10 sự kiện, vấn đề ôtô nổi bật năm 2007

Đức Thọ Hiền Mai Phương Anh
2007 được đánh giá là năm sôi động toàn diện nhất của ngành ôtô Việt Nam với 10 sự kiện và vấn đề nổi bật
Các thương hiệu xe nhập khẩu cũng không giúp các cuộc triển lãm ôtô trong năm 2007 sáng sủa thêm bao nhiêu - Ảnh: Đức Thọ.
Các thương hiệu xe nhập khẩu cũng không giúp các cuộc triển lãm ôtô trong năm 2007 sáng sủa thêm bao nhiêu - Ảnh: Đức Thọ.
2007 được đánh giá là năm sôi động toàn diện nhất của ngành ôtô Việt Nam với 10 sự kiện và vấn đề nổi bật.

Dưới đây là tổng hợp của VnEconomy qua đánh giá của các chuyên gia và độc giả chuyên mục Ôtô – Xe máy. Thứ tự các sự kiện, vấn đề được sắp xếp theo thời gian.

1. Đấu giá xe APEC gặp khó

“Khai hỏa” cho một năm đầy ắp sự kiện của thị trường ôtô Việt Nam là các phiên bán đấu giá cho hơn 300 chiếc xe phục vụ Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2006 (Hội nghị APEC 14) diễn ra vào tháng 11/2006, gồm các mẫu xe Mercedes-Benz E280, Mercedes-Benz E200K, Ford Mondeo, Ford Transit và Mitsubishi Pajero. Tuy nhiên, công tác đấu giá xe APEC cũng đã gặp một vài khó khăn ngoài mong đợi.

Trong đó nổi lên là việc phải trải qua 6 phiên đấu giá và 2 lần giảm giá khởi điểm mới kết thúc. Vì vậy, đợt đấu giá xe APEC đã phải kéo dài từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5. Mặc dù gặp trở ngại song đợt bán đấu giá xe APEC cũng được đánh giá là khá thành công khi giúp Chính phủ thu hồi cho ngân sách khoảng 85% tổng giá trị 400 tỷ đồng mua xe phục vụ Hội nghị APEC 14.

2. Ba lần giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc

“Cây gậy” giúp thị trường ôtô nhập khẩu bứt lên mạnh mẽ đồng thời cũng tác động lớn nhất lên toàn bộ thị trường ôtô Việt Nam năm 2007 chính là 3 lần giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã được điều chỉnh giảm từ 90% xuống còn 80% kể từ ngày 11/1. Tiếp theo, cuối tháng 10 Bộ Tài chính đã lần thứ 2 quyết định giảm mức thuế suất xuống còn 70% và kể từ ngày 16/11, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc chỉ còn 60% theo nội quyết định lần thứ 3 của Bộ Tài chính đồng thời khép lại một năm điều chỉnh mạnh mẽ lên thị trường ôtô nhập khẩu.

Có 2 lý do cơ bản để Bộ Tài chính quyết định giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 3 lần trong một năm. Thứ nhất là giảm thuế theo lộ trình đã đề ra tại cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); thứ hai là giảm thuế nhằm gián tiếp tác động lên thị trường ôtô nội địa, cụ thể là nhằm gây sức ép để các hãng xe trong nước giảm giá bán đồng thời góp phần kiềm chế tốc độ tăng phi mã của giá tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, cả 3 lần giảm thuế cũng đã không đủ sức ép để giá bán các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước giảm xuống.

3. Hợp đồng bán xe kỷ lục

Ngày 18/4, hợp đồng bán 800 chiếc Focus của Công ty TNHH Ford Việt Nam cho Công ty Cổ phần Ngôi sao Tương lai (Taxi Future) đã trở thành bản hợp đồng bán hàng lớn nhất từ trước tới nay của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Với bất kỳ một hãng xe nào, kể cả với các tập đoàn hàng đầu thế giới, 800 chiếc xe tại một bản hợp đồng thực sự là một con số mơ ước.

Riêng với Ford Việt Nam, bản hợp đồng này là một trong những “cứu cánh” của hãng, đặc biệt là khi hãng xe này đang gặp không ít những khó khăn tại thị trường Việt Nam. Con số này thậm chí còn lớn gấp hơn 3 lần tổng lượng xe bán ra của hãng trong tháng 4 (với 256 chiếc) và gần 3 lần tháng 3 (với 332 chiếc).

4. Hai thành viên ra đi - hai thành viên gia nhập

Câu chuyện buồn nhất của ngành ôtô Việt Nam 2007 được đánh giá là việc 2 thương hiệu BMW và Daihatsu dứt áo ra đi. Nguyên nhân cơ bản được đại diện 2 thương hiệu này “thổ lộ” là do thị trường ôtô Việt Nam vẫn chưa đủ lớn để họ hoàn thành mục tiêu chinh phục thị trường hơn 80 triệu dân. Nhưng còn một lý do khác được báo giới tìm hiểu là những xung đột về quan điểm và cả lợi ích trong nội bộ các liên doanh mà 2 thương hiệu này là thành viên. Cụ thể, BMW nằm trong liên doanh VMC chung với Mazda và Kia còn Daihatsu nằm trong liên doanh Vindaco (Daihatsu Vietindo) do 5 doanh nghiệp tham gia góp vốn.

Tuy nhiên, ngành ôtô Việt Nam năm 2007 cũng đã được “bù đắp” bằng chính sự trở lại của BMW (ngày 17/7) thông qua nhà phân phối chính thức là Công ty Cổ phần Ôtô Âu Châu (Euro Auto) và sự gia nhập của thương hiệu xe hơi thể thao sang trọng Porsche (ngày 14/12) thông qua nhà phân phối chính thức là Công ty TNHH Xe hơi Thể thao Uy tín (PSC). Cả hai thương hiệu này đều đã có cuộc ra mắt thị trường đầy ấn tượng.

Ngoài ra, sự xuất hiện những cái tên khác như quyết định đầu tư sản xuất của hãng xe Volswagan (Đức), cuộc ra mắt có phần èo uột của thương hiệu xe giá rẻ Lifan (Trung Quốc) và JRD (Malaysia) cũng đã ngầm khẳng định tiềm năng của thị trường ôtô Việt Nam trong cách nhìn làng xe hơi thế giới.

5. Thất vọng từ những cuộc triển lãm

Nếu như các cuộc triển lãm ôtô tại nước ngoài được mong chờ và sôi động bao nhiêu thì các cuộc triển lãm ôtô tại Việt Nam bắt đầu được tổ chức từ tháng 6 lại nghèo nàn, rệu rã và đáng thất vọng bấy nhiêu. Sở dĩ sự thất vọng từ các cuộc triển lãm được xếp vào danh sách sự kiện trong năm là bởi đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của bất kỳ ngành công nghiệp ôtô nào.

Sau khi thông tin tổ chức thường niên Triển lãm Ôtô Việt Nam (Vietnam Motorshow) do lực lượng chủ chốt của ngành là Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chủ trì bị hoãn lại, dư luận đã rất mong chờ vào các cuộc triển lãm khác. Tuy nhiên, từ AutoTech Hà Nội đến AutoTech Tp.HCM hãy AutoExpo, AutoWorld đều trở thành những cuộc triển lãm thất bại khi lượng gian hàng và doanh nghiệp tham gia ít ỏi, công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp, chắp vá. Nếu không có sự tham gia của một số thương hiệu xe nhập khẩu như BMW, Nissan, Hyundai, Land Rover thì có lẽ các cuộc triển lãm này chỉ xứng đáng với điểm… liệt.

6. Ford thay vị trí lãnh đạo cao nhất

Xét tổng thể về thị trường trong năm, Ford Việt Nam không phải là cái tên nổi bật song hãng xe đến từ nước Mỹ lại tạo nên được 2 điểm nhấn đáng kể. Sau bản hợp đồng kỷ lục gồm 800 chiếc Focus, doanh số bán hàng của hãng xe này vẫn không hề sáng sủa hơn cùng với sự đi xuống về thương hiệu và đánh giá chung của khách hàng. Đây cũng chính là một trong những lý do để hãng mẹ điểu chuyển ông Michael Pease đến giữ ghế tổng giám đốc công ty thay cho ông Tim Tucker.

Ngay sau khi nắm giữ trọng trách tại Ford Việt Nam, vị tân tổng giám đốc này đã có một cuộc thị sát hoạt động của công ty và hệ thống đại lý để sau đó đưa ra chính sách cải tổ hãng, trong đó chú trọng vào khâu sản phẩm, bán hàng và quảng bá thương hiệu. Hiệu quả rõ nét nhất từ những chính sách của Michael Pease chính là sản lượng bán hàng kỷ lục từ trước tới nay của hãng với 902 chiếc bán ra trong tháng 11. Vị tân tổng giám đốc này đã cho thấy cách nhìn của mình là đúng đắn khi đã không những vực dậy mà còn đưa Ford Việt Nam vào một con đường mới đầy hứa hẹn, hòan toàn xứng đáng với sự nổi tiếng trong việc vực dậy những thị trường khó khăn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tập đoàn Ford.

7. “Cháy hàng” và “nợ nần”

Đó là 2 điểm nóng được đánh giá là “nổi bật” nhất trong năm do các hãng ôtô trong nước tạo nên. Thực tế tình trạng cháy hàng đã được “châm ngòi” từ cuối năm 2006 bằng mẫu xe Camry 2007 của Toyota song nó thực sự bùng phát gây bức xúc trong dư luận kể từ giữa quý 3 kéo theo tình trạng nợ xe khách hàng leo lên con số trên 10.000 chiếc.

Hệ quả của tình trạng này là việc nó đã tạo nên một tiền lệ xấu trên thị trường ôtô Việt Nam – tình trạng đầu cơ và găm hàng để trục lợi tại hàng loạt các đại lý và nhân viên kinh doanh.

8. Nhà sản xuất “đòi”… nhập khẩu

Xuất phát từ quan điểm cho rằng bị “ép” bởi 3 lần giảm thuế nhập khẩu cho xe nguyên chiếc (thậm chí đã vượt xa lộ trình cam kết WTO) của Bộ Tài chính, nhiều nhà sản xuất đã lên tiếng đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc.

Mở màn là Ford Việt Nam với bản đề nghị được gửi đi hồi đầu tháng 8. Tuy nhiên, tiếng nói chính thức của khối các liên doanh sản xuất ôtô chỉ được đưa ra tại cuộc họp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải ngày 26/10. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa đồng ý cho các liên doanh thực hiện việc nhập khẩu và phân phối các sản phẩm ôtô nguyên chiếc. Theo lộ trình cam kết WTO, kể từ 1/1/2009 các doanh nghiệp nước ngoài và có vốn đầu từ nước ngoài trong đó có các liên doanh ôtô thuộc VAMA sẽ được phép hoạt động trong lĩnh vực phân phối tại thị trường Việt Nam.

9. Hơn 1 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm ôtô

Theo ước tính của Bộ Công Thương, giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô và linh kiện ôtô trong năm 2007 sẽ đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc các loại ước đạt 372 triệu USD, tăng 152% so với năm 2006; giá trị kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô phục vụ hoạt động lắp ráp ôtô trong nước ước đạt 700 triệu USD, tăng hơn 138% so với năm 2006.

Cũng theo Bộ Công Thương, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc năm 2008 dự kiến sẽ vẫn tiếp tục tăng khá mạnh, đạt khoảng 431 triệu USD, tăng xấp xỉ 116% so với năm 2007. Đây là mức tăng đã được kiềm chế một phần. Kế hoạch thực hiện đối với các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu năm 2008 dự kiến sẽ đạt giá trị 900 triệu USD, tăng hơn 128% so với năm 2007.

10. Kỷ lục về sức mua

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ôtô Việt Nam tổng sản lượng bán hàng của các thành viên Hiệp hội VAMA vượt qua 4 chữ số, đạt 10.110 chiếc trong tháng 11. Đây được đánh giá là một trong những thành công lớn nhất trong năm của các hãng xe bởi cùng lúc đó họ đang phải nhận sự chỉ trích của giới phân tích, sự tức giận của các khách hàng và sự không bằng lòng của các nhà hoạch định chính sách.

Theo dự báo của một số nhà phân tích, đây là một trong những biểu hiện cho thấy sự bất tuân thủ quy luật thị trường của các nhà sản xuất ôtô Việt Nam và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những biến động khó lường của thị trường ôtô Việt Nam suốt những năm vừa qua và cả một vài năm tới đây. Riêng năm 2008 được dự báo thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng tuy không đột biến, đồng thời 2008 cũng sẽ là năm giúp ngành ôtô Việt Nam nhận ra… chính mình sau năm 2007 mạnh ai nấy làm.

Câu chuyện “xế độc” liên tục được đưa về nước rất được dư luận chú ý đồng thời cũng đã tác động mạnh mẽ lên toàn bộ thị trường ôtô Việt Nam năm 2007. Song theo một số chuyên gia, câu chuyện này không nên xếp vào danh sách 10 sự kiện, vấn đề nổi bật trong năm bởi đa số những chiếc “xế độc” này đều về nước thông qua con đường phân phối không chính thức và hình thức tài sản cá nhân. Trong đó có thể kể đến một số cái tên đình đám như Rolls-Roy Phantom, Bentley, Lamborghini, Audi, Ferrari, Aston Martin hay Infiniti…

Tin mới

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.
Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.