00:10 23/10/2020

12,5 triệu tấn hàng hóa đã qua cảng TC–HICT Hải Phòng

Trần Kỳ

Với cơ sở vật chất được trang bị mới đồng bộ, hiện đại, tiên tiến, TC-HICT đã vươn lên là một trong các cảng dẫn đầu tại Hải Phòng

Lễ đón container thứ 500 nghìn tại Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng.
Lễ đón container thứ 500 nghìn tại Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng.

Ngày 22/10/2020, Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đón TEU thứ 500.000, tương đương khoảng 12, 5 triệu tấn hàng hoá đã được thông qua cảng trong chưa đầy một năm.

Đây được xem là con số khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid–19. Đặc biệt hơn nữa khi cảng biển này mới thành lập chưa đủ 3 năm.

Cảng TC-HICT được hình thành bởi Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn với hãng tàu MOL (Nhật Bản), hãng tàu WHL (Đài Loan, Trung Quốc) và tập đoàn Itochu (Nhật Bản).

Cảng có chiều dài 2 bến là 750m, luồng tàu đạt độ sâu âm 13,4m, vũng quay tàu rộng 660m cùng với trang thiết bị tiên tiến hiện đại nên đủ năng lực tiếp nhận tàu container sức chở lên đến 12.000 TEU và trọng tải 132.900 DWT, thiết kế cho sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm.

Bắt đầu được hoạt động từ trung tuần tháng 5 năm 2018, TC-HICT chỉ khai thác được các tuyến hàng hải dịch vụ trong khu vực Nội Á, Ấn Độ. Nhưng đến thời điểm này, cảng này đã tiếp nhận 10 tuyến dịch vụ mỗi tuần trong đó có 3 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương sang Mỹ,  2 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ và 5 tuyến dịch vụ Nội Á.

Trong đó, vào ngày 19/05/2020 mới đây, TC-HICT đã tiếp nhận tàu siêu trọng tải mang tên ONE CONTRIBUTION dài 316 m, trọng tải 90.000 tấn, sức chở 8.560 TEU thuộc Liên minh THE Alliance khai thác trên tuyến dịch vụ PS3 xuyên Thái Bình Dương kết nối trực tiếp miền Bắc và miền Nam của Việt Nam với khu vực bờ Tây Hoa Kỳ.

Ông Bùi Văn Quì, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng thành viên TC-HICT, cho biết, việc mở ra tuyến dịch vụ trực tiếp này, sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ (và ngược lại) từ 5- 10 ngày, qua đó, sẽ giảm chi phí vận tải, chủ động hơn trong công tác vận chuyển giao hàng, đồng thời hạn chế rủi ro tại các đầu mối kết nối trung chuyển.

Còn ông Nguyễn Xuân Sang, Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá: “Việc phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển trực tiếp từ cảng HICT đến các Cảng Châu Mỹ và Châu Âu mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi logistics toàn cầu”.