Vì sao ngày càng nhiều đô thị trên thế giới nói không với ô tô?
Theo một nghiên cứu của RAC Foundation, phần lớn thời gian của ô tô cá nhân là … đứng yên trong bãi đỗ xe, chiếm dụng những không gian giá trị ở khu vực thành thị. Ví dụ, theo số liệu điều tra dân số, diện tích đường xá và bãi đậu xe chiếm gần 1/4 quận Manhattan, trong khi chỉ có 22% các hộ gia đình trong quận sở hữu ô tô.
Theo HR&A Advisors, ô tô từng bị cấm trên một đoạn đường của phố Broadway ở Quảng trường Thời đại vào năm 2009 và nhanh chóng làm giảm số lượng các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ liên quan đến người đi bộ, mặc dù ban đầu quyết định này còn gây tranh cãi. Bên cạnh đó, một liên minh do các công đoàn và tổ chức y tế công cộng đã và đang nỗ lực nhằm biến 25% diện tích đất sử dụng cho ô tô thành đất cho người dân ở Thành phố New York trước 2025.
Việc tạo ra các quảng trường dành cho người đi bộ như Quảng trường Thời đại đang phổ biến ở nhiều thành phố châu Âu và châu Á như Amsterdam và Tokyo: họ ưu tiên cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và xe đạp, trong khi đó các thành phố ở Hoa Kỳ thường ưu tiên ô tô hơn.
Paul Stout, chủ sở hữu tài khoản Tiktok về phát triển đô thị tên ‘TalikngCities’, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ nói chung không hài lòng lắm với tình trạng của nhiều thành phố hiện nay. Nhu cầu đối với những thành phố có không gian đi bộ và những địa điểm có nhiều phương tiện công cộng ngày càng lớn”.
Để khiến các thành phố của Hoa Kỳ thân thiện hơn với người đi bộ, việc thực hiện thu phí ùn tắc, giảm không gian đỗ xe và đỗ xe trả phí là cần thiết. Các thành phố có thể chuyển đổi một số không gian này thành quảng trường dành cho người đi bộ, không gian bán lẻ ngoài trời cũng như bổ sung cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng.
“Quan tâm đến chất lượng của không gian công cộng đang giúp cuộc sống của rất nhiều người trở nên tốt đẹp hơn”, Elizabeth Plater-Zyberk, kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị và giáo sư tại Đại học Miami chia sẻ.