Nâng khống vốn điều lệ, cổ phiếu FLC Faros không được giao dịch trên UPCoM?
Như VnEconomy đã đưa, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sang thị trường UPCoM.
Theo đó, VSD sẽ chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký chứng khoán gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS sang thị trường UPCoM, do cổ phiếu này bị hủy niêm yết tại HOSE theo Quyết định số 579/QĐ-SGDHCM ngày 25/8/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Trả lời VnEconomy về diễn biến này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 25/8/2022, HOSE đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-SGDHCM về việc hủy niêm yết 567.579.121 cổ phiếu của Công ty Cổ phần FLC Faros do tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo quy định, công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Tuy nhiên, đối với Công ty Cổ phần FLC Faros, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, việc nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra.
Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của Công ty Cổ phần FLC Faros và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch. Việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của FLC Faros sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ROS đã tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014, lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016. Việc thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính.
Việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng xảy ra tại ROS trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố là hành vi bị cấm được quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.