19:10 23/05/2019

5 thách thức trong quản lý ngân sách và nợ công của Việt Nam

Linh Đan

Trong 10 năm, nợ công của Việt Nam tăng từ 32% lên 63,8%

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Ngày 23/5, Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công Châu Á (PEMNA) năm 2019 do Việt Nam đăng cai tổ chức đã bước sang ngày làm việc thứ 2 và các vấn đề về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công được các đại biểu tập trung bàn thảo nhiều.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã thẳng thắn khi chỉ ra 5 thách thức mà chính các nhà quản trị của Việt Nam nhận ra trong việc cơ cấu lại ngân sách, quản lý nợ công.

Thứ nhất là việc  hoàn thiện lại hệ thống chính sách thuế, giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách thuế. Việc này Việt Nam đã bắt tay vào làm nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Hiện Việt Nam đang cải thiện hệ thống chính sách thuế theo quan điểm thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để vừa huy động hợp lý vào ngân sách nhưng vừa đảm bảo mở rộng cơ sở thuế,. Bên cạnh đó việc cải thiện chính sách thuế phải dựa trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc về chống chuyển giá, phòng chống gian lận thuế...

Thứ hai là thách thức trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách minh bạch. Theo đó phải đề cao vai trò của kế hoạch tài chính trung hạn, vai trò quản lý ngân sách theo đầu ra. Cụ thể là hiệu quả thu được từ quản lý đầu tư công, xây dựng và triển khai để án thực hiện chuẩn mực quốc tế trong khu vực công để nâng cao tính minh bạch, độ tin cậy của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, Việt Nam tuy đã chuyển một bước quan trọng về quản lý cơ cấu lại nợ công và tăng kỳ hạn của danh mục nợ trái phiếu chính phủ, giảm lãi suất nhưng quản lý nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong 10 năm tới. Nếu so với các thành viên PEMNA có mức nợ công bình quân 48% thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện đang khá cao ở mức 58%

Thứ tư vấn đề về nâng cao vai trò của Kho bạc Nhà nước trong quản lý thu chi ngân sách Nhà nước và nợ công. Đây là câu chuyện khá dài hơi khi mà vai trò của Kho bạc Nhà nước tại Việt Nam chưa phát huy hết, thiếu nhiều quyền trong việc quản lý thu chi ngân sách Nhà nước.

Thách thức thứ năm của Việt Nam là việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đây được xem là một thách thức lớn khi mà thị trường tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng tiền mặt quá lớn.

Nhìn lại quá trình quản lý nợ công của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, sau khủng hoảng kinh tế những năm 2007 - 2008, trong khoảng 10 năm qua đa số các nền tài chính các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đều tăng nợ, tăng bội chi 2,2% - 5,5%, thời gian gần đây giảm xuống 3,5%. Cùng với tăng bội chi, để giải quyết khủng hoảng, nợ công toàn thế giới  tăng nhanh.

Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật khi bội chi liên tục tăng, dẫn đến nợ công trong vòng 10 năm tăng từ 32% năm 2005 lên 63,8% năm 2015 và đang trở thành thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, do sớm nhận biết được những thách thức của mình nên Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân sách và nợ công để đảm bảo nền ngân sách phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững. Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu như đã phục hồi tỷ lệ động viên vào ngân sách đạt mức bình quân gần 24% GDP. Cơ cấu thu chuyển dịch quan trọng, thu từ sản xuất, kinh doanh, từ thuế phí đã đạt 83% tổng thu ngân sách.

Đặc biệt, đến nay thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam đã không phụ thuộc vào hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên khi chỉ còn chiếm 3,5 tổng thu ngân sách. Trong khi đó 10 năm trước số thu từ khoáng sản, tài nguyên chiếm tới 23% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Trong cơ cấu chi ngân sách, Việt Nam đã kiên định giảm bội chi từ trên 5% GDP vào năm 2015, xuống còn 2,74% GDP năm 2017, phấn đấu đến 2020 khoảng 3% GDP…

Những kết quả đó đã giúp giảm nợ công từ 63,8% xuống còn 58,4% GDP và đang có xu hướng giảm vững chắc. Bên cạnh đó, trong tổng nợ công đã cơ cấu lại thì có trên 60% là các khoản nợ trái phiếu chính phủ với kỳ hạn nợ đã kéo dài hơn, bình quân trên 12 năm và mức lãi suất thấp xuống chỉ còn 4,2 - 4,5%/năm, đây là tỷ lệ hợp lý.