Một số chính sách lao động - tiền lương áp dụng từ tháng 9/2022
LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2/9 CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động được nghỉ Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau). Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Theo hướng dẫn tại Công văn 245/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh năm 2022 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, dịp lễ Quốc khánh năm 2022 sẽ nghỉ từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 2/9/2022.
Do ngày 2/9 là thứ 6 của tuần nên cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ lễ liên tiếp 4 ngày, từ ngày thứ Năm 1/9/2022 đến hết ngày Chủ nhật 4/9/2022. Như vậy, tổng số ngày nghỉ tối đa của dịp này là 4 ngày, không phải hoán đổi ngày nghỉ.
Lịch nghỉ trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
“Về tiền lương làm thêm ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”, luật sư Nguyễn Thụy Hân thuộc Thư viện Pháp luật chia sẻ.
CHÍNH SÁCH MỚI VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI
Từ ngày 9/9/2022, Thông tư 12/2022/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, có những nội dung đáng chú ý về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
Về thời giờ làm việc, người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc, cụ thể như sau: Ca làm việc không quá 12 giờ trong 1 ngày. Phiên làm việc tối đa là 7 ngày.
Về làm thêm giờ, đối với thời gian làm thêm giờ, bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm.
Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019. Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
THÍ ĐIỂM CHO PHẠM NHÂN LAO ĐỘNG NGOÀI TRẠI GIAM
Đây là chính sách mới tại Nghị quyết 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.
Theo đó, việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
Bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019.
Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ kết quả lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết 54/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/9/2022 và được thực hiện trong 5 năm.