14:26 30/06/2011

Băn khoăn nghị định quản lý vàng

Nguyễn Hoài

Dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng sắp ban hành nhưng theo các chuyên gia, cần sửa đổi và bổ sung thêm quy định

Điểm “nhạy cảm” dễ thấy của dự thảo nghị định có ở việc đưa “vàng phái sinh” vào khu vực “hoạt động kinh doanh vàng khác”.
Điểm “nhạy cảm” dễ thấy của dự thảo nghị định có ở việc đưa “vàng phái sinh” vào khu vực “hoạt động kinh doanh vàng khác”.
Dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng sắp ban hành nhưng theo các chuyên gia, cần sửa đổi và bổ sung những quy định về vàng tài khoản và giám định vàng vật chất.

Dự thảo nghị định quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Ngân hàng Nhà nước gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành và các bên liên quan ban hành sớm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hãm bớt cho dễ quản?

Theo các chuyên gia, đây là nghị định được đánh giá là cụ thể và chi tiết hơn Nghị định 174/NĐ-CP trước đây, ít nhất là phạm vi điều chỉnh được thống kê khá chi tiết và đầy đủ, bao gồm: hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động sản xuất, gia công vàng miếng; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và kinh doanh sản phẩm phái sinh về vàng.

Tuy nhiên, điểm “nhạy cảm” dễ thấy của dự thảo nghị định bắt đầu từ việc đưa “vàng phái sinh” vào khu vực “hoạt động kinh doanh vàng khác”. Tại Khoản 4, Điều 3 dự thảo nghị định ghi: “Các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép theo quy định tại nghị định này và các quy định khác có liên quan của Pháp luật”.

Giới kinh doanh vàng cho rằng, quy định như vậy đã nảy sinh nhiều bất cập. Những sản phẩm phái sinh như “kỳ hạn - forward”, “hoán đổi - swap”, “quyền chọn - option” vốn hết sức phổ biến trên thế giới hiện nay và ngay cả ở Việt Nam trong nhiều năm trước đây.

Vì thế, nếu đưa chúng vào “hoạt động kinh doanh vàng khác” thì nhóm phái sinh phổ biến sẽ được hiểu là phái sinh có điều kiện, bị hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng muốn mua bán dăm lạng vàng “kỳ hạn” khoảng vài ba tháng, lại phải chờ đợi cả tháng trời với không ít nhiêu khê thủ tục giấy tờ mới được Nhà nước cho phép. Và do đó, cơ hội kinh doanh sẽ bị mất. Chưa kể, quy định như vậy còn đẻ ra cơ chế “xin - cho”.

Trong khi đó, từ năm 2005, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được mua bán “kỳ hạn” với vàng một cách khá phổ biến. Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giams đốc Trung tâm vàng ACB cho rằng: “Vô hình trung, nghị định đang biến những hình thức kinh doanh vàng từ chỗ phổ biến trở thành không phổ biến. Không có lý do gì một sản phẩm được tự do sau 6 năm, nay lại bị thu hẹp”.

Trên thực tế, các hình thức mua bán vàng như “kỳ hạn”, “quyền chọn”, “hoán đổi” là những công cụ kinh doanh giúp cho tính thanh khoản thị trường tốt hơn, đa dạng hơn thay vì chỉ có hình thức mua bán “tiền trao cháo múc” một cách đơn điệu, vốn gây áp lực “sóng” lên thị trường một cách trực tiếp và tức thì.

Ngoài ra, ngày 22/6/2011, trong văn bản số 23/2011/CV-HHV của Hiệp hội Vàng gửi Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, không thể hiểu khái niệm “vàng phái sinh” một cách đơn giản như trên mà cần được hiểu thống nhất là “vàng phái sinh là những công cụ giao dịch vàng kỳ hạn, tương lai, quyền chọn và hoán đổi”.

Mờ nhạt “giám định” và “phân kim”

Để nâng cao hiệu quả thực thi, dự thảo nghị định cũng đề cập tới sự chức trách, nhiệm vụ và sự phối kết hợp của của các bộ, ngành, UBND các tỉnh. Đặc biệt, phần việc của Bộ Khoa học và Công nghệ được quy định khá chi tiết: “Phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng miếng và vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng”.

Nhưng một vấn đề cực kỳ quan trọng là khâu “giám định chất lượng, tuổi thọ” của vàng lại không được đề cập.

Tổng giám đốc một ngân hàng nói, Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung thêm phần “giám định” và quy định cấu trúc đối với hoạt động này một cách cụ thể hơn. Ví dụ, muốn thu phí giám định vàng thì phải có trang thiết bị, nhân lực, phải đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo ISO hoặc TCVN. Trang thiết bị để giám định phải được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước công nhận đủ điều kiện.

Một vấn đề tiếp theo là hoạt động phân kim cũng không có mặt trong nghị định này. Lâu nay, đã nói đến vàng thì không thể bỏ qua hoạt động phân kim bởi đó là quá trình biến đổi từ vàng tạp chất thành vàng tinh chất với chất lượng tối đa là 4 số 9. Tất nhiên, hoạt động này không phải ai muốn làm đều được mà phải thỏa mãn những tiêu chí nhất định. Chẳng hạn, muốn phân kim để thu phí phải có máy móc thiết bị được hiệu chỉnh, kiểm định của nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật về phân kim, chưa kể tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết phần vàng tài khoản và giám định, phân kim vào nghị định thì mới phù hợp với thị trường do sự phức tạp của chúng. Bởi lẽ, vàng tài khoản, vàng phái sinh là những hình thái kinh doanh rất phức tạp, có liên quan đến nhiều vấn đề như trạng thái vàng, điều kiện nào mới có thể làm được, cân đong đo đếm ra sao, chế độ quản lý rủi ro, chế độ báo cáo… của các tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp  kinh doanh vàng.

Trong điều kiện chưa thể hoàn thành kịp tiến độ về thời gian theo chỉ đạo của Chính phủ thì nên bóc tách và xây dựng riêng một nghị định về “vàng tài khoản” hay “vàng tài chính” thay vì chỉ đề cập sơ sài và nặng về tinh thần “khó quản thì hãm bớt” như hiện nay.