14:28 26/03/2021

4 thách thức trong triển khai 5G tại Việt Nam

Thủy Diệu

Chi phí thiết bị mạng 5G cao và yêu cầu triển khai số lượng trạm lớn, do đó chi phí đầu tư 5G sẽ rất lớn

Dự kiến năm 2025, phạm vi phủ sóng 5G toàn cầu tăng 253% và chiếm 53% dân số thế giới.
Dự kiến năm 2025, phạm vi phủ sóng 5G toàn cầu tăng 253% và chiếm 53% dân số thế giới.

"Cũng như các nước trên thế giới, các nhà mạng Việt Nam sẽ phải đối mặt với 4 thách thức chính trong việc triển khai 5G".

Ông Michael Jiang, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam đưa ra góc nhìn về kế hoạch triển khai 5G của Việt Nam tại sự kiện Hội thảo và Triển lãm World Mobile Broadba                                                                                                                                            nd & ICT 2021 hôm 25/3.

Thứ nhất, theo ông Michael Jiang là cơ sở hạ tầng. Khi triển khai xây dựng mạng 5G thì hầu hết trạm di động hiện nay đều đã được lắp đặt rất nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G nên không đủ không gian để lắp đặt 5G và các hạ tầng, như nguồn điện, anten cần phải nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cho mạng 5G. Do đó sẽ phát sinh chi phí lớn.

Thứ hai là thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Theo ông Michael Jiang, thị trường viễn thông là thị trường đóng. Nếu một số nhà mạng cùng chia sẻ một thị trường thì những nhà mạng nào cung cấp dịch vụ sớm sẽ chiếm được thị phần lớn hơn. Các nhà mạng ra sau sẽ bị thiệt thòi hơn và đánh mất thị phần.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Do đó, các nhà mạng nên lựa chọn chiến lược phù hợp để rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường.

Thứ ba là tối ưu hóa chi phí. Chi phí thiết bị mạng 5G cao và yêu cầu triển khai số lượng trạm lớn, do đó chi phí đầu tư, bao gồm chi phí thiết bị và vận hành mạng, sẽ rất lớn. Vì vậy các nhà mạng cần phải tối ưu chi phí đó để tăng hiệu quả đầu tư.

Và thứ tư là trải nghiệm người dùng. Khi chuyển sang mạng 5G, người dùng yêu cầu tốc độ cao, chi phí thấp. Cho nên đó cũng là thách thức của các nhà mạng để đảm bảo yêu cầu về trải nghiệm người dùng tốt nhất, tăng tính cạnh tranh.

Theo thống kê hiện đã có hơn 140 nhà mạng ở 61 nước trên thế giới triển khai mạng 5G. Mạng di động thế hệ thứ 5 đã có khoảng 260 triệu người dùng trên toàn thế giới. 

Giám đốc Công nghệ Huawei Việt Nam cho rằng, Huawei đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai công nghệ mới này tại nhiều quốc gia trên thế giới, do vậy không ít những giải pháp được đúc rút cũng có thể phù hợp cho việc triển khai 5G tại Việt Nam.

Cụ thể, theo ông Michael Jiang, các nhà mạng Việt Nam hiện nay đang sử dụng hầu hết là mạng trong nhà (indoor). Điều đó làm phát sinh ra nhiều chi phí, như xây dựng, mua sắm thiết bị nhà trạm, chi phí thuê địa điểm, chi phí điện cho hệ thống điều hòa làm mát của nhà trạm. 

Do vậy biện pháp tối ưu cho các nhà mạng Việt Nam là chuyển sang giải pháp ngoài trời (outdoor). Đó là những thiết bị treo trực tiếp trên cột nên sẽ không cần phải xây dựng nhà trạm, giảm chi phí điều hòa.

Theo ước tính của Huawei, với 1 mạng lưới gồm 30.000 trạm, giải pháp outdoor có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm được chi phí vận hành (OPEX) là 133 triệu USD/năm.

Giám đốc công nghệ của Huawei Việt Nam cũng cho rằng, các nhà mạng Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí khi triển khai 5G bằng cách tối ưu lượng điện tiêu thụ. 

Theo ông Jiang, đối với mạng 5G, dịch vụ B2B là một thị trường đặc biệt quan trọng mang lại nhiều lợi ích cho nhà mạng. Các dịch vụ B2B được xem là "đại dương xanh" trong biểu đồ tăng trưởng của các nhà mạng. 

Các ứng dụng 5G đã được triển khai trong hơn 20 ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hậu cần. Vị này kể, ở Trung Quốc, các ứng dụng công nghiệp 5G đã chứng tỏ giá trị của chúng trong khai thác than, luyện thép và sản xuất. 5G sẽ giúp sản xuất an toàn hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn.