08:32 29/11/2022

Giá giảm nhẹ, SIC đăng ký bán hết 1,1 triệu cổ phiếu VNM

Hà Anh

SIC là tổ chức có liên quan với người nội bộ của VNM đăng ký bán hết 1,1 triệu cổ phiếu, chiếm 0,053% vốn điều lệ tại VNM, từ ngày 1/12 đến ngày 30/12/2022

Sơ đồ giá cổ phiếu VNM thời gian qua.
Sơ đồ giá cổ phiếu VNM thời gian qua.

Công ty TNHH một thành viên đầu tư SCIC (SIC) thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức liên quan Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM-HOSE).

Theo đó, SIC là tổ chức có liên quan với người nội bộ của VNM đăng ký bán hết 1,1 triệu cổ phiếu, chiếm 0,053% vốn điều lệ tại VNM, từ ngày 1/12 đến ngày 30/12/2022 nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Trước đó, quỹ ngoại F&N Dairy Investments cũng đăng ký mua 20.899.554 cổ phiếu VNM. Nếu thành công, quỹ ngoại này sẽ tăng sở hữu tại VNM từ 369.752.859 cổ phiếu, chiếm 17,69% lên 390.652.413 cổ phiếu, tương đương 18,69% vốn. Giao dịch dụ kiến thực hiện thông qua phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn, thời gian từ ngày 2/11 đến ngày 1/12/2022.

Tương tự, Quỹ ngoại Platinum Victory Pte. Ltd (Singapore) vừa đăng ký mua vào 20.899.554 cổ phiếu VNM. Nếu thành công, quỹ ngoại này sẽ tăng sở hữu tại VNM từ 221.856.553 cổ phiếu, chiếm 10,62% lên 242.756.107 cổ phiếu, tương đương 11,62% vốn. Giao dịch dụ kiến thực hiện thông qua phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn, thời gian từ ngày 17/11 đến ngày 16/12/2022.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, hai quỹ ngoại này đăng ký mua cổ phiếu VNM lên tới hơn 10 lần song đều chưa thành với lý do không hoàn tất giao dịch được lập đi lập lại là điều kiện thị trường không phù hợp.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 44.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 45.100 tỷ đồng của cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ thị trường nước ngoài đóng góp 7.000 tỷ, chiếm 15,5% và lợi nhuận sau thuế giảm 20%, từ 8.420 tỷ xuống còn 6.708 tỷ đồng.

Theo giải trình từ VNM thì doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ là do giá nguyên liệu đầu vào còn duy trì ở mức cao và doanh thu không đạt mức tăng như kỳ vọng; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng do Covid19, bất ổn chính trị tại châu Âu và một số khu vực khác trên thế giới đã làm giảm nguồn cung nguyên vật liệu và máy móc thiết bị và tiến độ giao hàng. Đồng thời, tỷ giá và lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào.

Chốt phiên ngày 28/11, giá cổ phiếu này giảm 2,43% xuống 81.700 đồng/cổ phiếu và chỉ giảm 6,44% trong 3 tháng qua.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng giá mục tiêu (TP) cho VNM thêm 7% và duy trì khuyến nghị "khả quan".

Theo VCSC, giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do: Một là, mức tăng 1% tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025, hai là, cập nhật mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2023 và cuối cùng là chi phí vốn đầu tư dự kiến thấp hơn trong giai đoạn 2022-2027, bị ảnh hưởng một phần bởi các giả định về phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu (ERP) và WACC cao hơn của chúng tôi.

Bên cạnh đó, VCSC tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025 thêm 1% chủ yếu do nâng dự báo biên lợi nhuận gộp của VNM thêm lần lượt 50/50/110 điểm cơ bản trong giai đoạn 2023/2024/2025 do giá sữa tiếp tục giảm gần đây. Điều này bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh giảm 3% tổng doanh số bán hàng dự báo giai đoạn 2023-2025 do chúng tôi cho rằng những biến động kinh tế vĩ mô gần đây sẽ tác động nhiều hơn đến sức chi tiêu của người tiêu dùng phổ thông, vốn đã bị ảnh hưởng trong năm 2022.

Ngoài ra, VCSC giả định sức chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 và phục hồi hoàn toàn bắt đầu từ năm 2025.

Mặt khác, VCSC cho biết rủi ro hoặc yếu tố hỗ trợ đối với cổ phiếu này là tiêu thụ sữa cao/thấp hơn dự kiến và việc triển khai sản phẩm mới thấp hơn hoặc tốt hơn so với dự kiến.