12:15 13/10/2007

Báo chí và doanh nghiệp: Để cùng nhau bơi ra biển lớn

Đình Nam

"Chỉ riêng việc thông tin sai, báo chí còn “mắc nợ” rất nhiều với công chúng, trong đó có giới doanh nghiệp"

Hỗ trợ nhau phát triển, thế nhưng mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp không phải bao giờ cũng thuận lợi.
Hỗ trợ nhau phát triển, thế nhưng mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp không phải bao giờ cũng thuận lợi.
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2007, cả nước đã có 678 cơ quan báo chí với hơn 800 ấn phẩm, gồm 172 tờ báo, 448 tạp chí, 67 đài phát thanh, truyền hình, 5 báo điện tử, 105 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng nghìn trang điện tử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Báo chí vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chưa thận trọng trong tác nghiệp, đưa thông tin sai lệch, không khách quan trong cách đặt vấn đề, đưa thông tin có lúc làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, mất thương hiệu, uy tín với khách hàng.

Cũng như vậy, đã có tình trạng đại diện doanh nghiệp không muốn tiếp xúc và cung cấp thông tin cho báo chí do doanh nghiệp làm ăn vòng vo, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kiếm lời, nên sợ bị phanh phui...

Chúng tôi xin giới thiệu những ý kiến của một số nhà báo, nhà quản lý, doanh nhân về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp nhằm tìm ra một con đường chung để tận dụng các nguồn lực để làm lợi cho doanh nghiệp và báo chí, phục vụ cho mục tiêu đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, sánh vai với các quốc gia khác trên thế giới.

“Một đòi hỏi tất yếu”

(Ông Hồng Vinh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)

“Thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta cho thấy, báo chí và doanh nghiệp, nhà báo và doanh nhân luôn đồng hành, hỗ trợ, hợp tác để cùng phát triển. Bởi hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những chủ đề lớn, có nội dung phong phú, thu hút sự quan tâm của công chúng thông qua báo chí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu được các cơ quan báo chí, nhà báo quan tâm, tuyên truyền cổ vũ để có thể quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu hay tìm kiếm những cơ hội làm ăn, hợp tác mới.

Mặt khác, báo chí còn là “cánh chim báo bão”, là người cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp cụ thể, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt mà điển hình là những thương hiệu doanh nghiệp có uy tín như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)... Hoạt động của doanh nghiệp và báo chí gặp nhau ở mục tiêu cao cả là làm cho mục tiêu phát triển kinh tế, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp sớm trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, mối quan hệ doanh nghiệp và báo chí cũng bộc lộ một số bất cập, thậm chí bức xúc, dẫn đến việc thông tin chưa chuẩn xác trên báo chí gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, thậm chí cả lợi ích quốc gia. Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là việc nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cơ chế phát ngôn chưa định hình, thống nhất đặc biệt khi doanh nghiệp gặp khó khăn, va vấp.

Về phía cơ quan báo chí, hạn chế về kiến thức kinh doanh, pháp luật của một số nhà báo đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tác nghiệp, phản ánh các vấn đề của doanh nghiệp lên mặt báo, thậm chí cố tình thông tin sai lệch về doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi.

Để khắc phục những hạn chế này, doanh nghiệp cùng báo chí cần chủ động khắc phục những bất cập trong mối quan hệ giữa hai phía. Doanh nghiệp cần coi trọng cung cấp các thông tin cần thiết cho báo chí. Doanh nghiệp phải đề cao ý thức tiếp thu sự phê bình của báo chí, ý thức xây dựng quan hệ cạnh tranh lành mạnh, không dùng báo chí làm công cụ phục vụ mục đích cạnh tranh với đối thủ. Doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, các nhà báo cần nâng cao kiến thức về hoạt động kinh tế, kinh doanh cũng như đề cao ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân khi phản ánh các hoạt động của doanh nghiệp. Báo chí phải coi trọng hơn nữa việc phát hiện, cổ vũ những doanh nghiệp làm ăn tốt, hiệu quả chứ không chỉ tập trung phản ánh những mặt tiêu cực của doanh nghiệp.”

“Làm rõ trách nhiệm thông tin của báo chí”

(Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom)

“Theo quan điểm của chúng tôi, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trở thành mối quan hệ hai chiều với sự tôn trọng, minh bạch, khách quan và được đặt trên nền tảng lợi ích cộng đồng, xã hội.

Làm kinh doanh, sản xuất vốn đã nhọc nhằn nhưng để xây dựng thương hiệu một doanh nghiệp, một sản phẩm còn là cả quá trình lâu dài và nếu không có sự giúp sức của báo chí, truyền thông thì thành công gần như không tưởng. Đó là chưa kể tới nhiều nhà báo luôn sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế theo dõi, phân tích tình hình kinh tế để kịp thời đưa ra những “dự báo vàng”, giúp các doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn.

Ngược lại, hoạt động của các doanh nghiệp luôn là nguồn đề tài không bao giờ cạn để báo chí hoạt động, phát triển. Đề tài xung quanh vấn đề, sự kiện và thông tin doanh nghiệp luôn không thể thiếu trong nội dung của báo đài... Ở góc độ kinh tế, báo chí cũng là loại hàng hóa đặc biệt, và tòa soạn cũng là một dạng doanh nghiệp đặc biệt trong đó nguồn thu chủ yếu của báo chí là nhờ tiền tài trợ, quảng cáo mà các doanh nghiệp là đối tác chủ yếu.

Có thể nói báo chí giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Việc báo chí phê phán các việc làm sai trái hoặc chưa đúng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước... Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn xem xét hiện tượng có khá nhiều nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình để phê bình vô căn cứ, thổi phồng quá mức sự việc.

Đã đến lúc chúng ta cần đặt vấn đề trách nhiệm của tòa soạn, nhà báo trong việc đưa tin sai, không đúng sự thật về doanh nghiệp. Cũng như vậy, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp, đây vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của doanh nghiệp.”

“Cần thông tin chính xác về thị trường chứng khoán”

(Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ra đời được 7 năm và từng bước tạo ra một kênh huy động vốn dài hạn cho phát triển kinh tế đất nước. Cho đến nay, quy mô vốn hóa của thị trường đã đạt trên 28% GDP.

Đạt được những kết quả trên là do có sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự nỗ lực tham gia của các doanh nghiệp, công chúng đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đóng góp hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin kiến thức về thị trường chứng khoán, các bài bình luận của các chuyên gia nhận định về tình hình thị trường, thông báo cho nhà đầu tư những cơ hội, rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán. Nhiều tờ báo đã trở thành địa chỉ tin cậy cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán.

Sự phối hợp giữa báo chí, cơ quan quản lý và đội ngũ các chuyên gia chứng khoán còn chưa tốt nên chưa tạo ra những tín hiệu định hướng tốt cho thị trường, đôi lúc tạo ra sự lạc quan hoặc tiêu cực thái quá. Hiện nay, hầu hết các báo đều có đưa tin về thị trường chứng khoán, điều này có lợi là nâng cao được công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này nhưng do đội ngũ phóng viên của các báo trong lĩnh vực này còn thiếu nên dẫn đến tình trạng một số bài còn thiếu tính chuyên sâu.

Tuy nhiên, nhiều phóng viên đã tham gia những khóa học tập nâng cao kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán và do vậy cách thức nhìn nhận, đánh giá về thị trường cũng ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện những hành vi lợi dụng “khoảng trống” của luật pháp để trục lợi, đặc biệt trong hoạt động phát hành, công bố thông tin. Trong bối cảnh đó, rất cần những phóng sự điều tra, phỏng vấn trực tiếp đối tượng vi phạm để cảnh báo, bảo vệ công chúng đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nâng cấp trang web, hoàn thiện quy trình công bố thông tin, xây dựng quy chế người công bố thông tin để chuyển tải thông tin cho thị trường, công chúng đảm bảo chính xác... góp phần xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển.”

“Cùng nhau bơi ra biển lớn”

(Ông Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ Báo chí)

“Trong thời đại bùng nổ thông tin, không có một doanh nghiệp nào mai danh, ẩn tích mà thu được thành công. Giá của một thương hiệu (chủ yếu thông qua thông tin, tuyên truyền, quảng bá...) nhiều khi còn lớn hơn cả tổng giá trị tài sản, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp hiện có.

Những “giây vàng”, “giờ vàng” trên sóng truyền hình, phát thanh, những “lô đất mặt đường” trên các tờ báo lớn đều là những chọn lựa hàng đầu của các doanh nghiệp muốn quảng bá thông tin về sản phẩm hay về bản thân doanh nghiệp. Ngược lại, nhờ doanh nghiệp, nhờ nguồn tiền từ thông tin, quảng cáo, nhiều cơ quan báo, đài, tạp chí từ chỗ sống bằng “bầu sữa” bao cấp đã tiến tới tự làm ăn có lãi, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Theo thống kê mới nhất, cả nước có 2 đài truyền hình có doanh thu đạt 1.200 - 1.300 tỷ đồng/năm, thậm chí năm nay có thể đạt 1.500 tỷ đồng; 15 đài truyền hình địa phương và khu vực có doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm; gần 10 tờ báo in có doanh thu 350-600 tỷ đồng/năm. Tổng doanh thu của các cơ quan báo chí một năm ít nhất là 10.000 tỷ đồng.

Những dẫn chứng trên cho thấy mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp khi cùng ra “biển lớn” là nương tựa nhau để vượt qua “gió cả, sóng to”. Vì vậy, có thể nói, doanh nghiệp ăn nên làm ra thì báo chí cũng có thêm điều kiện phát triển.

Tuy nhiên, mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp không phải bao giờ cũng thuận lợi. Chúng tôi đã làm một cuộc điều tra nhỏ đối với hàng chục doanh nhân về suy nghĩ đối với nhà báo và báo chí. Hơn 40% trả lời theo hướng tích cực là chủ yếu, cho rằng báo chí có công lớn trong sự nghiệp đổi mới, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài.

Khoảng 40% vừa có ý kiến tương tự, vừa băn khoăn vì thông tin trên báo chí còn sai nhiều, nhiều nhà báo non yếu kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là luật pháp. Đó là chưa nói đến những yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm của người làm báo trước tác phẩm của mình.

Chỉ riêng việc thông tin sai, báo chí còn “mắc nợ” rất nhiều với công chúng, trong đó có giới doanh nghiệp. Điển hình như một số báo đã phản ánh một chuyến bay của Vietnam Arilines bay từ Việt Nam sang Đức, phi công cầm lái đã ngủ gật; hay chuyện mang chuột bạch lên máy bay, chuyện máy bay tầm xa lắp động cơ tầm trung..., đã đem đến hậu quả nhãn tiền là lượng hành khách đi máy bay của Vietnam Airlines giảm hẳn.

Rồi chuyện phản ánh những thông tin nhạy cảm về chất lượng hàng thủy sản, nông sản..., đã làm giá xuất khẩu các loại hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Cả một thương hiệu lớn phải mất rất nhiều công sức mới gây dựng được nhưng chỉ cần một hoặc một số bài báo thiếu công tâm là có thể bị lung lay, thậm chí sụp đổ.

Cùng với hơn 80% các doanh nghiệp đã nói ở trên, còn có gần 20% doanh nhân không muốn nói lên suy nghĩ về báo chí.

Doanh nghiệp cần báo chí tuyên truyền cho phong trào đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; sáng tạo, năng động làm giàu cho gia đình, tập thể và đất nước. Báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp, trao đổi thông tin kinh tế giúp doanh nghiệp tận dụng mọi thời cơ, thế mạnh để làm ăn; dự báo, cảnh báo những khó khăn, thách thức, tai họa cần phải vượt qua hay né tránh. Đồng thời phát hiện, đề xuất với Đảng, Nhà nước những khó khăn, bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Đôi khi, một bài báo tốt, có tầm, sắc bén, kịp thời có thể cứu một doanh nhân khỏi bị oan sai, cứu doanh nghiệp khỏi đổ bể.

Thiếu vắng chủ đề kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ khiến nội dung phản ánh cuộc sống của các cơ quan báo chí trở nên buồn tẻ, đơn điệu. Doanh nghiệp ra biển lớn, báo chí không thể không đi cùng.”

“Thời báo Kinh tế Việt Nam là cầu nối cho sự hợp tác, phát triển”

(Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam)

“Thời báo Kinh tế Việt Nam là cầu nối giữa doanh nhân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp doanh nhân với Nhà nước với người tiêu dùng.

Nói đến doanh nghiệp ở đây, tôi muốn nói đến không chỉ doanh nhân mà còn có cả những người lao động, công nhân, trí thức, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong đó doanh nhân là nhân vật trung tâm đang cùng với tập thể những người lao động là lực lượng sản xuất của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam phải là doanh nghiệp kiểu mới chứ không phải là những doanh nghiệp thông thường trong các nước phát triển khác. Nơi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đổi mới, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bản thân doanh nhân, người lao động doanh nghiệp là những người đầy tình thương yêu đất nước, được nuôi dưỡng và trưởng thành từ một nền kinh tế đổi mới, được đào tạo trong nền giáo dục Việt Nam, trong môi trường kinh doanh Việt Nam.

Từ nhận định đó, chúng tôi nghĩ rằng, mối quan hệ trong doanh nghiệp cũng là quan hệ mới. Trong mối quan hệ đó, doanh nhân với tập thể người lao động là quan hệ hợp tác chứ không phải là quan hệ đối kháng. Thời báo Kinh tế Việt Nam là tờ báo của doanh nghiệp nhưng không chỉ phục vụ riêng lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân mà còn là lợi ích của doanh nghiệp trong lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nhân trong lợi ích dân tộc.

Là cầu nối với doanh nghiệp, Thời báo Kinh tế Việt Nam phục vụ cho các doanh nghiệp và doanh nhân. Vì xây dựng kinh tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Do đó, Thời báo Kinh tế Việt Nam luôn đặt tôn chỉ, mục đích của mình là phục vụ mọi yêu cầu liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Trước hết, đó là nhu cầu về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của nhà nước đối với các vấn đề kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế, Thời báo Kinh tế Việt Nam luôn cố gắng đáp ứng tối đa các nhu cầu thông tin của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan đến quản lý kinh tế, phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới; các kiến thức pháp luật kinh doanh trong và ngoài nước; tư vấn tiêu dùng của doanh nghiệp cũng như doanh nhân... trên hàng loạt các ấn phẩm tiếng Việt, tiếng nước ngoài (Anh, Nhật, Hoa, Nga và báo điện tử).

Mười lăm năm qua và những năm tới, Thời báo Kinh tế Việt Nam luôn mong mỏi là tờ báo đáp ứng được một phần nhu cầu thông tin của doanh nghiệp, doanh nhân với những thông tin kịp thời, chuẩn xác từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ các doanh nghiệp. Chúng tôi luôn mong muốn trở thành “cầu nối” cho sự hợp tác và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.”