giảm 12 tháng và 3 tháng khi vượt qua ngưỡng 975 điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy vậy, ngưỡng 1.000 điểm tiếp tục tỏ ra là ngưỡng cản rất mạnh trong bối cảnh áp lực điều chỉnh tại đây sẽ là rất lớn và tháng 8 cũng là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Đi kèm với những rủi ro vĩ mô hiện tại như căng thẳng thương mại tiếp tục có chiều hướng gia tăng và dòng tiền vẫn còn đang đứng ngoài không mặn mà tham gia vào thị trường thì tôi nghĩ sẽ rất khó để cho VN-Index vượt được ngưỡng 1.000 điểm.

Trong kịch bản lạc quan nhất, chúng tôi nhận định rằng chỉ số VN-Index sẽ vận động tích lũy tăng giảm đan xen trong vùng điểm 975 - 1.000 điểm với dòng tiền sẽ có xu hướng luôn phiên tập trung tại nhóm các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả báo cáo kinh doanh Quý 3 khả quan.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Về mặt kĩ thuật thì xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn của chỉ số vẫn được duy trì. Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo ADX tiếp tục tăng lên mức 24, cho thấy sức mạnh của xu hướng thị trường đang dần được cải thiện. Các chỉ báo như MACD, Chaikin Money Flow và RSI cũng tiếp tục duy trì xu hướng tăng, cho thấy thị trường vẫn còn dư địa tăng điểm.

Tuy nhiên, chỉ báo Stochastics Oscillator vẫn tiếp tục duy trì đà giảm và tiếp tục nằm dưới đường tín hiệu. Điều này cho thấy rủi ro giảm điểm đối với thị trường vẫn luôn hiện hữu đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tiếp tục thử thách vùng kháng cự tâm lý quan trọng – 1000 điểm. Vùng kháng cự 1000-1010 sẽ tiếp tục đóng vai trò như 1 ngưỡng kháng cự mạnh đối với xu hướng tăng điểm của thị trường.

Ở chiều ngược lại, trong trường hợp thị trường giảm điểm, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ vùng 980-985 điểm.

Xu thế dòng tiền: Thị trường đã đạt đỉnh? - Ảnh 4Về phương diện kĩ thuật, VN-Index vẫn nằm trên SMA 20 với thanh khoản gia tăng mạnh nên hiện tại chỉ số vẫn đang trong một sóng tăng. Tôi nghiên về khả năng tích cực nhiều hơn sau khi quan sát diễn biến 2 phiên cuối tuần.
ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần qua VN-Index có tăng nhưng cổ phiếu tăng trưởng rất ít, kể cả khi bắt được đáy giảm hôm 30/7. Anh chị đã rút khỏi thị trường hay vẫn tiếp tục nắm giữ? Tỷ lệ cổ phiếu có thay đổi như thế nào?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Hai tuần vừa rồi chứng kiến hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" rất nhiều nhưng có điểm sáng là cổ phiếu của bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra phiên giao dịch thứ sáu chịu áp lực lớn từ chứng khoán thế giới nhưng thị trường "cầm cự" rất tốt với thanh khoản tăng từ các cổ phiếu midcap.

Danh mục tôi vẫn không thay đổi, tập trung vào cổ phiếu nhiệt điện, bia, cảng,… và giảm bớt cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Hiện tại tôi chưa dùng đòn bẩy.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tỷ trọng danh mục dầu tư ngắn hạn của tôi đang duy trì ở mức 37% cổ phiếu và 63% tiền.

Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn của tôi đang ở mức 47% cổ phiếu và 53% tiền.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Phiên cuối tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung 10% đối với lượng hàng hóa 300 tỷ USD từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9. Chỉ số VN-Index khép lại tuần giao dịch với mức giảm 0,2% trong tuần, kết thúc đà tăng 4 tuần liên tiếp. Áp lực bán theo đó cũng diễn ra rộng rãi trên thị trường.

Chúng tôi cũng giảm tỷ trọng trong danh mục để bảo vệ thành quả và tạm thời hạn chế giải ngân mới trong một vài phiên tới.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Trong tuần giao dịch vừa qua tôi không tham gia mua bán và vẫn duy trì danh mục hiện tại ở mức 50% - 55%. Tôi sẽ giải ngân thêm khi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn.